Chủ động ứng phó thiên tai bão, mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất giảm thiểu thiệt hại
15/10/2024TN&MTĐất nước Việt Nam trải dài từ Bắc vào Nam với hai miền khí hậu khác nhau, miền Bắc thuộc khí hậu cận nhiệt đới bốn mùa, miền Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa, độ ẩm cao quanh năm và được chia làm 2 mùa: Mùa mưa và mùa khô. Ngoài ảnh hưởng của gió mùa, Việt Nam còn trở thành đường đi của bão và xoáy thuận nhiệt đới tập trung từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm, gây ra mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất, thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy thị sát khu vực bị ngập do bão lũ
Ảnh hưởng nặng nề của thiên tai bão, lũ lụt, mưa lớn, sạt lở đất
Nước ta bị ảnh hưởng bởi 22 loại hình thiên tai đã được luật hóa, như: Bão, lũ lụt, mưa lớn, sạt lở đất, đá,… với số người chết trung bình mỗi năm do thiên tai trong 20 năm qua là gần 400 người, thiệt hại kinh tế chiếm 1~1.5%. Trong đó, thiên tai lớn nhất là thiên tai liên quan đến nước, đặc biệt là hiện tượng bão, lũ lụt và sạt lở đất xảy ra liên tục hàng năm. Theo thống kê của Cục Quản lý đê điều và PCTT tai (Bộ NN-PTNT), trong năm 2023, nước ta đã xảy ra 1.145 trận thiên tai (21/22 loại hình thiên tai) gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Thiên tai đã làm 169 người chết, mất tích (giảm 3% so với năm 2022). Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.236 tỉ đồng (bằng 42% so với năm 2022). Điển hình như, trận thiên tai khốc liệt, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, như: Đợt mưa lớn từ ngày 1 - 8.8.2023 tại khu vực miền núi Bắc bộ làm 17 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất 1.378 tỉ đồng; mưa lớn, lũ quét tại Sa Pa và Bát Xát (Lào Cai) ngày 12.9.2023 làm 9 người chết, mất tích.Sạt lở đất tại nhiều điểm khu vực Tây nguyên, trong đó nghiêm trọng nhất tại đèo Bảo Lộc và TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) đã làm 6 người chết. Từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11.2023, khu vực miền Trung xảy ra 3 đợt mưa lớn, lũ, ngập lụt diện rộng làm 14 người chết, mất tích. Trong đó, đợt mưa từ ngày 13 - 17.11.2023 tại Thừa Thiên - Huế có nơi mưa trên 800 mm/24 giờ, gây ngập lụt diện rộng hạ lưu sông Hương và sông Bồ. Tại Đà Nẵng, đợt mưa từ ngày 10 - 17.10.2023 với tổng lượng trên 1.300 mm gây ngập sâu nhiều khu vực,…
Do ảnh hưởng của BĐKH, thiên tai xảy ra với tần suất cao, cường độ mạnh và diễn biến khó lường; gây tổn thất nặng nề về người, tài sản. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến đường giao thông bị sạt lở, chia cắt; hoạt động sản xuất, đời sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là tại các địa phương ở khu vực miền núi.
Chiến lược quốc gia về PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chỉ ra các biện pháp ứng phó với từng loại thiên tai trong các khu vực. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi bão, lũ, giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất so với giai đoạn 2011-2020; thiệt hại về kinh tế do thiên tai thấp hơn giai đoạn 2011-2020, không vượt quá 1,2% GDP. Phấn đấu 100% cơ quan chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin và hiểu biết kỹ năng PCTT; lực lượng làm công tác PCTT được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức và trang thiết bị cần thiết; 100% tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đảm bảo các yêu cầu theo phương châm “4 tại chỗ”. Năng lực theo dõi giám sát, dự báo, cảnh báo, phân tích thiên tai ngang tầm với các quốc gia hàng đầu trong khu vực. Người dân được bảo đảm an toàn trước thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất, lũ quét. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình PCTT, nhất là hệ thống đê điều, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão được nâng cao, đảm bảo an toàn trước thiên tai theo mức thiết kế, không làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai,..
Chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai
Những thách thức đặt ra đối với công tác PCTT rất lớn, nhất là các loại hình thiên tai bão, mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đát,... Vì vậy, nguyên tắc “Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, có hiệu quả trong đó lấy phòng là chính” chính là định hướng để các ngành, địa phương thực hiện các giải pháp PCTT.
Để chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai, trong khi trọng tâm mùa mưa, lũ năm 2024, cấp ủy và chính quyền các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng ngừa thiên tai cùng cộng đồng, người dân thực hiện với nguyên tắc “phòng là chính” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Với phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả .Trước khi xảy ra lũ, lụt thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tình hình mưa lũ tại nơi mình đang sống để chủ động đối phó. Chuẩn bị thuyền, phao, bè, mảng, vật nổi; gia cố nhà làm gác lửng, lối thoát trên mái nhà để ở tạm, cất giữu đồ đạc đề phòng lũ tiếp tục lên cao. Bảo vệ nguồn nước; dự trữ nước uống lương thực, thực phẩm, thuốc men, để đủ dùng ít nhất trong 7 ngày. Người dân tìm hiểu độ cao của khu nhà của mình đang ở để xác định mức lũ dự báo có khả năng ảnh hưởng đến ngôi nhà của mình hay không. Di chuyển cầu dao chính hoặc hộp cầu chì, aptomat và đồng hồ đo điện cao hơn mức lũ được xác định. Di chuyển các thiết bị và vật dụng có giá trị ra khỏi các khu vực dễ bị ngập lụt như các tầng thấp hoặc tầng hầm. Chủ động sơ tán khỏi vùng bãi sông, vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét; có phương án đề phòng lũ xảy ra vào ban đêm.
Trong khi xảy ra mưa lớn, lũ, lụt theo dõi cập nhật các thông tin liên quan đến lũ, lụt như: Nước dâng nhanh, ngập lụt đường cao tốc, cầu và các khu vực trũng thấp. Khi có cảnh báo lũ, lụt xảy ra tại khu vực mình sinh sống, hãy thực hiện các biện pháp phòng tránh sau: Ngay lập tức di tản đến khu vực chú ẩn an toàn có nền đất cao hơn nếu được chính quyền địa phương yêu cầu.Tránh xa các khu vực bị ngập lụt, ngay cả khi nước đang rút. Cập nhật những tin tức mới nhất về tình hình mưa lũ thông qua tivi, báo, đài phát thanh,…
Trước những ảnh hưởng nặng nề của bão mưa, lũ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 72/CĐ-TTg về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 2 và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trong thời gian tới. Công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ trưởng: Quốc phòng, Công an, TN&MT, NN&PTNT, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, TT&TT. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An đã có mưa to đến rất to, gây ngập sâu cục bộ, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân tại Chương Mỹ - Hà Nội, thành phố Sơn La và một số địa bàn khác, đặc biệt đã xảy ra thiệt hại nghiêm trọng về người tại các huyện Mai Sơn và Thuận Châu, tỉnh Sơn La do sạt lở đất, lũ quét, làm ít nhất 05 người chết, 04 người mất tích và 01 người bị thương. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình người bị nạn, chia sẻ những khó khăn, mất mát của đảng bộ, chính quyền và người dân vùng bị thiên tai, lũ lụt.
Hiện nay, đang là mùa mưa lũ chính vụ ở Bắc Bộ và các tỉnh Tây Nguyên, thời gian tới mưa lũ còn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ tiếp tục xảy ra lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất là rất cao. Để khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ do bão số 2 và chủ động ứng phó với các đợt mưa lũ có thể xảy ra trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thiên tai trên địa bàn, tập trung vào một số nhiệm vụ: Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La trực tiếp chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, sạt lở đất do ảnh hưởng của bão số 2, rà soát, xác định các trường hợp còn đang bị mất tích (nếu có) để tổ chức tìm kiếm cứu nạn với tinh thần khẩn trương nhất, quyết liệt nhất; tổ chức cứu chữa cho người bị thương; phối hợp với gia đình lo hậu sự chu đáo cho những người bị thiệt mạng; thăm hỏi động viên, thực hiện chính sách hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là những gia đình có người bị nạn theo quy định. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo rà soát, cập nhật hoàn thiện phương án PCTT tai trên địa bàn phù hợp với diễn biến thiên tai và điều kiện cụ thể của địa phương (trong đó cần đặc biệt lưu ý có biện pháp chủ động, quyết liệt để giảm thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất); tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo “phương châm bốn tại chỗ” bảo đảm kịp thời, hiệu quả để giảm thiệt hại cho người dân,… Bộ trưởng Bộ TN&MT chỉ đạo cơ quan dự báo KTTV tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thiên tai, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó.
PHƯƠNG ĐÔNG
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 14 (Kỳ 2 tháng 7) năm 2024