Chạy đua với bão Noru

26/09/2022

TN&MTTheo dự báo của Trung tâm Khí tượng-Thủy văn quốc gia, dự kiến bão Noru (bão số 4) với cường độ rất mạnh đổ bộ vào các khu vực miền trung. Để sẵn sàng ứng phó với bão, các tỉnh, thành phố miền trung đã khẩn trương huy động các lực lượng ứng phó với bão, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo đảm an toàn cho người và tài sản.

Chạy đua với bão Noru

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương và lãnh đạo tỉnh Phú Yên kiểm tra công tác ứng phó bão Noru.

Trước diễn biến rất nguy hiểm của bão Noru, để chủ động sẵn sàng ứng phó với bão, mưa lũ kéo dài nhiều ngày, các tỉnh miền trung đã quyết liệt triển khai phương án ứng phó; cử các đoàn kiểm tra đến các vùng xung yếu để đôn đốc, nhắc nhở thực hiện biện pháp phòng tránh.

Sẵn sàng phương án di dời người dân

Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên là nơi có khả năng ảnh hưởng nặng nề của bão Noru. Do vậy ngay trong chiều 25/9, đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão Noru tại thị xã Sông Cầu.

Theo báo cáo của UBND thị xã Sông Cầu, hai ngày qua trên địa bàn có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được tại các trạm từ 19 giờ ngày 24/9 đến 11 giờ ngày 25/9 phổ biến từ 60-148mm, trong đó tại trung tâm thị xã Sông Cầu lượng mưa rất to (Xuân Bình: 148mm). Tại thị xã Sông Cầu, khi kiểm tra và nghe địa phương báo cáo, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương yêu cầu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh khẩn trương triển khai các giải pháp, chủ động ứng phó cơn bão Noru; đồng thời chỉ đạo các địa phương không được chủ quan, lơ là, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lớn để chủ động triển khai các phương án phòng tránh, ứng phó kịp thời có hiệu quả.

Các lực lượng chức năng và địa phương thông báo đến các phương tiện đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm; các địa phương chủ động sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ bị sóng biển tàn phá, ngập sâu, nhà không bảo đảm an toàn, khu vực có nguy cơ cao. Địa phương và các lực lượng chức năng chủ động hướng dẫn tàu thuyền vào các khu neo đậu tránh trú an toàn, kiên quyết không để người ở lại trên các bè nuôi thủy sản, trên tàu thuyền, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người.

Tại tỉnh Quảng Bình, lực lượng biên phòng, quân sự và chính quyền các địa phương đã chủ động phương án sơ tán người dân, tài sản và chuẩn bị lương thực tại các nhà phao, nhà phòng tránh lũ cộng đồng để đối phó khi có tình huống khẩn cấp; tiến hành rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất để có phương án ứng phó kịp thời. Ngoài ra, các lực lượng chức năng đã triển khai chế độ trực, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công diện khẩn yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai khẩn cấp và hoàn thành các công tác chuẩn bị ứng phó với bão Noru trước ngày 26/9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế đã rà soát phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng do bão đến nơi an toàn.

Theo đó, dự kiến tỉnh di dời 26.255 hộ dân với 99.424 nhân khẩu vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng; di dời 23.762 hộ dân với 84.930 khẩu để đối phó với bão; di dời 17.712 hộ dân với 65.231 khẩu để đối phó với lũ lụt và di dời 7.087 hộ với 26.528 khẩu để đối phó với lũ quét, sạt lở đất.

Trong đó, các địa phương ưu tiên sơ tán trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo đến nơi an toàn. Tại cuộc họp nhanh với các sở, ngành, địa phương ngày 25/9, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu lưu ý, từ ngày 26/9, tất cả các cuộc họp không cần thiết sẽ tạm hoãn, đồng thời yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát lại kịch bản di dân, chốt thời gian di dân, nhưng phải tính toán phương án phù hợp, đặc biệt là tại các vùng xung yếu, nguy cơ cao.

Tỉnh Quảng Nam cũng đã xây dựng phương án di dời người dân và du khách đối với hai tình huống: bão mạnh và siêu bão. Đối với tình huống bão mạnh, tỉnh sẽ tổ chức di dời 182.280 người; trong đó, di dời tại chỗ 57.753 người và sơ tán hơn 124.520 người.

Đối với tình huống là siêu bão, tỉnh sẽ tổ chức di dời 401.901 người dân đến nơi an toàn; trong đó di dời tại chỗ 111.470 người và sơ tán hơn 290.430 người. Tại tỉnh Quảng Trị, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chủ trì phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sư đoàn 968 rà soát và sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện giúp người dân phòng, chống bão; cứu hộ, cựu nạn, kịp thời sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có lệnh…

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, khu vực miền núi như huyện Hòa Vang, vùng ven biển đã có các phương án di dân từ vùng trũng, vùng nguy hiểm, vùng sạt lở đến nơi an toàn. Thành phố cũng đã bố trí các địa điểm, lương thực để cho người dân sơ tán.

Các tỉnh vận động và hỗ trợ người dân khẩn trương thu hoạch sớm diện tích lúa đến kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Đến thời điểm này, các địa phương vùng trung du và ven biển trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã thu hoạch xong lúa hè thu; riêng một số huyện vùng núi còn khoảng 570ha lúa nước và hơn 3.500ha lúa rẫy chưa thu hoạch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương cho biết: “Đến nay, diện tích lúa của tỉnh đã được thu hoạch cơ bản xong, nhưng còn khoảng 3.200ha nuôi ao và 3.519 lồng bè nuôi trồng thủy sản trên sông, hồ chứa, đầm phá chưa thu hoạch hết sản phẩm thương phẩm hoặc đang nuôi thủy sản chưa đến kỳ thu hoạch. Tỉnh cũng có phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai với số lượng 100 tấn mì ăn liền, 100 tấn gạo, phục vụ các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt”.

Hạn chế tình trạng lũ chồng lũ

Cùng với đó, các địa phương cũng đã chỉ đạo người dân chủ động giằng chống nhà cửa theo từng khu vực, từng cấp độ; kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú, bảo đảm an toàn diện tích nuôi trồng thủy sản.

Ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu (Phú Yên) cho biết, thị xã hiện có khoảng 82.000 lồng nuôi thủy sản, hơn 960 tàu thuyền, đến chiều 25/9 còn 13 tàu thuyền đang hoạt động trên biển. “Chúng tôi yêu cầu người nuôi trồng thủy sản chằng néo lồng bè, hướng dẫn người dân nuôi lồng bè thả trệt xuống sát đáy để bảo đảm an toàn; tổ chức kêu gọi và hướng dẫn tàu thuyền vào nơi trú tránh, dự kiến đến tối 25/9 các tàu thuyền trên địa bàn đang hoạt động trên biển sẽ vào đến bờ.

Địa phương cũng triển khai vận động tất cả ngư dân trên các tàu thuyền, lồng bè nuôi thủy sản vào bờ trước khi bão đổ bộ vào đất liền, tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè nuôi thủy sản...” - ông Phan Trần Vạn Huy cho biết.

Nhờ các biện pháp khẩn trương, quyết liệt của các cấp chính quyền, đến chiều 25/9, hầu hết người và phương tiện đánh bắt hải sản trên biển khu vực miền trung đã cập bờ tránh, trú bão, hoặc di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Tỉnh Quảng Bình có tổng số 6.689 phương tiện với 22.263 lao động đánh bắt thủy sản trên biển. Đến trưa 25/9 đã có 6.409 phương tiện cập bờ tránh, trú bão, còn 280 phương tiện với 1.877 lao động đang hoạt động trên biển.

Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Bình Trần Xuân Tiến cho biết, tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đều đã nắm được thông tin của bão, hiện đang trên đường vào bờ hoặc di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Tỉnh Thừa Thiên Huế có 613 phương tiện tàu thuyền khai thác biển.Đến chiều 25/9, toàn tỉnh còn 6 phương tiện với 52 lao động hoạt động thủy sản trên biển, chậm nhất sáng 26/9 sẽ đưa vào bờ tránh trú an toàn. Đến cuối giờ chiều 25/9, còn 111 tàu cá với 2.788 lao động của tỉnh Quảng Nam đang hoạt động trên biển; trong đó, có 97 tàu cá đang hoạt động xa bờ.

Hiện tất cả các tàu đã nhận được thông tin, hướng di chuyển của bão số 4 và đang tìm nơi tránh trú... Tại TP Đà Nẵng, lực lượng Bộ đội Biên phòng cũng sẽ thực hiện kêu gọi người dân ở tàu lên bờ khi có bão vào. Nếu không lên bờ thì lực lượng chức năng sẽ khống chế lên bờ. Đối với các tàu công suất nhỏ thì các đồn biên phòng dọc biển sẽ hỗ trợ ngư dân đưa tàu vào bờ.

Để bảo đảm an toàn cho các hồ chứa, cũng như an toàn cho người dân vùng hạ du khi các hồ xả lũ, UBND các tỉnh chủ động chỉ đạo các công trình hồ chứa nước thủy điện, thủy lợi xả nước để đón lũ, hạn chế để xảy ra tình trạng “lũ chồng lũ” ảnh hưởng lớn đến người dân...

Hiện 32 hồ chứa do Công ty Thủy nông tỉnh Quảng Bình quản lý có dung tích trung bình đạt 52%; còn hầu hết các hồ chứa do địa phương quản lý dung tích nước đạt hơn 48%. Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 126 đập, hồ chứa thủy lợi. Đến thời điểm hiện nay, tổng dung tích các hồ chứa trọng điểm đạt trung bình khoảng 33,32% so với dung tích thiết kế.

Các địa phương, đơn vị đã kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình nhằm phát hiện và khắc phục, sửa chữa, tu bổ kịp thời hư hỏng đảm bảo an toàn trước và trong mùa mưa bão. Tỉnh Thừa Thiên Huế có 56 hồ chứa thủy lợi, 12 hồ thủy điện với tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3, hiện mực nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang vận hành bảo đảm an toàn...

Trong những ngày qua, lượng mưa trung bình tại Bình Định là 105mm. Mực nước các trạm thủy văn trên các sông đều dưới báo động I. Tỉnh có 163 hồ chứa có dung tích từ 50 nghìn m3 trở lên, đến thời điểm 12 giờ ngày 25/9, đạt khoảng 30% dung tích thiết kế, hiện có 24 hồ chứa cạn nước, các hồ còn lại đang được điều tiết đưa về mực nước thấp nhất.

Ngày 25/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Công điện số 855/CĐ-TTg, yêu cầu các cơ quan chức năng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum và thành phố Đà Nẵng tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất. Các đơn vị chức năng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ sau bão, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân. Các địa phương cần cấm biển từ sáng ngày 26/9, hoãn các cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai ứng phó bão, lũ: phân công lãnh đạo, triển khai lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở; căn cứ diễn biến và dự báo bão, ban hành lệnh cấm biển và cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn; khẩn trương rà soát, kiểm đếm, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu thuyền trên biển và tại nơi tránh trú; rà soát, kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm...

Theo nhandan.vn

Gửi Bình Luận

code

Tin liên quan

Tin tức

Thủ tướng: Chống chạy chọt, lợi ích cá nhân trong tinh gọn bộ máy

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy gửi thư chúc mừng ngày truyền thống Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị triển khai ‘Kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ’ 

Thông cáo báo chí Chương trình phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tài nguyên

Việt Nam - Phần Lan chia sẻ kinh nghiệm về quản lý bổ cập nước dưới đất

Bộ TN&MT phổ biến Luật Đất đai 2024 cho toàn ngành Tòa án Nhân dân

Thanh Hóa: Tạm dừng khai thác khoáng sản tại 3 dự án xây dựng công trình

TP. Vũng Tàu: Rà soát, kiểm tra vi phạm về đất đai

Môi trường

Diễn đàn “Công nhân lao động vì môi trường 2024”: Lan tỏa sáng kiến xanh, bảo vệ môi trường

Kết nối các Vườn Di sản ASEAN: Hành trình bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam

Ninh Thuận: Ra quân thu dọn hàng trăm khối rác thải ở đầm Nại

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu chủ động xử lý sạt lở bờ biển ở huyện Bình Sơn

Video

Nâng cao công tác quản lý nhà nước về môi trường và hỗ trợ các doanh nghiệp

Phụ nữ tiên phong trong phát triển kinh tế tuần hoàn

Chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero

Dương Kinh (Hải Phòng): Đi tìm lời giải trong việc thu hồi đất tại phường Hòa Nghĩa

Khoa học

Giải pháp thúc đẩy phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo luật Bảo vệ môi trường năm 2020

Ứng dụng công nghệ khoáng, vi sinh và nước xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi

Đánh giá ảnh hưởng môi trường của một số ao nuôi tôm khu vực phía Nam huyện Nhà Bè

Khảo sát quá trình lên men nghệ mật ong ở một số môi trường khác nhau

Chính sách

Từ 1/1/2025, xe ô tô kinh doanh chở trẻ em mầm non, học sinh phải sơn màu vàng đậm

Vi phạm hành chính lĩnh vực khí tượng thủy văn bị phạt tới 100 triệu đồng

Phấn đấu đến 2030, mở rộng diện tích, thành lập mới, quản lý hiệu quả 27 khu bảo tồn biển

Giải pháp trọng tâm đẩy mạnh tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050

Phát triển

“Nhà của ông già Noel” bất ngờ xuất hiện tại khu đô thị của nhà sáng lập Ecopark

Supe Lâm Thao tổ chức Chương trình trồng hoa mừng xuân Ất Tỵ tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng

Công ty CP Than Hà Tu: Đẩy mạnh hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024

Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV: Sơ kết công tác sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm

Diễn đàn

Tin Gió mùa Đông Bắc tăng cường ngày 13/12: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét đậm, có nơi rét hại

Thời tiết ngày 12/12: Bắc Bộ trời rét, vùng núi rét đậm

Tin mới nhất về Gió mùa Đông Bắc ngày 12/12

Thời tiết ngày 11/12: Miền Bắc chiều tối rét đậm kèm mưa

Kinh tế xanh

Cam 3T Farm Cao Phong: Mô hình tiêu biểu trong xây dựng thương hiệu nông sản và chuyển đổi số

Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2024 “Cần ưu tiên 4 con đường chính"

Organic Green Nut - Đậu phụ Quê Mình: Đem nông sản Việt chất lượng cho người Việt

Miến Dong sạch Trung Kiên: Sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe và môi trường