Cần có giải pháp đồng bộ về cảnh báo sớm nguy cơ trượt lở đất đá, lũ quét
14/09/2024TN&MTVừa qua, trong phạm vi ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã xảy ra nhiều vụ trượt lở đất đá ở các tỉnh miền núi phía Bắc gây ra rất nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Viễn thám và tai biến địa chất, Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xung quanh vấn đề này.
PV: Xin ông đánh giá về nguyên nhân trượt lở đất đá (TLĐĐ), lũ quét trong mấy ngày vừa qua ở các tỉnh miền núi phía Bắc?
TS. Nguyễn Quốc Khánh: Những điểm trượt lở đất đá (người dân hay gọi là sạt lở) vừa qua ở các tỉnh Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Kạn,… đa phần đều nằm trong danh sách cảnh báo về nguy cơ cao trượt lở đất đá thuộc đề án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam" mà Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản đã chuyển giao về các địa phương.
TS. Nguyễn Quốc Khánh (bên trái), Giám đốc Trung tâm Ứng dụng viễn thám và tai biến địa chất, Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản trao đổi với phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường
Nguyên nhân gây trượt lở đất đá, lũ quét thì đa dạng: Các yếu tố địa chất, kiến tạo, địa hình, địa mạo, thạch học, vỏ phong hóa, thổ nhưỡng, thảm phủ, sử dụng đất, khí tượng - thủy văn,... Còn yếu tố kích hoạt tự nhiên được xác định chủ yếu là do mưa. Tuy nhiên, yếu tố kích hoạt do con người ngày càng gia tăng từ các hoạt động như phá rừng, cắt xẻ sườn đồi, núi, khai thác khoáng sản,... Dưới tác động của biến đổi khí hậu (chủ yếu đến từ sự thay đổi chế độ mưa), trượt lở đất đá và lũ quét có khả năng xảy ra thường xuyên hơn, phức tạp, khó lường hơn, sức phá hoại lớn hơn, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế - xã hội.
Đề án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam" được phê duyệt thực hiện từ năm 2012 đến năm 2020 ở 37 tỉnh, thành trong cả nước, gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước và Đồng Nai với 261.789 km2 diện tích tự nhiên, trong đó 104.500 km2 điều tra hiện trạng và 123.000 km2 thành lập bản đồ thành phần.
PV: Vậy theo ông có cảnh báo sớm được trượt lở đất đá, lũ quét không?
TS. Nguyễn Quốc Khánh: Với sự phát triển của khoa học công nghệ và thông tin hiện nay, việc cảnh báo sớm về nguy cơ trượt lở đất đá, lũ quét là hoàn toàn được. Ngày nay, trên thế giới, hệ thống cảnh báo sớm thiên tai thường là một hệ thống cảnh báo với nhiều hợp phần, và hệ thống cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét cũng tương tự.
Theo mô hình của Cơ quan chiến lược về giảm nhẹ thiên tai của Liên Hợp quốc thì hệ thống cảnh báo sớm có 4 hợp phần: Sự hiểu biết về rủi ro thiên tai, giám sát và dự báo, phổ biến thông tin, phản ứng đối với thiên tai trượt lở đất đá, lũ quét. Hệ thống cảnh báo với đầy đủ 4 hợp phần đã được xây dựng ở nhiều nước, vùng lãnh thổ trên thế giới như: Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan,…
Đề án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam" được phê duyệt thực hiện từ năm 2012 đến năm 2020, trong đó dự kiến triển khai thành 02 Giai đoạn: Giai đoạn I (2012-2015) tiến hành các hạng mục điều tra và lập các bản đồ sản phẩm ở tỷ lệ 1:50.000 cho toàn bộ 37 tỉnh miền núi, làm cơ sở để xác định các vùng điều tra chi tiết ở Giai đoạn II.
Giai đoạn II (2016-2020) tiến hành các hạng mục điều tra chi tiết ở tỷ lệ lớn tại các khu vực trọng điểm được xác định theo kết quả thực hiện ở Giai đoạn I, và lắp đặt thí điểm 10 trạm quan trắc tại các khu vực trọng điểm.
Ở Việt Nam hiện nay, các công nghệ cảnh báo sớm đã và đang đạt được những thành tựu tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn lượng lớn công việc cần phải làm để lấp đầy những khoảng trống về công nghệ, thông tin, đặc biệt là vấn đề truyền thông, giáo dục cộng đồng.
PV: Là người tham gia đề án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam", theo ông có cảnh báo được trượt lở đất đá đến từng thôn bản, xã trọng điểm hay không?
TS. Nguyễn Quốc Khánh: Đề án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam" là đề án lớn, được giao cho Viện Khoa học địa chất và khoáng sản thực hiện. Chủ nhiệm đề án là TS. Lê Quốc Hùng (từ năm 2012 - 2017) và TS Trịnh Xuân Hòa (2017 - 2021).
Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá có màu đỏ sẫm là có nguy cơ rất cao, màu hồng là nguy cơ cao ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai
Trong số các sản phẩm của đề án, đáng chú ý có các bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá ở các tỷ lệ 1:50.000, 1:25.000 và 1:10.000, giúp chúng ta hình dung được về hiện trạng trượt lở đất đá và các yếu tố thành phần đóng vai trò là nguyên nhân gây phát sinh, phát triển quá trình trượt lở đất đá (25 bộ cho 25 tỉnh). Hoặc các bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 (15 bộ cho 15 tỉnh), được trình bày trên các tờ bản đồ A0 theo địa giới cấp huyện, có độ chính xác tới cấp xã (tỷ lệ 1:50.000), thôn/bản (xã trọng điểm, tỷ lệ 1/10.000). Đa phần những điểm sạt vừa qua ở các tỉnh Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Kạn,… nằm trong danh sách cảnh báo cao về nguy cơ trượt lở đất đá trong các bộ bản đồ này.
Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá có màu đỏ sẫm là có nguy cơ rất cao, màu hồng là nguy cơ cao ở huyện Bắc Hà và huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai
Theo kế hoạch ban đầu, đề án được phê duyệt thực hiện trong 10 năm. Nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan, đề án đã không được gia hạn thêm thời gian thực hiện, phải tạm dừng để chuyển sang giai đoạn 2 ("Cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét khu vực miền núi, trung du VN"). Như vậy, sau 10 năm đề án mới chỉ thực hiện được một nửa khối lượng công việc so với mục tiêu ban đầu. Chẳng hạn, thay vì làm bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá ở các tỷ lệ 1:50.000 cho 37 tỉnh thì đề án chỉ thực hiện được cho 25 tỉnh hiện trạng trượt lở và 15 tỉnh phân vùng nguy cơ; phần về rủi ro, giám sát, cảnh báo sớm và phổ biến thông tin, phản ứng, đối phó với thiên tai trượt lở đất đá chưa được thực hiện.
Tuy nhiên, các sản phẩm đã có của đề án là rất quý, giúp các cấp chính quyền địa phương nắm bắt được toàn cảnh thực trạng xảy ra trượt lở đất đá ở địa phương mình. Các bộ bản đồ này cung cấp thông tin chi tiết về từng vị trí, từng khu vực đã xảy ra trượt lở đất đá đến thời điểm được điều tra, khoanh vùng sơ bộ các khu vực có nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá cao trên cơ sở tổng hợp các kết quả khảo sát.
Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá có màu đỏ sẫm là có nguy cơ rất cao, màu hồng là nguy cơ cao ở thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái
Địa phương và các đơn vị liên quan có thể sử dụng bộ bản đồ như một công cụ cảnh báo sơ bộ về nguy cơ tái xuất hiện trượt lở đất đá tại các vị trí đã từng xảy ra trong các khu vực đã điều tra, cũng như cảnh báo sớm về nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá tại các vị trí, khu vực nhạy cảm có điều kiện tự nhiên - môi trường tương đồng với khu vực nguy cơ cao đã xảy ra trượt lở. Trên cơ sở đó, các địa phương có thể chuẩn bị các biện pháp ứng phó phù hợp tại mỗi vị trí tùy mức độ quy mô, nguy cơ xuất hiện trượt lở trong các mùa mưa bão.
PV: Để cảnh báo hiệu quả nguy cơ trượt lở đất đá, lũ quét, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người cần những giải pháp gì, thưa ông?
TS. Nguyễn Quốc Khánh: Trong những năm gần đây, công tác nghiên cứu, điều tra, đánh giá và đề xuất giải pháp phòng tránh trượt, sạt lở đất đá, lũ quét đã được triển khai ở nhiều cấp độ khác nhau. Từ các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, các Tổng cục, Cục chuyên ngành như: Địa chất và Khoáng sản; Khí tượng thủy văn; Biến đổi khí hậu; Tài nguyên nước;... Trong đó, có thể kể đến đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” của Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản.
Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá có màu đỏ sẫm là có nguy cơ rất cao, màu hồng là nguy cơ cao ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng
Đề án này đã cung cấp một số thông tin quan trọng nhằm giảm thiểu thiệt hại như: Xác định ra một số vị trí/khu vực nguy cơ cao trượt sạt lở đất đá và đề xuất biện pháp phòng, tránh và giảm thiểu thiệt hại phù hợp; Đề xuất một số vị trí/khu vực tương đối an toàn phục vụ công tác sơ tán trong trường hợp khẩn cấp, và lựa chọn một số địa điểm để xây dựng khu tái định cư; Phân chia và khoanh định các diện tích có nguy cơ trượt lở đất đá theo các cấp độ cảnh báo nguy cơ khác nhau (rất cao, cao, trung bình, thấp, rất thấp);...
Các sản phẩm chính đã hoàn thành hàng năm của Đề án đều được chuyển giao về địa phương, cung cấp cho các đơn vị có liên quan (Tổng cục KTTV, Cục Địa chất VN, Tổng cục Phòng chống thiên tai, các Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của các địa phương), góp phần cung cấp thêm số liệu, tài liệu trong công tác dự báo, cảnh báo, phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai TLĐĐ gây ra hàng năm tại các khu vực miền núi Việt Nam.
Tuy nhiên, để cảnh báo hiệu quả, hệ thống cảnh báo sớm TLĐĐ, lũ quét cần phải có đủ 4 hợp phần. Trong đó hợp phần 1 và 2 liên quan nhiều tới các cơ quan điều tra, nghiên cứu. Hợp phần 4 liên quan nhiều tới các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền và cộng đồng dân cư. Còn hợp phần 3 cần sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, cộng đồng nêu trên. Nếu thiếu bất kỳ hợp phần nào sẽ đồng nghĩa với sự thất bại của toàn bộ hệ thống. Ví dụ, các cảnh báo chính xác sẽ không có tác dụng nếu người dân không được chuẩn bị trước hoặc nếu cảnh báo đó không được phổ biến bởi các cơ quan nhận thông tin, cơ quan quản lý.
Theo kết quả thống kê trong điều tra cho thấy, trên địa bàn miền núi khu vực 25 tỉnh miền núi Bắc Bộ và Trung Bộ, các đơn vị điều tra trong Đề án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” xác định được 12.099 vị trí có biểu hiện TLĐĐ từ giải đoán ảnh viễn thám và phân tích địa hình trên mô hình lập thể số, và 14.726 vị trí đã xảy ra TLĐĐ từ khảo sát thực địa.
Trong đó, số lượng điểm trượt giải đoán được ghi nhận nhiều nhất tại các tỉnh Sơn La (1.791 điểm), Nghệ An (1.347 điểm), Thanh Hóa (1.194 điểm), Hà Giang (1.161 điểm),... song mật độ phân bố của chúng theo diện tích tự nhiên lại được ghi nhận nhiều nhất ở các tỉnh Hà Giang (0,146 điểm/km2), Thanh Hóa (với 0,145 điểm/km2), Sơn La (0,127 điểm/km2)...
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Đỗ Hùng (thực hiện)