Các công ty lớn chưa đáp ứng được mục tiêu phát thải ròng bằng 0
15/06/2022TN&MTCác công ty lớn nhất thế giới vẫn chưa có những kế hoạch tổng thể nhằm cắt giảm lượng khí thải nhà kính cần thiết để đáp ứng mục tiêu chống biến đổi khí hậu và vẫn còn khoảng cách đáng kể giữa các công ty.
Các công ty lớn trên thế giới vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để đáp ứng được mục tiêu phát thải ròng bằng 0
Đây là nhận định được đưa ra trong báo cáo mới về cam kết nỗ lực phát thải ròng bằng 0 trong khu vực công và tư nhân của Net Zero Tracker. Net Zero Tracker - cơ quan do Đơn vị Giám sát Khí hậu và Năng lượng có trụ sở tại Vương quốc Anh (ECIU) và Đại học Oxford điều hành.
Báo cáo hằng năm của Net Zero Tracker cho thấy, khoảng một nửa số công ty lớn nhất thế giới trong bảng xếp hạng Forbes 2000 vẫn chưa công bố kế hoạch đưa mức phát thải ròng về 0. Trong số 702 công ty có mục tiêu phát thải ròng bằng 0, có 2/3 công ty không nêu rõ cách thức để đạt được mục tiêu này.
Net Zero Tracker đã tiến hành đánh giá dữ liệu sẵn có đối với khoảng 200 quốc gia cũng như các công ty giao dịch lớn, bao gồm cả những công ty trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch.
Ông Frederic Hans, chuyên gia phân tích chính sách khí hậu tại Viện NewClimate (Đức) đồng thời là đồng tác giả báo cáo, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy có rất nhiều vấn đề liên quan đến độ tin cậy, chất lượng và độ chắc chắn của các mục tiêu này”.
Nhiều công ty có mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đã không đặt mục tiêu phát thải tạm thời cho trước năm 2050. Báo cáo này nhận định đây là mức "thấp không thể chấp nhận được" bởi thế giới cần giảm một nửa lượng khí thải trong 8 năm tới.
Bù đắp carbon - hoặc mua tín chỉ để giảm lượng khí thải ở những nơi khác- cũng là điểm đặc trưng nổi bật trong các chiến lược của công ty lớn. Gần 40% trong số các công ty của Forbes 2000 có mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đã sử dụng phương án bù đắp bất chấp những lo ngại về việc thiếu các quy định.
Ông John Lang thuộc ECIU nói rằng, các chính phủ sẽ cần phải áp đặt các tiêu chuẩn và quy định pháp lý để bảo đảm tiến độ phát thải ròng bằng 0. Hiện tại, các công ty đang bối rối về việc phải đáp ứng những yêu cầu nào và công bố những thông tin nào.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) tại Glasgow vào tháng 11/2021, Liên hợp quốc đã thành lập một nhóm chuyên gia để đưa ra các tiêu chuẩn về phát thải ròng bằng 0 đối với khu vực tư nhân. EU cũng đang trong quá trình soạn thảo các tiêu chuẩn phát thải ròng bằng 0, dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua vào tháng 11 tới. Văn bản dự thảo hiện tại cấm các công ty sử dụng phương án bù đắp carbon để thực hiện mục tiêu cắt giảm phát thải.
Theo ông Lang, các quốc gia cần sớm soạn thảo ra những quy định bắt buộc từ trên xuống để hướng dẫn các công ty và tập đoàn lớn. Tuy nhiên, ông không chắc khả năng vấn đề có thể được giải quyết trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc tiếp theo, "COP27", tại Sharm al-Sheikh, Ai Cập, vào tháng 11 này. Ông cũng nhận định các quy định cụ thể có thể sẽ không được sửa trước COP28 vào năm 2023.
Trong diễn biến liên quan, báo cáo chuyển đổi năng lượng hằng năm của công ty tư vấn năng lượng toàn cầu DNV có trụ sở tại Na Uy cho biết, là yếu tố rất quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính, năng lượng hydro sẽ chỉ chiếm 5% trong tổng loại năng lượng được dùng trên toàn cầu vào năm 2050, thấp hơn mục tiêu cần thiết để đáp ứng các mục tiêu khí hậu toàn cầu.
DNV dự báo, thị phần toàn cầu 5% tương đương với hơn 200 triệu tấn năng lượng hydro, trong đó 60% năng lượng hydro tinh khiết và các hợp chất như amoniac và nhiên liệu tổng hợp chiếm 1/5 mỗi loại. Theo tính toán của DNV, để đáp ứng Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C vào năm 2050, năng lượng hydro sẽ cần đạt 13% trong tổng số năng lượng tiêu thụ. Đồng thời, DNV cho hay, sự tập trung của châu Âu vào việc chuyển đổi năng lượng sẽ có thể đưa thị phần năng lượng hydro trong tổng loại năng lượng sử dụng tại khu vực này lên 11% vào năm 2050.
DNV cho biết thêm, việc tăng mức tiêu thụ năng lượng hydro để đáp ứng các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 sẽ đòi hỏi các nhiệm vụ chính sách mạnh mẽ hơn, kích thích nhu cầu sử dụng và tăng giá carbon cao hơn.
Theo nhandan.vn