Bảo tồn giá trị, phát huy danh hiệu khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An
16/09/2021TN&MTNếu không có những giải pháp tổng thể mang tính chiến lược kịp thời, khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An (KDTSQ) ngày càng bị tổn thương nặng, làm thay đổi cấu trúc, ảnh hưởng đến chức năng của các hệ sinh thái (HST) đối với con người và tự nhiên (…)
Nếu không có những giải pháp tổng thể mang tính chiến lược kịp thời, khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An (KDTSQ) ngày càng bị tổn thương nặng, làm thay đổi cấu trúc, ảnh hưởng đến chức năng của các hệ sinh thái (HST) đối với con người và tự nhiên nơi đây. Hậu quả có thể là môi trường bị ô nhiễm, tài nguyên bị cạn kiệt, các vùng sinh cư bị phân tách, sự liên kết giữa các HST bị cắt đứt, ảnh hưởng đến vòng đời, sự phân bố và kích thước quần thể của nhiều loài sinh vật.
Cù Lao Chàm
Hiện tại thành phố Hội An cũng như khu DTSQ đang phải đối mặt với những thách thức bởi nơi đây chưa thiết lập qui hoạch quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên trong khu khu DTSQ. Do đó, chưa có căn cứ khoa học và pháp lý để xem xét, quyết định cho việc đầu tư của các dự án trong đó có sử dụng tài nguyên của khu sinh quyển. Mặc dù bộ máy quản lý, vận hành hoạt động của khu dự trữ sinh quyển đã được thiết lập theo cơ chế đồng quản lý với sự tham gia của đại diện 4 lực lượng là cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng, song sự tham gia của các bên liên quan chỉ mới ở giai đoạn ban đầu, các bên chưa thực sự nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm của mình trong cơ chế vận hành chung của khu DTSQ.
Một chặng đường đã qua, ghi dấu của thành công qua việc tài nguyên được gìn giữ, danh hiệu được phát huy để thu hút du khách, ổn định sinh kế cộng đồng nhưng gìn giữ được nó còn quá nhiều khó khăn, thách thức. Sự vào cuộc đồng bộ, đồng thuận của các bên liên quan theo mô hình hợp tác 4 Nhà từ chính quyền, nhà chuyên môn, doanh nghiệp và cộng đồng toàn xã hội là điều kiện bắt buộc có tính chất quyết định đến sự thành bại của việc bảo tồn và phát huy danh hiệu khu khu DTSQ trong tương lai.
Vận hành KSQ cần dựa trên các cách tiếp cận phù hợp đã được minh chứng trên lý luận và thực tiễn đó là: Tiếp cận hệ sinh thái; tiếp cận quản lý tổng hợp vùng bờ; tiếp cận quản lý lưu vực sông; tiếp cận từ thượng nguồn đến rạn san hô; tiếp cận đồng quản lý… để hướng tới vận hành khu khu DTSQ theo mô hình tiếp cận tư duy hệ thống – Qui hoạch cảnh quan – Điều phối liên ngành và – Kinh tế chất lượng (SLIQ), góp phần xây dựng Hội An – Thành phố sinh thái vào năm 2030.
Tăng cường ĐTM và phòng ngừa những ảnh hưởng và sự cố từ các công trình, sự án: Cáp điện ra đảo, đường quanh đảo, kho dự trữ xăng dầu tại Cù Lao Chàm, Cầu và đường dẫn Cầu Cửa Đại (Phần đường dẫn) có ảnh hưởng khá lớn đến diện tích rừng ngập mặn dừa nước tại vùng đệm KSQ; Dự án nhà máy xử lý nước thải tập trung của thành phố tại rừng dừa nước Cẩm Thanh; công trình đầu tư tại cảng Cửa Đại; dự án “xây dựng hệ thống cung cấp điện năng lượng từ pin mặt trời tại khu phố cổ Hội An”; các dự án khu dân cư, khai thác quỹ đất; công trình sửa chữa kè, nâng cấp hồ chứa nước Bãi Bìm, công trình khắc phục tình trạng ô nhiễm một số mương tiêu tại Cù Lao Chàm, xây dựng hệ thống nước thải kết hợp với đường giao thông sau nhà hàng Bãi Ông (Cù Lao Chàm).
Cần phân tích đánh giá và có tổ chức phản biện các dự án có ảnh hưởng lớn đến khu DTSQ, đặc biệt là các dự án đầu tư tại vùng lõi Cù Lao Chàm, trên hệ thống cồn bãi tự nhiên, rừng dừa nước, tại các bãi biển, trong khu phố cổ. Cần tính toán kỹ lưỡng về bài toán nước thải sinh hoạt và bãi rác của thành phố Hội An; giải quyết bài toán xói lở và vệ sinh môi trường tại biển Cẩn An và Cửa Đại và qui hoạch sử dụng mới Bãi tắm An Bàng, các dự án Bảo tàng văn hóa tín ngưỡng dân tộc và Phật giáo tại Cẩm Thanh, dự án Bảo tàng cổ vật tàu đắm tại Cù Lao Chàm; phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng và Phương án trồng cây xanh của thành phố.
Một sự nỗ lực của toàn xã hội chắc chắn sẽ là sức bậc mạnh mẽ giúp vượt qua những khó khăn, thách thức để thực hiện được sứ mệnh bảo tồn các giá trị của TP. Hội An nhưng mang ý nghĩa toàn cầu như mong đợi của UNESCO và cộng đồng trên toàn thế giới đối với khu DTSQ Cù Lao Chàm – Hội An.
NGUYỄN QUỲNH TRANG
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn