Bài toán phân loại rác tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
06/10/2024TN&MTMặc dù sinh viên ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã nâng cao ý thức trong việc bỏ rác đúng nơi quy định, nhưng quá trình phân loại rác tại trường vẫn chưa đạt hiệu quả. Bởi thực tế cho thấy, dù rác đã được thu gom, nhưng nhà trường vẫn chưa tiến hành phân loại một cách đồng bộ. Liệu Ban quản lý đã có những giải pháp cụ thể nào để khắc phục vấn đề này, đây cũng là những trăn trở không chỉ ở Học viện mà còn ở nhiều trường Đại học tại Hà Nội.
Theo Điều 75 Luật Bảo vệ Môi trường 2020, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân sẽ được phân loại theo nguyên tắc như sau: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Để việc phân loại rác tại nguồn được thực thi nghiêm ngặt, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 25/8/2022. Theo đó, hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị xử phạt từ 500.000 đến 1.000.000 đồng. Như vậy, trong bối cảnh thực tế hiện nay về môi trường, việc thực hiện các biện pháp phân loại rác thải là vô cùng quan trọng, nhưng điều này vẫn chưa nhận được sự quan tâm và chú trọng đúng mức từ các trường học trên địa bàn Hà Nội.
Đôi điều ghi nhận tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Hình ảnh những chiếc thùng rác được sơn khác màu với 03 loại rác hữu cơ, vô cơ và tái chế không còn quá xa lạ đối với người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, hình ảnh này đang dần trở nên hiếm thấy tại khuôn viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Mặc dù ý thức bỏ rác đúng nơi quy định của sinh viên Học viện được đánh giá cao, nhưng rác vẫn chịu cảnh “3 trong 1” khi các thùng rác của trường chưa được phân loại rõ ràng.
Thùng rác “3 trong 1” được đặt tại khuôn viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền
TS. Nguyễn Thị Thu Hường (Trưởng phòng Công tác chính trị và Hỗ trợ sinh viên tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Về cơ bản, tôi thấy ý thức của sinh viên khá tốt, các bạn cũng đã biết bỏ rác vào đúng nơi quy định.”
TS. Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng phòng công tác chính trị và hỗ trợ sinh viên tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Là một đảng viên, SV. Đinh Thanh Trà (hiện đang theo học chuyên ngành Ngôn ngữ Anh K40 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền) luôn có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp. Bạn chia sẻ: “Mình đã chấp hành tốt nội quy vứt rác đúng nơi quy định của nhà trường. Trường hợp ở xung quanh mình không có thùng rác công cộng thì mình sẽ mang tới nơi có thùng rác để bỏ hoặc mang về nhà để vứt đúng nơi quy định.”
Đinh Thanh Trà - Sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Anh K40
Thực tế, nhiều sinh viên trong trường đã thành lập những nhóm “sống xanh” hay những Đội Tình nguyện để cùng nhau thu gom, phân loại, xử lý sơ rác thải nhưng lại gặp vấn đề không biết đem đi thu gom ở đâu.
Theo quan sát, trong khuôn viên Học viện, thùng rác được bố trí ở nhiều nơi. Về vấn đề này, cô La Thị Hồng, tạp vụ tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ, tính tới thời điểm hiện tại, trong khuôn viên trường và khu ký túc xá đã có khoảng 20 thùng rác ở các khu vực công cộng. Tuy nhiên, chỉ có 2 chiếc thùng rác phân loại vô cơ và hữu cơ được đặt tại khuôn viên của trường. Do vậy, khoảng 40% sinh viên tham gia vào việc phân loại rác, trong khi phần lớn còn lại chưa hiểu rõ về cách phân loại rác hữu cơ và vô cơ. Một sinh viên năm nhất chia sẻ: “Mình thấy có thùng rác để phân loại nhưng chưa biết cách phân loại đúng. Đôi khi cũng bỏ rác vào bất kỳ chỗ nào cho tiện”.
Cô La Thị Hồng, Tạp vụ tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Chưa có kế hoạch cụ thể
Nhìn vào thực trạng phân loại rác hiện nay của Học viện báo chí và Tuyên truyền, không khó để thấy những lỗ hổng vẫn còn tồn tại và chưa có phương pháp giải quyết triệt để. Việc phân loại rác chưa được như kỳ vọng là do Ban quản lý nhà trường vẫn chưa triển khai kế hoạch cụ thể hay biện pháp khắc phục nào. Các hoạt động tuyên truyền, vận động chỉ diễn ra rời rạc và mang tính chất phong trào, không có sự kết nối hoặc chiến lược dài hạn để hướng tới mục tiêu bền vững.
Thực tế, việc đặt một vài thùng rác phân loại trong khuôn viên trường và khu ký túc xá vẫn chưa đủ để giải quyết triệt để vấn đề này. Các thùng rác phân loại hiện có tại khuôn viên trường rất ít và không được bố trí đồng đều, thiếu bảng chỉ dẫn rõ ràng và cụ thể, dẫn đến việc sinh viên không biết chính xác cách thức phân loại rác. Ngoài ra, thời gian qua, chưa có một chương trình đào tạo hay tập huấn chính thức nào để giúp sinh viên hiểu đúng về tầm quan trọng của việc phân loại rác hay hướng dẫn cụ thể các quy trình xử lý rác thải.
Chỉ có 2 thùng rác phân loại trong khuôn viên Học viện
Chia sẻ về những khó khăn khi có dự định triển khai các hành động cụ thể trong việc phân loại rác, TS. Nguyễn Thị Thu Hường (Trưởng phòng Công tác chính trị và Hỗ trợ sinh viên tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cũng cho biết thêm: “Hơn ai hết, nhà trường cũng như Ban quản lý hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc nâng cao ý thức phân loại rác, nhưng để thực hiện được điều này cần phải có sự đầu tư về cả vật chất lẫn tinh thần. Chúng tôi cũng nhận thức được rằng để thay đổi thói quen của sinh viên và cán bộ giảng viên, cần phải có thời gian và các chương trình giáo dục hiệu quả. Hiện tại, nhà trường vẫn đang tích cực trong giai đoạn xem xét và lập kế hoạch. Đến một thời điểm thích hợp, lộ trình cụ thể sẽ được công bố đến tất cả mọi người". Điều này cho thấy, sự thiếu vắng của một kế hoạch chi tiết đang là rào cản lớn trong việc thay đổi ý thức và nâng cao trách nhiệm, hành động trong mỗi sinh viên.
Giải pháp cải thiện
Để nâng cao ý thức và thực hiện hiệu quả việc phân loại rác, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cần có những giải pháp toàn diện, không chỉ tập trung vào cơ sở vật chất mà còn đặc biệt chú trọng đến việc tuyên truyền, có các chương trình ngoại khóa lồng ghép nâng cao nhận thức của sinh viên.
Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ “lá phổi” của chúng ta và điều này cần được thể hiện rõ nét trong từng hành động của mỗi cá nhân. Các buổi học ngoại khóa chính là một cơ hội tuyệt vời để có thể truyền tải thông điệp về bảo vệ môi trường một cách sinh động và trực tiếp giúp sinh viên hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc phân loại rác và hệ lụy nghiêm trọng của việc khai thác tài nguyên bừa bãi. Minh chứng cụ thể có thể kể đến những vụ sạt lở đất ở các vùng miền núi như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái,… Những câu chuyện thực tế này sẽ giúp sinh viên cảm nhận sâu sắc hơn về vai trò của mình trong việc bảo vệ môi trường; từ đó thay đổi nhận thức, hành động qua những việc làm nhỏ nhất tại nơi học đường và quanh nơi mình sống.
Bên cạnh đó, Học viện cũng cần khuyến khích sinh viên thực hiện phân loại rác tại nguồn, sử dụng túi tái chế hay tham gia các hoạt động dọn dẹp. Những hành động này không chỉ tạo ra môi trường học tập sạch sẽ mà còn hình thành ý thức bảo vệ môi trường của mỗi sinh viên. Một ví dụ điển hình trong việc luôn chú trọng về phân loại rác có thể kể đến như Trường Đại học Thủy Lợi. Đại học Thủy lợi đặt các thùng rác phân loại trong khuôn viên trường với mỗi thùng được chia thành ba khoang sơn màu đỏ, xanh dương, và ghi. Khoang màu đỏ dành cho rác thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây nhiễm độc hoặc có đặc tính nguy hại khác (theo Luật BVMT 2020). Khoang màu xanh dương để chứa chất thải có khả năng tái chế như chai, lọ thủy tinh, chai, lọ nhựa, bao bì nhựa mềm, hộp giấy, giấy viết, giấy in, bìa carton, phế liệu… Khoang màu ghi chứa các loại rác không thể tái chế được như các sản phẩm đồ giấy dùng một lần: cốc giấy, hộp bìa cán nilon, xương động vật, vỏ sò, vỏ hến,…. Với việc lắp đặt các thùng phân loại rác, Trường Đại học Thủy lợi mong muốn xây dựng thói quen xả rác đúng nơi quy định, lan tỏa ý thức phân loại rác tại nguồn để giảm gánh nặng xử lý môi trường, mang lại lợi ích cả trước mắt và lâu dài cho môi trường, xã hội, kinh tế.
Thùng rác tại Trường Đại học Thủy lợi được phân chia thành 3 khoang màu
Việc nâng cao nhận thức và truyền thông hiệu quả tại Học viện không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là nhiệm vụ chung của một tập thể. Hãy cùng nhau hành động để bảo vệ “lá phổi” của chúng ta và gìn giữ một tương lai xanh tươi cho thế hệ sau.
Bài và ảnh: Thùy Linh; Thu Hường
SV Học viện Báo chí và Tuyên truyền