Bài phát biểu của GS.TS. Trần Hồng Thái giao nhiệm vụ cho Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ ngành TN&MT
28/07/2022TN&MTCâu lạc bộ các nhà khoa học trẻ ngành Tài nguyên và Môi trường lần đầu ra mắt tại Hà Nội vào ngày 28/7/2022. Ban điều hành lâm thời Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ Ngành TN&MT gồm 3 thành viên. PGS. TS. Phạm Minh Hải, Viện Khoa học Đo đạc Bản đồ (Chủ tịch lâm thời CLB); TS. Đoàn Quang Trí, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Phó chủ tịch) và TS. Huỳnh Thiên Tài, Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh (Phó chủ tịch).
Trong lễ ra mắt Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ, GS.TS. Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn đã có bài phát biểu giao nhiệm vụ cho Câu lạc bộ. Tạp chí Tài nguyên và Môi trường trân trọng đăng nguyên văn bài phát biểu giao nhiệm vụ của đồng chí.
GS.TS. Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn
Kính thưa TS. Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,
Kính thưa đồng chí Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội,
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở TNMT, KHCN, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Giao thông vận tải thuộc 63 tỉnh thành trên toàn quốc, các trường Đại học, các Viện nghiên cứu.
Các đồng chí là các nhà khoa học trẻ Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đồng chí Đoàn viên thanh niên thân mến!
Khoa học công nghệ là chìa khóa để giải quyết các thách thức đối với sự phát triển bền vững của toàn nhân loại. Phát triển nghiên cứu về khoa học công nghệ là yêu cầu bắt buộc của sự phát triển đất nước nói chung và của ngành TN&MT nói riêng, trong đó, có vai trò quan trọng của các cán bộ trẻ, các đoàn viên thanh niên tham gia vào công tác này.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt và đặt niềm tin sâu sắc vào thế hệ trẻ, đặt thế hệ trẻ ở vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người khẳng định vai trò to lớn của tuổi trẻ trong sự phát triển và trường tồn của dân tộc. Những năm qua, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các thế hệ sinh viên ngành TN&MT đã có đóng góp tích cực trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Bộ. Các đề tài nghiên cứu chuyên sâu, phù hợp với thực tiễn đã cho thấy nỗ lực của các bạn trẻ khi đặt chân vào các lĩnh vực của ngành TN&MT vốn rất rộng mở, song không dễ dàng. Thay mặt những nhà quản lý, đồng thời là thế hệ nghiên cứu đi trước, tôi trân trọng ghi nhận những kết quả mà các nhà khoa học trẻ Bộ TN&MT đạt được trong thời gian qua.
Các đồng chí thân mến!
Trong bài phát biểu của đồng chí Võ Tuấn Nhân, thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường và đồng chí Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đã nhấn mạnh chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, công nghệ số. Cuộc cách mạng này mang cho chúng ta nhiều lợi thế nhưng cũng không kém các thách thức, đòi hỏi chúng ta cần phải thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức trong nghiên cứu và khám phá những chân trời khoa học mới. Những thách thức này đòi hỏi những người làm khoa học phải có sự nhiệt huyêt hơn nữa, sự dấn thân hơn nữa, đột phá hơn nữa, đối mới sáng tạo làm chủ các công nghệ mới tiên tiến.
Các đồng chí thân mến,
Đến với hội nghị ngày hôm nay, nhìn thấy những gương mặt trẻ đầy tự tin và khát vọng ngồi đây, đại diện cho hàng ngàn cán bộ khoa học trẻ ngành Tài nguyên và Môi trường nói riêng, và hàng chục, hàng trăm ngàn cán bộ khoa học trẻ trong cả nước nói chung, tôi hoàn toàn tự tin vào khả năng của các bạn, tôi tin rằng các bạn sẽ gánh được trọng trách phát triển khoa học nước nhà, bắt kịp xu hướng của cuộc cách mạng 4.0 trên thế giới, góp phần phát triển đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh theo mong ước của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tôi càng tin tưởng hơn khi chứng kiến sự ra đời của CLB các nhà khoa học trẻ ngành TN&MT ngày hôm nay. Tôi tin rằng câu lạc bộ sẽ là ngôi nhà cho các nhà khoa học trẻ ngành TN và Môi trường có thể cùng nhau chia sẻ, giao lưu, học hỏi lẫn nhau trong công tác nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ. Câu lạc bộ cũng sẽ là nơi ươm mầm cho những nhà khoa học trẻ tài năng, tâm huyết nghiên cứu tạo ra những sản phẩm có khả năng ứng dụng cao cho ngành Tài nguyên và môi trường nói riêng và các lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội nói chung. Thay mặt cho những ngưởi làm quản lý, người làm khoa học trong lĩnh vực Tài nguyên và môi trường, tôi xin chúc mừng các bạn, chúc câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, sớm tạo ra nhiều sản phẩm có ý nghĩa.
Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ ngành TN&MT
Các bạn trẻ thân mến,
Câu lạc bộ ra đời là đã là một sự thành công, ghi nhận sự nỗ lực lớn lao của các đồng chí, tuy nhiên để câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, đòi hỏi sự nỗ lực gấp bội và cần phải có sự kế thừa học hỏi từ những thế hệ trước. Nhân dịp ngày hôm nay, tôi muốn chia sẻ với các đồng chí cán bộ khoa học trẻ ở đây, với vai trò vừa là người anh đi trước trong công tác nghiên cứu khoa học vừa là một nhà quản lý trong ngành TNMT, một số các dịnh hướng trọng tâm để câu lạc bộ của chúng ta có thể hoạt động hiệu quả như sau:
Thứ nhất, trong thời gian tới, Ban điều hành lầm thời CLB cần thể hiện rõ sứ mệnh là bộ phận gắn kết và điều tiết các hoạt động khoa học của CLB tạo ra sân chơi khoa học rộng lớn, tổ chức hoạt động thiết thực bám sát các nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị nghiên cứu, nhiệm chính trị của Bộ TNMT. Làm phong phú, sâu sắc hơn các nội dung hoạt động, tạo sự lan toả rộng hơn nữa của CLB tới lực lượng các cán bộ nghiên cứu khoa học trẻ, các giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên từ các trường đại học trong và ngoài Bộ liên quan đến Tài Nguyên và Môi Trường.
Thứ hai, Câu lạc bộ Nhà khoa học trẻ ngành TN&MT cần đề ra quy chế hoạt động thường xuyên, tích cực. Các bạn có thể tổ chức theo các nhóm khoa học chuyên ngành, hình thành cơ chế phối hợp cụ thể liên ngành. Đồng thời, Câu lạc bộ này hoạt động theo mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Do vậy, các đồng chí lưu ý huy động thêm các nguồn lực của các tổ chức, xã hội, trước hết là nguồn lực đầu tư của các cơ sở trong việc hợp tác nghiên cứu, phát huy tối đa nguồn lực thiết bị và nguồn nhân lực trình độ cao hiện có.
Thứ ba, câu lạc bộ chú trọng xây dựng một môi trường nghiên cứu khoa học cởi mở, sáng tạo, chia sẻ thúc đẩy đam mê nghiên cứu, khám phá, sáng tạo. Trước mắt, tạo ra một sân chơi lành mạnh cho cộng đồng các nhà khoa học trẻ gắn bó với câu lạc bộ như ngôi nhà chung, cùng nhau đóng góp trí tuệ, nhiệt huyết phát triển ngành Tài nguyên và Môi trường.
Thứ tư, Câu lạc bộ nên hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh phù hợp với xu hướng của Bộ TNMT đang làm, đồng thời đẩy mạnh sự hợp tác, liên kết giữa những nhà khoa học có chuyên môn khác nhau trong và ngoài ngành xây dựng các đề xuất đề tài các cấp, xây dựng các dự án tạo ra các sản phẩm nghiên cứu có tính liên lĩnh vực, liên ngành ứng dụng thực tiễn cao cho ngành TNMT.
Thứ năm, khuyến khích và tạo môi trường thúc đẩy việc công bố công trình khoa học trên các tạp chí có uy tín trên thế giới, tham gia các hội nghị có uy tín nhằm chia sẻ và học hỏi các thành tựu về khoa học công nghệ với các quốc gia trên thế giới.
Kính thưa các đồng chí!
Lễ ra mắt Câu lạc bộ Nhà khoa học trẻ ngành Tài nguyên và Môi trường ngày hôm nay nằm trong chuỗi hoạt động thiết thực hướng đến chào mừng Kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (05/8/2002 – 05/8/2022). Đây là một cột mốc đáng ghi nhận của ngành Tài nguyên và Môi trường nói chung và các nhà khoa học trẻ của ngành nói riêng. Một lần nữa, tôi xin khẳng định sự tin tưởng của mình dành cho các đồng chí, tôi xin chúc câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển của ngành
Xin kính chúc các nhà khoa học, các vị đại biểu khách quý, các thế hệ nhà khoa học trẻ, các Đoàn viên thanh niên dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong hoạt động nghiên cứu.
Xin trân trọng cảm ơn./.