Ba trụ cột để đưa AI vào thực tế
22/10/2021TN&MTTheo ông Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện trí tuệ nhân tạo Việt Nam, để đưa trí tuệ nhân tạo vào thực tế cần đáp ứng 3 trụ cột chính: Công nghệ, Giá trị và Đạo đức.
Chiều nay 21/10, Viện Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN (IFI) tổ chức Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo và con người: Những tác động đa chiều của một cuộc cách mạng công nghệ”.
Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence - AI) tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và từng bước khẳng định là công nghệ trụ cột, đột phá trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các cường quốc công nghệ từ lâu đã xây dựng chiến lược phát triển AI của riêng mình, lấy công nghệ này làm cốt lõi để tăng tốc phát triển kinh tế.
Trong vài năm qua, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã bắt đầu phát triển và ứng dụng AI trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm giáo dục, thông tin - truyền thông, kinh doanh, thương mại, dịch vụ y tế - chăm sóc sức khỏe, và những lĩnh vực khác, không chỉ dần chiếm lĩnh thị trường mà còn thu về lợi nhuận khổng lồ.
Hiện nay, AI đang là tâm điểm của giới công nghệ toàn cầu và đang được chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đầu tư phát triển. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển này. Đầu năm 2021, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 với mục tiêu đưa Việt Nam vào 4 nhóm nước dẫn đầu ASEAN trong lĩnh vực này, hướng tới xây dựng thành công 10 thương hiệu AI uy tín trong khu vực.
Ông Ngô Tự Lập, Viện trưởng IFI.
Ông Ngô Tự Lập, Viện trưởng IFI phát biểu khai mạc cho biết: "AI đang thâm nhập vào mọi lĩnh vực cuộc sống và đem lại nhiều lợi ích. Nhưng nó cũng có hai mặt: AI sẽ làm khoét sâu sự ngăn cách giàu – nghèo, gia tăng bất bình đẳng xã hội, AI làm chúng ta ngày càng lo ngại về vấn đề quyền riêng tư, tự do cá nhân. Sự an toàn thông tin còn hệ trọng với cả các công ty, AI đang len lỏi vào những hoạt động sống nhỏ nhất của con người, thay đổi hành vi của con người. Thuật toán của các mạng xã hội đang sử dụng để biến chúng ta thành những con nghiện công nghệ, thậm chí nô lệ của công nghệ. Sự phát triển triển của AI tạo ra các vấn đề về đạo đức, xóa bỏ ranh giới giữa con người và người máy. Trí tuệ nhân tạo đã đặt ra nhiều thách thức mà hy vọng cuộc hội thảo hôm nay sẽ trả lời được".
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ (NATEC), cuộc hội thảo hôm nay có thể xem là hội thảo chuyên sâu đầu tiên về những tác động của AI tới đời sống của con người về mặt xã hội, chính sách, nhà nước…trong khi trước đó, thường chúng ta chỉ bàn về khía cạnh công nghệ.
Ông Quất đặt ra một số câu hỏi, mong hội thảo có thể đưa ra câu trả lời, cũng như bàn luận: Liệu AI có tạo ra một xã hội riêng, văn minh hơn con người thực? Liệu xã hội AI có kiểm soát ngay chính xã hội con người? Bên cạnh đó, chính sách pháp luật nào để quản lý AI được hay không khi mà hiện nay tiến bộ của công nghệ có thể vượt qua sự phát triển của chính sách pháp luật.
Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia đầu ngành về trí tuệ nhân tạo và đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ.
Trong khi đó, ông Trần Đình Phong, Đồng Trưởng Ban Nghiên cứu, Đổi mới và Chuyển giao Công nghệ, Trưởng khoa Khoa học Cơ bản, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) lại đưa ra một số đề xuất: Việt Nam đang nói nhiều về ứng dụng trực tiếp của AI trong cuộc sống, vận hành. "Do đó, cần thêm những thảo luận làm sao để AI có thể giúp các lĩnh vực khoa học khác của Việt Nam tăng tốc độ nghiên cứu, rút ngắn thời gian để ứng dụng ngang bằng với quốc tế", ông Trần Đình Phong cho biết.
Chia sẻ trong phiên thảo luận về "Tác động của AI đến xã hội", ông Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện trí tuệ nhân tạo Việt Nam cho biết, để đánh giá về đạo đức của AI, có thể thấy AI là một ngành công nghiệp phát triển rất nhanh, nó cũng là công nghệ ảnh hưởng lớn, điều này đặt ra không ít trở ngại.
"Hiện nay nhiều công ty, tổ chức AI mới chú trọng vào trách nhiệm của AI trong khi đó, theo tôi một hệ thống AI phải bao gồm: Trách nhiệm, An toàn, Thân thiện", ông Nguyễn Xuân Hoài nhận định.
Bên cạnh đó, ông Hoài cho rằng, "Nhiều tổ chức đã nghiên cứu đưa ra các chỉ dẫn, nguyên lý để xây dựng AI trong thực tế. Nhưng theo tôi có 3 trụ cột đưa AI vào thực tế: Công nghệ, Giá trị và Đạo đức".
Cùng với đó ông chỉ ra 3 đối tượng nghiên cứu, xây dựng các vấn đề về luật, quy tắc, đạo đức về AI để đảm bảo đạo đức AI trong thực tế.
Thứ nhất: Đạo đức cho người dùng và người tạo AI: quản trị hệ thống AI từ thiết kế, đi vào sử dụng,
Thứ hai, Đạo đức cho Robot và AI Agents: Đạo đức robot là gì? Cách thức lập trình để robot tuân thủ các quy tắc đạo đức của con người. Đạo đức đó có kiểm định được hay không.
Thứ ba, mối quan hệ giữa AI và con người, xã hội, môi trường.
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp AI của Việt Nam đã đạt được những bước tiến rõ rệt với sự hiện diện ngày càng tăng của công nghệ AI trong mọi lĩnh vực của cuộc sống hiện đại. AI và các dự án ứng dụng AI đã và đang thu hút sự quan tâm, đầu tư không chỉ từ các tập đoàn công nghệ lớn, mà còn là sân chơi mới cho các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thử sức và thực hiện những mô hình kinh doanh mới. Với tốc độ phát triển “thần tốc” như hiện nay, lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo Việt Nam được dự báo sẽ sớm vươn lên tầm cao mới để cùng thế giới giải quyết các thách thức thế kỷ. Đây là khát vọng lớn, đồng thời cũng là động lực cho các ý tưởng đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt.
Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam đang đối diện với những khó khăn nhất định. Để phát triển AI một cách toàn diện, Việt Nam cần giải quyết các bài toán về: quản lý nhà nước, chính sách, khuôn khổ pháp luật, nguồn nhân lực, hạ tầng, hạ tầng dữ liệu và cách thu thập, khai thác nguồn dữ liệu lớn (Big Data). Ngoài ra, các ngành đào tạo về lĩnh vực AI ở Việt Nam còn non trẻ, đặc biệt là sự thiếu hụt bộ phận chuyên gia – giảng viên đào tạo về công nghệ này từ đó đặt ra những hạn chế nhất định cho sự phát triển nhân lực lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
theo diendandoanhnghiep.vn