Bà Rịa - Vũng Tàu: Quản lý tài nguyên, môi trường biển
19/10/2024TN&MTBà Rịa - Vũng Tàu đang khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế biển quốc gia, không chỉ tập trung vào phát triển các ngành kinh tế biển mà còn chú trọng quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển một cách bền vững. Từ định hướng phát triển phù hợp với tầm nhìn dài hạn của đất nước, tỉnh đang nỗ lực phát huy các giá trị văn hóa biển, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong quản lý và khai thác tài nguyên biển hiệu quả.
Vị trí địa lý thuận lợi
Bà Rịa - Vũng Tàu là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm ven biển Đông Nam Bộ, phía Bắc giáp Đồng Nai, phía Tây giáp với thành phố Hồ Chí Minh, phía Đông giáp Bình Thuận còn phía Nam, Tây Nam và Đông Nam đều giáp Biển Đông. Tỉnh có diện tích tự nhiên là 1.982,56 km2, dân số 1.167.938 người, mật độ 589 người/km2. Tỉnh có tuyến biên giới biển đảo với 26 xã, phường, thị trấn ven biển, có bờ biển dài khoảng 130,7 km, (chưa tính bờ biển huyện Côn Đảo); với diện tích thềm lục địa rộng gần 100.000km2 và vùng biển rộng lớn, có nguồn tài nguyên quý là dầu khí, hải sản...
Bên cạnh đó, tỉnh nằm trên trục đường Xuyên Á, có hệ thống cảng biển, sân bay và mạng lưới đường sông thuận lợi. Các tuyến QL51, QL55, QL56 cùng với hệ thống đường tỉnh... có các tuyến giao thông được quy hoạch phát triển đang được đầu tư, kêu gọi đầu tư như: đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 4, đường sắt kết nối thành phố Hồ Chí Minh với Bà Rịa - Vũng Tàu... tạo những liên kết toàn diện giữa Bà Rịa - Vũng Tàu với các tỉnh khác trong vùng, cả nước và quốc tế.
Nhờ vị trí địa lý thuận lợi và điều kiện tự nhiên được thiên nhiên ban tặng, tỉnh hiếm khi phải đối mặt với bão tố hay triều cường. Nguồn tài nguyên nơi đây vô cùng đa dạng và phong phú, tạo nên một môi trường lý tưởng để phát triển các ngành kinh tế biển. Tỉnh có tiềm năng lớn trong khai thác và dịch vụ dầu khí, giao thông đường thủy, cùng hệ thống cảng đa năng có công suất lớn. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp hiện đại với mức độ công nghiệp hóa cao trong các lĩnh vực như dầu khí, điện đạm, luyện kim, đóng tàu, và điện năng đã được hình thành.
Toàn cảnh Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Trong các đơn vị hành chính thuộc tỉnh, có huyện đảo Côn Đảo là một quần đảo gồm 16 hòn đảo nằm cách Vũng Tàu 185 km, cách thành phố Hồ Chí Minh 230 km và cách cửa sông Hậu 83 km. Đây là quần đảo án ngữ vùng biển Đông Nam của tổ quốc, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ an ninh, chủ quyền biển. Đồng thời quần đảo cũng là nơi có tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế, đặc biệt là các ngành dịch vụ du lịch, khai thác, nuôi trồng hải sản, tại đây còn có khu rừng nguyên sinh là Vườn Quốc gia Côn Đảo.
Môi trường nói chung và môi trường biển, hải đảo nói riêng luôn đóng vai trò cốt yếu trong phát triển của tỉnh. Tỉnh luôn chú trọng và quyết liệt về công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, phát triển kinh tế biển dựa trên nền tảng tăng trưởng xanh gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.
Suy giảm chất lượng nguồn tài nguyên
Trong suốt chặng đường phát triển, Bà Rịa - Vũng Tàu đã khai thác triệt để tiềm năng biển, chuyển hóa nguồn tài nguyên này thành động lực chính cho kinh tế địa phương. Các ngành mũi nhọn như dầu khí, chế biến hải sản, du lịch biển – đảo, và cảng biển nước sâu đã góp phần tạo nên sự bứt phá vượt bậc. Ngày nay, tỉnh không chỉ nổi danh là trung tâm dầu khí lớn nhất cả nước mà còn ghi dấu ấn sâu đậm với vai trò điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Bà Rịa - Vũng Tàu là "thủ phủ" của ngành công nghiệp khai thác dầu khí của cả nước
Tuy nhiên, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang đối mặt với vô số thách thức trong quản lý và bảo vệ tài nguyên biển và hải đảo. Việc khai thác không hiệu quả đã dẫn đến những tác động tiêu cực đến môi trường, làm suy giảm đáng kể tài nguyên biển và gây ra nhiều biến động khó lường. Hoạt động cảng biển sôi động, nước thải từ các khu công nghiệp và chế biến hải sản, cùng quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã gây ra ô nhiễm nghiêm trọng tại các vùng ven biển và cửa sông. Bên cạnh đó, việc xây dựng không quy hoạch tại các khu vực ven biển với mục đích phát triển du lịch, dịch vụ, và kinh doanh đã làm biến dạng địa hình, thay đổi dòng chảy, gây ngập úng, bồi lắng và xói mòn tại nhiều cửa sông. Hơn nữa, hiện tượng mặn hóa và phèn hóa đang khiến nguồn nước bị ô nhiễm hữu cơ, phá vỡ cân bằng sinh thái, đẩy hệ sinh thái ven biển vào tình trạng báo động.
Rác thải nhựa tấp vào dưới chân bờ kè đá ở Bãi Trước, TP Vũng Tàu. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: “Từ nhiều năm trước, Bà Rịa – Vũng Tàu đã xác định chủ trương phát triển kinh tế biển phải theo hướng bền vững, trên cơ sở khai thác tài nguyên có chiều sâu, đảm bảo ổn định lâu dài, có “để dành” cho tương lai, đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi trường, không xâm phạm, tổn hại đến các giá trị của biển, hải đảo.”
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng , Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu
Ngoài ra, ông Nguyễn Hồng Lĩnh cũng cho biết thêm: “Trong các Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội đều quán triệt quan điểm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp theo hướng lựa chọn công nghệ hiện đại; sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, đất đai và thân thiện với môi trường…”
Một ví dụ điển hình là những năm gần đây, Ao Hải Hà thuộc khu phố Hải Hà 1 và Hải Hà 2, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền trước đây là điểm “đen” về ô nhiễm môi trường của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc xả trực tiếp nước thải và chất thải xuống biển đã biến vùng cát nơi đây thành một dải đất đen bốc lên mùi hôi thối khó chịu. Rác thải vứt bừa bãi không được thu gom, trôi nổi khắp nơi, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Khu vực này luôn chìm trong tình trạng ô nhiễm nặng nề, và đã bị xếp vào danh sách “điểm đen” về môi trường của tỉnh, đòi hỏi những biện pháp khẩn cấp để cải thiện.
“Điểm đen” ao Hải Hà thường xuyên xuất hiện tình trạng nước nhuộm đen, mùi hôi thối
Triển khai nhiều giải pháp
Kết quả triển khai và hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt được nhiều tiến bộ đáng ghi nhận. Theo ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Thời gian qua, công tác quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên biển đã được các cấp, các ngành tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quan tâm chú trọng chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực, từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Bên cạnh đó, tỉnh đã tích cực phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cùng các văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả trong công tác quản lý. Tỉnh cũng đã ban hành quy chế quản lý hành lang bảo vệ bờ biển, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các hoạt động bảo vệ tài nguyên vùng bờ. Đồng thời, cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng và Chính phủ về phát triển bền vững kinh tế biển, đảm bảo quốc phòng, an ninh cho khu vực Đông Nam Bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Điều này được hiện thực hóa thông qua hàng loạt các chương trình, kế hoạch cụ thể như Chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ, Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030, và các kế hoạch liên quan đến khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển.
Trong công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những bước tiến quan trọng thông qua việc tổ chức điều tra cơ bản về tài nguyên biển và hải đảo. Tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động điều tra, khảo sát nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu, hỗ trợ việc lập hồ sơ tài nguyên hải đảo. Các sở, ngành của tỉnh cũng phối hợp với Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam để thực hiện các hoạt động quan trắc, điều tra, đánh giá tài nguyên tại khu vực ngoài khơi. Song song với đó, việc quy hoạch biển và vùng bờ cũng đã được hoàn thành, tích hợp vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, qua đó xác định rõ ràng các khu vực phân bổ phục vụ phát triển kinh tế biển như cảng biển, du lịch, khai thác dầu khí, nuôi trồng thủy sản và năng lượng tái tạo.
Đáng chú ý, quy hoạch không gian biển quốc gia, thông qua vào tháng 6/2024, đã tạo điều kiện cho Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh các hoạt động kinh tế biển như khai thác dầu khí, phát triển dịch vụ logistics, và du lịch biển. Đặc biệt, huyện Côn Đảo được định hướng phát triển thành đô thị sinh thái biển đặc sắc mang tầm khu vực và quốc tế, với hạ tầng hiện đại và đồng bộ, trong đó có kế hoạch mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo. Sự kết hợp giữa phát triển kinh tế và bảo tồn giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên tại Côn Đảo là một điểm sáng trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của tỉnh.
Cảng hàng không Côn Đảo
Hơn thế, Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay cũng đang có khát vọng vươn lên phát triển thành trung tâm kinh tế biển quốc gia nên việc chú trọng đầu tư vào các chính sách phát triển bền vững là hoàn toàn đúng đắn. Bàn về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế nhận định rằng mục tiêu của Bà Rịa - Vũng Tàu chắc chắn có thể đạt được.
Sự hợp tác với Cục Biển và Hải đảo Việt Nam và các đối tác quốc tế, đặc biệt là Hàn Quốc cũng đã mang lại những kết quả tích cực trong việc quản lý và phát triển bền vững vùng bờ của Bà Rịa - Vũng Tàu. Một trong những thành tựu đáng kể là việc tỉnh đã phối hợp để giao khu vực biển cho 7 tổ chức, cá nhân với tổng diện tích hơn 1.300 ha nhằm khai thác tài nguyên biển một cách bền vững.
Trong công tác ứng phó với sự cố tràn dầu và hóa chất độc hại trên biển, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng các kế hoạch ứng phó cụ thể, đặc biệt là đối với các cơ sở dầu khí và hóa chất trên địa bàn. Tỉnh đã phê duyệt 278 kế hoạch ứng phó cho các cơ sở xăng dầu và cảng biển, đồng thời tổ chức diễn tập thường xuyên để đảm bảo sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Các hoạt động giám sát chặt chẽ việc vận chuyển và bơm dầu trên biển đã giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ môi trường biển.
Trong nỗ lực kiểm soát rác thải nhựa đại dương, nơi đây đã triển khai kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Điều này cho thấy sự quan tâm và cam kết của tỉnh trong việc bảo vệ môi trường biển và hải đảo, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc giảm thiểu rác thải nhựa.
Bên cạnh đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chú trọng đến việc phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực biển. Tỉnh đã thực hiện nhiều dự án nghiên cứu khoa học nhằm bảo vệ hệ sinh thái biển, tiêu biểu như dự án đánh giá quần thể Dugong tại Côn Đảo hay hệ thống thu gom rác trôi dạt vào bờ biển. Các hoạt động hợp tác quốc tế với Pháp và Hàn Quốc cũng góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý tài nguyên và phát triển bền vững kinh tế biển.
Sinh vật Bò biển (Dugong dugon) tại Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Cuối cùng, công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường biển đã được tỉnh triển khai quyết liệt, đảm bảo việc chấp hành nghiêm túc các quy định. Các hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển được thực hiện thường xuyên, góp phần bảo vệ hành lang bờ biển và đảm bảo không có vi phạm xảy ra trong khu vực quản lý. Đây là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của Bà Rịa - Vũng Tàu trong việc thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển và bảo vệ môi trường cũng như tài nguyên quý giá của quốc gia.
Thùy Linh, Thu Hường