TS. Hoàng Dương Tùng: Cần hoàn thiện quy trình thu gom rác tại nguồn
28/05/2024TN&MTVới số lượng rác đang ngày một gia tăng và việc phân loại rác ngày càng trở nên khó khăn hơn, hiện nay việc thí điểm phân loại rác là việc rất cần thiết.
Theo thống kê, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao với mức trung bình của thế giới. Hiện nay nước ta đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày.
Điều đáng nói là với thói quen cũng như nhận thức chưa đúng đắn, đầy đủ về công tác bảo vệ môi trường nên đa phần người dân không thực hiện quá trình tách riêng các loại rác theo đặc tính trước khi thải bỏ vào thùng chứa. Điều này càng khiến cho quá trình xử lý rác thải tiếp theo gặp nhiều khó khăn.
Chính vì vậy, tiếp tục hoàn thiện quy trình thu gom rác tại nguồn là một vấn đề rất quan trọng.
TS. Hoàng Dương Tùng (Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi Trường)
Rác thải rắn là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng khi tốc độ gia tăng trong giai đoạn 2021- 2030 trung bình là 6% một năm. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, khoảng 64% lượng rác thải sinh hoạt tại Việt Nam hiện nay được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trong đó chỉ có khoảng 20% chôn lấp hợp vệ sinh. Thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều chính sách để thực hiện phân loại rác thải rắn sinh hoạt để các địa phương hướng dẫn cho người dân. Theo thống kê đã có 16 tỉnh thành phố ban hành quy định về quản lý chi tiết rác thải rắn và 30 địa phương bắt đầu hướng dẫn phân loại rác tại nguồn.
Với số lượng rác đang ngày một gia tăng và việc phân loại rác ngày càng trở nên khó khăn hơn, hiện nay việc thí điểm phân loại rác rõ ràng là việc rất cần thiết. Tuy nhiên, vẫn cần nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng chúng ta vẫn còn những khó khăn nhất định trong công tác phân loại rác tại nguồn.
Cụ thể về những khó khăn này, TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng: “Một trong những vấn đề thiếu đồng bộ hiện nay là chúng ta chưa có định mức phù hợp”.
Bởi, theo ông Tùng, rõ ràng các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý là các đơn vị công ích, đấu thầu để thực hiện thì đương nhiên họ phải làm theo các quy định. Thế nhưng hiện nay, theo định mức cũ lại không có quy định cho việc xử lý rác thực phẩm như thế nào hay thu gom, vận chuyển lượng rác đã phân loại ra sao.
Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành xây dựng dự thảo định mức kinh tế kỹ thuật. Nhưng TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng cần phải tiến hành khẩn trương để các địa phương thực hiện.
Hiện nay, rất nhiều địa phương vướng ở chỗ nếu tiếp tục như quy định cũ sẽ chỉ phù hợp rác tổng hợp (không phân loại) trong khi luật quy định bên thu gom có thể từ chối người không phân loại. Vậy làm thế nào để biết được đúng hay không đúng trong thời gian và giám sát?. Ông Tùng cho rằng, phải ý thức rất thấu đáo để phù hợp với đặc điểm từng khu dân cư giữa nhà cao tầng, nhà thấp tầng, nhà trong ngõ, nhà đường phố; giữa nông thôn và thành thị;...
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay đã có khoảng 30 địa phương ban hành kế hoạch phân loại các loại nguồn. Mới đây Hà Nội cho biết là từ ngày 01/06 cũng sẽ tiến hành thí điểm phân loại rác tại một số quận huyện trên địa bàn thành phố.
Hiện nay, tất cả các địa phương đều mong chờ định mức kinh tế kỹ thuật, nếu không có thì sẽ không ký được hợp đồng hoặc tiếp tục ký hợp đồng như cũ.
Từ ngày 01/06, Hà Nội sẽ tiến hành thí điểm phân loại rác tại một số quận huyện trên địa bàn thành phố
Để các địa phương được thực hiện tốt kế hoạch, việc phân loại rác mang tính khả thi, TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng:
Thứ nhất, từ nay đến tháng 9/2024 nên có các văn bản hướng dẫn kịp thời của Bộ.
Thứ hai, là vấn đề kinh phí dành cho đào tạo, tập huấn và triển khai. “Tôi nghĩ rằng tất cả những điều đó cần phải có cơ sở xác định trước để các địa phương thí điểm phù hợp với địa phương của mình sau đó sửa đổi. Có như vậy mới có thể thành công và đi vào cuộc sống”, TS. Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh!.
Trước 2020, chúng ta chưa có những quy định nào bắt buộc phân loại rác tại nguồn mà chỉ là khuyến khích. Tuy nhiên, theo Luật Bảo vệ Môi trường thì chậm nhất đến 31/12/2024, các địa phương phải tiến hành phân loại rác tại nguồn.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay vẫn còn những vấn đề đặt ra trong công tác phân loại rác tại nguồn như: khâu thu gom còn chưa đồng bộ, vẫn chỉ dùng một xe đẩy và xử lý vẫn là chôn lấp.
Theo TS. Hoàng Dương Tùng, phải tính toán đến việc giám sát và đào tạo người dân, không thể tự nhiên người dân có thể làm đúng trong ngay. Cùng với đó, việc đào tạo tập huấn là cực kì quan trọng, không chỉ người dân mà cho cả công nhân, chính quyền địa phương để tất cả cùng thực hiện một cách đồng bộ.
Bảo Loan