Thanh Hóa: Chủ động ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu
22/05/2024TN&MTHằng năm, Thanh Hóa chịu tác động bởi các loại hình, sự cố thiên tai, biến đổi khí hậu. Chủ động nâng cấp đê điều, hồ đập, xây dựng các công trình thích ứng với biến đổi khí hậu, lấy phòng ngừa là chính, ứng phó kịp thời là giải pháp giữ vững thành quả kinh tế-xã hội đã đạt được.
Bờ tả sông Chu phía thượng lưu cầu Vạn Hà được kè lát, bảo đảm ứng phó với lũ
Xử lý cấp bách
Huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa có 51,5 km đê cấp I, cấp II thuộc tuyến sông Chu, sông Mã, chiếm 50% tổng chiều dài 102 km đê sông trên địa bàn huyện. Hệ thống đê từng bước được nâng cấp đạt cao trình ứng phó với đỉnh lũ lịch sử, kiên cố hóa mặt đê, nhiều điểm xung yếu được kè lát mái đê.
Từ năm 2018 đến nay, ngân sách tỉnh hỗ trợ và huyện Thiệu Hóa bố trí gần 292 tỷ đồng cho việc nâng cấp, tu sửa, duy tu, xử lý sự cố, điểm xung yếu về đê điều. Dù vậy, hiện tượng sạt lở bờ, bãi sông Chu, khu vực thượng lưu cầu Vạn Hà diễn biến phức tạp.
Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Mật Thôn Lê Hữu Sơn cho biết: Bãi sông bị sạt lở trên chiều dài hơn 1 km, dần thu hẹp diện tích đất bãi trong lòng sông, có điểm sạt lở tác động trực tiếp thân đê sông. Nhân dân chưa nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng đã đồng thuận bàn giao diện tích đất phải thu hồi cho Nhà nước, triển khai kè lát mái đê. Hơn 6 km hai bờ sông Chu, khu vực thượng lưu cầu Vạn Hà được bố trí gần 250 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương hỗ trợ theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để xử lý khẩn cấp.
Chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thiệu Hóa Nguyễn Thanh Hải thông tin thêm, cống tưới, tiêu một cửa ở xã Thiệu Hợp cũng được đầu tư 13 tỷ đồng xây dựng mới. Hai công trình đã thi công đạt 90% khối lượng công việc, phấn đấu hoàn thành cuối tháng 5/2024. Các công trình đưa vào khai thác đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu; phục vụ phòng chống lụt bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh, phát triển kinh tế-xã hội trong vùng dự án.
Trưởng thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa Phạm Bá Quân cho biết: Mấy năm vừa qua, triều cường xâm thực gần 23 ha đất cùng cây trồng, công trình trên đất, có điểm nước biển xâm nhập sâu tới 300m, gây sạt lở bờ biển thôn Tân Xuân trên chiều dài 1,5 km; ngập nước nghiêm trọng Trạm kiểm soát Biên phòng cùng 21 hộ dân, 77 nhân khẩu, tàn phá thảm rừng phi lao ven biển và rừng ngập mặn khu vực lạch cửa Hới. Cùng với việc chủ động triển khai phương án ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ", có thời điểm chính quyền cơ sở phải di chuyển dân cư đến các trường học tránh bão, triều cường xâm thực. Ðầu năm 2023, tỉnh Thanh Hóa bố trí hơn 150 tỷ đồng đầu tư kè lát mái hơn 1,6 km bờ biển, thi công tường chắn sóng, thảm bê-tông mặt đỉnh kè cùng rãnh, cống thoát nước, gắn với khai thác đường giao thông ven biển.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa Trương Thế Hùng ghi nhận: Phụ thuộc chế độ thủy triều nhưng Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàng Tuấn bảo đảm tiến độ thi công, cơ bản đã hoàn thành các hạng mục công trình. Mùa mưa bão năm nay, cán bộ, nhân dân trong xã, nhất là thôn Tân Xuân yên tâm hơn khi đã có đoạn kè kiên cố bảo vệ bờ biển nhưng không chủ quan, mất cảnh giác, tiếp tục kiện toàn ban chỉ huy phòng chống lụt bão và phòng thủ dân sự, rà soát bổ sung nhân lực, vật tư, phương tiện, chuẩn bị hậu cần cùng các phương án ứng phó với các tình huống thiên tai.
Vào tháng 10/2022, trên đê tả sông Mã, tại K49+950-K50+950 thuộc xã Hoằng Ðại, thành phố Thanh Hóa xảy ra hiện tượng sạt, lở trong mưa lũ. Tỉnh Thanh Hóa bố trí hơn 32 tỷ đồng xử lý mặt, kiên cố hóa mái 933m đê, làm mới 3 dốc lên đê phía sông.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa: Công trình được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng tháng 3/2024 bảo đảm mục tiêu khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, an toàn, ổn định tuyến đê tả sông Mã, bảo vệ trực tiếp 5 phường, xã thuộc thành phố Thanh Hóa và huyện Hoằng Hóa; tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đi lại, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Ban còn tham gia quản lý, điều hành dự án đầu tư xử lý cấp bách 8 cống xung yếu dưới đê cấp III trở lên. Ðến nay đã thi công cơ bản hoàn thành thân cống, đắp đất hoàn thiện mặt cắt thân đê, lắp đặt cánh cửa cống, vận hành cánh cửa cống tạm thời bằng pa-lăng xích, đang thi công giàn công tác để vận hành bằng máy đóng mở. Các hạng mục công trình bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/5/2024, đưa vào vận hành, phát huy hiệu quả ứng phó với mưa bão năm 2024.
Chủ động ứng phó
Với địa hình sông Lèn, sông Hoạt, sông Càn bao bọc nhiều năm qua, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa thường xuyên bị nước mặn xâm nhập. Hằng năm, huyện phải đắp đập tạm trên sông Càn, cùng các địa phương phía đông bắc tỉnh Thanh Hóa ứng phó với triều cường xâm nhập sâu vào hạ lưu các con sông.
Tháng 6/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai, thực hiện dự án Nâng cấp hệ thống thủy lợi sông Lèn có tổng dự toán đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng, nhằm nâng cao khả năng kiểm soát mặn, cải tạo môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, các công trình ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Lèn, sông Càn thuộc huyện Nga Sơn, kênh De thuộc huyện Hậu Lộc cùng âu thông thuyền; nâng cấp ba trạm bơm; nạo vét, cứng hóa đê sông được đồng loạt triển khai thi công.
Chủ đầu tư, nhà thầu Việt Nam cùng đơn vị tư vấn, giám sát của Hàn Quốc đã ứng dụng, tiếp thu những thành tựu kỹ thuật, phát huy những sáng kiến khoa học trong thi công các hạng mục công trình, bảo đảm an toàn, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, nhất là xử lý, thi công nền móng công trình ở độ sâu hơn 10m so với mặt nước biển.
Ðến thời điểm này, dự án đã giải ngân được gần 1.102 tỷ đồng theo khối lượng nghiệm thu. Trong đó, công trình chính trên sông Lèn đạt tỷ lệ 92,35%; công trình trên sông Càn đạt hơn 57%, trên kênh De đạt gần 74% khối lượng công việc; cơ bản hoàn thành hạng mục chính các trạm bơm: Triết Giang, Hà Hải, Hà Yên, nâng cấp đê kênh De đến cao trình thiết kế.
Ðại diện cơ quan quản lý dự án tại công trường Lê Minh Tâm cho biết: Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nhiều lần khảo sát, nắm bắt thực tiễn tại công trường, chủ trì làm việc với các địa phương, cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh, nhất là chỉ đạo giải phóng mặt bằng phía huyện Hậu Lộc, đáp ứng thi công xây lắp theo kế hoạch. Nhà thầu phấn đấu sớm hoàn thành, đưa công trình vào khai thác trong năm nay để ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ canh tác hơn 28.000 ha đất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt cho 770 nghìn nhân khẩu ở các huyện: Hậu Lộc, Nga Sơn, Hà Trung, phục vụ các ngành kinh tế, phát triển giao thông, cải thiện môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu. Công trình còn bảo đảm yếu tố mỹ thuật, gắn với khai thác tiềm năng du lịch khu vực này.
Thanh Hóa có 1.008 km đê sông, 102 km bờ biển. Nhiều năm qua, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương luôn quan tâm và tỉnh huy động các nguồn lực đầu tư kiên cố hóa đê biển, đê sông, cứng hóa mặt đê, kè mái đê những điểm xung yếu. Năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục bố trí 40 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế thủy lợi thực hiện thảm bê-tông gần 9 km mặt đê, hoành triệt 2 cống, tu sửa 6 cống, kè, khoan phụt vữa gia cố gần 4 km thân đê, xử lý mối gần 6 km đê, phát quang hơn 12 km mái đê.
Bên cạnh đó, 30 công trình đê điều trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng được đầu tư, nâng cấp từ các nguồn vốn khác, trong đó dự án xử lý khẩn cấp, chống sạt lở, xâm thực bờ biển khu vực cửa lạch Hới thuộc thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ. Tỉnh cùng các địa phương đã duy tu, bảo dưỡng, khắc phục nứt gãy cống Hội Triều trên đê tả sông Mã ở xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa; xử lý sự cố sạt lở đê tả sông Càn thuộc xã Nga Ðiền, huyện Nga Sơn; sụt lún, nứt gãy đê bao Ngọc Lẫm, xã Trường Giang, huyện Nông Cống. Với các hồ thủy lợi đang thi công sửa chữa, nâng cấp từ nguồn vốn an toàn hồ đập, vốn bảo vệ phát triển đất trồng lúa, ngân sách tỉnh, huyện và xã hội hóa, có hơn 10 công trình thi công đạt 75-95% khối lượng công việc.
Phó Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa Khương Anh Tấn trao đổi, tính đến thượng tuần tháng 5/2024, trên địa bàn tỉnh có 65 công trình đê điều, 29 hồ thủy lợi đang thi công. Cùng với việc chỉ đạo, điều hành, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiếp tục rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình đê điều, hồ đập; các địa phương, đơn vị chủ động thực thi các biện pháp bảo đảm an toàn công trình, bổ sung hoàn thiện các kế hoạch, phương án, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện ứng phó thiên tai với phương châm "4 tại chỗ". Thanh Hóa đã di chuyển 282 hộ khỏi khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, sắp xếp, bố trí nơi ở an toàn tại 4 khu tái định cư tập trung; rà soát phương án sơ tán hơn 96 nghìn hộ đang sinh sống ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, bảo đảm hậu cần, thông tin liên lạc, có thể huy động hơn 800 máy ủi, máy xúc, gần 2.400 ô-tô tải, 4.444 ô-tô chở người, 650 tàu, thuyền, ca-nô, xuồng, mô-tô nước, 264 xe cứu hộ… sẵn sàng ứng phó với các tình huống, sự cố thiên tai.
Quán triệt nhiệm vụ trước mùa mưa bão năm 2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Ðỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Phải xác định công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn, sự cố. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là nhưng cũng không hoang mang, lúng túng; thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" và nguyên tắc "Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả", trong đó lấy phòng ngừa là chính với mục tiêu chuyển từ thế bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, hướng tới việc xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai, sự cố, giữ vững thành quả kinh tế-xã hội đã đạt được.
Theo nhandan.vn