Thanh Hóa: Cận cảnh những cánh rừng ngập mặn phát huy vai trò chống biến đổi khí hậu
03/06/2024TN&MTRừng ngập mặn ven biển đóng vai trò vô cùng quan trọng trong bảo vệ đới bờ khỏi bị sạt lở, giữ đất không bị đánh trôi ra bãi biển, hạn chế xâm nhập mặn. Ngoài ra, rừng ngập mặn còn là nơi ký sinh ấu trùng của các loài thủy hải sản sinh sống. Việc trồng và bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn không những góp phần vào việc bảo vệ đa dạng sinh học mà còn bảo vệ sinh kế cho người dân vùng biển.
Rừng ngập mặn ở xã Đa Lộc huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) như một lá chắn xanh bao quanh ôm trọn khu dân cư
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Theo dự báo từ các nhà khoa học, hiện tượng El Nino cùng với biến đổi khí hậu, có thể khiến cho thời tiết các năm 2023, 2024 nắng nóng nhất lịch sử với các đợt sóng nhiệt, hạn mặn nghiêm trọng,… Do đó, công tác chuẩn bị để ứng phó những tác động khó lường của biến đổi khí hậu và hiệu ứng El Nino là vô cùng cần thiết, đặc biệt đối với khu vực đồng bằng ven biển.
Thanh Hóa là một trong những tỉnh có đường bờ biển dài với 102 km, địa phương này đang hứng chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Các hiện tượng như nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan,... đang ngày một hiện hữu và rõ rệt hơn. Điều này ảnh hưởng đến an ninh lương thực, sinh kế của hàng chục nghìn người khu vực đồng bằng ven biển.
Trước thực trạng trên, những năm qua các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời triển khai trồng mới hàng trăm hecta rừng ngập mặn ở 6 huyện ven biển gồm: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, TP. Sầm Sơn, Quảng Xương, TX. Nghi Sơn. Theo thống kê gần đây của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, tính đến nay toàn tỉnh có hơn 873ha rừng ngập mặn. Riêng Hậu Lộc là huyện có 12km đường bờ biển nên có diện tích rừng ngập mặn lớn với hơn 340ha. Từ trên cao nhìn xuống, dưới ánh nắng chói chang, những cánh rừng ngập mặn đã phủ một màu xanh mướt, như lá chắn xanh bao quanh ôm trọn khu dân cư để che chở, bảo vệ người dân trước các tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu.
Những năm qua các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời triển khai trồng mới hàng trăm hecta rừng ngập mặn chống biến đổi khí hậu cho 6 huyện ven biển
Theo người dân địa phương, khoảng hơn 10 năm trước khi chứ có rừng, tại các vùng cửa biển, mỗi khi thủy triều lên, nước biển đánh mạnh vào thân đê gây sạt lở, nhất là vào mùa mưa bão, nước to, sóng lớn đe dọa cuộc sống của người dân. Sau khi được. Tuy nhiên kể từ khi những cánh rừng sú, vẹt, bần chua được trồng đã phát huy vai trò bảo vệ môi trường, bảo vệ dân cư và làng mạc, mà còn tạo sinh kế cho người dân địa phương. Mỗi khi thủy triều rút, người dân men theo các con đường ven rừng ngập mặn để săn bắt cá, cua, ngao…
Anh Vũ Văn Độ, một người dân xã Đa Lộc chia sẻ "Mỗi khi thủy triều xuống, chúng tôi thường ra đầm lầy ven rừng ngập mặn để câu cá còi. Trung bình một ngày có thể câu được 2 - 3kg cá cói, với giá bán 250.000 đồng/kg, chúng tôi kiếm được khoảng 500.000 đồng/ngày". Bên cạnh việc duy trì trồng rừng mới, chính quyền địa phương cũng thường xuyên tăng cường công tác bảo vệ rừng, nghiêm cấm các hành vi chặt phá, khai thác, phá hoại rừng trái phép.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tổng diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam có khoảng 200.000 ha, thuộc địa bàn 28 tỉnh/thành phố (Trong đó, khu vực Nam Bộ, Đông Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ chiếm 97%). Với diện tích này, Việt Nam đứng top đầu trong các quốc gia có diện tích rừng ngập mặn trên toàn thế giới.
Để triển khai Đề án bảo vệ và phát triển rừng bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đang hoàn thiện phương pháp và tiến hành đo đếm, đánh giá trữ lượng các-bon rừng ngập mặn tại 28 tỉnh ven biển của Việt Nam.
Đáng chú ý rừng ngập mặn không những có giá trị kinh tế - xã hội, du lịch sinh thái, còn là một bể chứa carbon lớn, góp phần đáng kể trong việc giảm nồng độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Việc đánh giá khả năng hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng ngập mặn nhằm tạo cơ sở khoa học cho công tác quản lý nhà nước về giảm phát thải khí nhà kính, bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn; cung cấp thông tin cho việc đàm phán quốc tế trong các chương trình thực hiện cắt giảm khí nhà kính. Nguồn thu từ bán carbon sẽ được hỗ trợ thêm vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện sinh kế cho người dân vùng rừng ngập mặn.
Kiều Vượng