Thả hơn 250.000 con tôm, cua xuống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai
22/05/2024TN&MTHưởng ứng Ngày quốc tế đa dạng sinh học (22/5), Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với UBND huyện Phú Vang tổ chức thả tôm, cua giống tại các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở huyện Phú Vang và Phú Lộc.
Theo đó, tại 6 khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ở huyện Phú Vang và Phú Lộc ở xã Vinh Hà, Phú Gia (huyện Phú Vang), Vinh Hưng và Giang Hải (huyện Phú Lộc), hơn 256.000 con tôm Sú giống và 4.800 con cua giống đã được thả xuống.
Thả tôm, cua giống xuống các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Đây là khu vực các loại giống thủy sản dễ sinh sống, có khả năng phục hồi, tái tạo, từng bước khôi phục lại nguồn lại thủy sản ven bờ ngày càng phong phú và đa dạng hơn, đặc biệt đây là khu vực mà thời gian qua huyện Phú Vang đã tuyên truyền vận động thành công việc tháo dỡ vây ví rọ sáo lấn chiếm trên đầm phá Tam Giang thuộc địa phận xã Vinh Hà với 266 hộ và 285 trộ nò sáo của người dân, diện tích khoảng 419 ha, trong đó xã Vinh Hà 214 hộ, các xã của huyện Phú Lộc 52 hộ.
Thuỷ vực đầm phá huyện Phú Vang, Phú Lộc một phần rất quan trọng trong hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, là nơi nổi tiếng giàu nguồn lợi thuỷ sản từ xưa tới nay. Những năm qua nhờ sự tập trung chỉ đạo của các cấp, các ngành gắn với tinh thần cần cù, chịu khó của ngư dân, nghề nuôi trồng và thuỷ sản trên địa bàn ngày càng phát triển, sản lượng thuỷ sản hàng năm không những mang lại thu nhập, ổn định đời sống cho người dân mà còn góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội.
Thả tôm, cua giống xuống các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Tuy nhiên nguồn lợi thủy sản đang ngày càng cạn kiệt do khai thác quá mức và môi trường bị ô nhiễm, vì vậy việc thả tôm, cua tái tạo nguồn lợi thủy hải sản có ý nghĩa quan trọng trong việc phục hồi, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân cùng tham gia bảo vệ nguồn lợi tự nhiên, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đồng thời, phát động và khơi dậy phong trào toàn dân tham gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, tham gia các hoạt động tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản, tăng cường tuyên truyền để hạn chế các hoạt động tiêu cực của con người tới thiên nhiên, làm biến đổi môi trường, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, nhất là việc khai thác thủy sản bằng xung điện, lưới mắt nhỏ… làm cho nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm. Qua đó góp phần nâng cao ý thức cộng đồng tích cực bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển nghề khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững...
Theo baotainguyenmoitruong.vn