Tăng cường mối quan hệ hợp tác Mekong-Lan Thương
05/07/2022TN&MTNgày 4.7, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) lần thứ 7 tại Bagan, Myanmar. Các nước thành viên MLC khác tham dự hội nghị gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai.
Vì khu vực hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững
Hợp tác Mekong-Lan Thương là nền tảng hợp tác tiểu vùng mô thức mới, do Trung Quốc và 5 nước sông Mekong cùng khởi xướng và xây dựng, nhằm làm sâu sắc mối quan hệ hợp tác láng giềng hữu nghị giữa 6 quốc gia.
Hợp tác Mekong-Lan Thương nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội tiểu vùng; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước trong khu vực; có lợi cho tiến trình nhất thể hóa ASEAN và nhất thể hóa khu vực; đóng góp cho hợp tác Nam - Nam, thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ nhất diễn ra ngày 12.11.2015, tại Cảnh Hồng, Vân Nam, Trung Quốc. Tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam nhất trí rằng, hợp tác giữa 6 nước sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân, thu hẹp khoảng cách phát triển và tăng cường hội nhập khu vực, đóng góp vào quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của dòng sông Mekong đối với sự phát triển của cả 6 quốc gia và nhất trí tăng cường hợp tác trong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước và bảo vệ môi trường sinh thái sông Mekong. Hội nghị đã ra thông cáo chung, khẳng định mong muốn củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác giữa 6 nước vì một khu vực Mekong hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.
Gần đây nhất, vào tháng 6.2021, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ 6 được tổ chức theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Kể từ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ 6, trong bối cảnh dịch COVID-19, hợp tác Mekong-Lan Thương vẫn ghi nhận những kết quả tích cực. Trong đó, phải kể đến việc tổ chức thành công Diễn đàn nguồn nước Mekong-Lan Thương lần thứ 2; triển khai các nghiên cứu chung về khí tượng thủy văn và phòng chống thiên tai; tổ chức Diễn đàn hợp tác chính quyền địa phương lần thứ nhất, Hội thảo liên minh các thành phố du lịch, các hoạt động kỷ niệm 5 năm hợp tác Mekong-Lan Thương và Tuần lễ Mekong-Lan Thương tại 6 nước thành viên; nhiều dự án sử dụng Quỹ đặc biệt Mekong-Lan Thương năm 2021 đã được ký kết và triển khai.
Giữ gìn và vun đắp quan hệ láng giềng
Ngày 3.7, nhân dịp tham dự hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ 7, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn có cuộc gặp với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith. Hai Bộ trưởng bày tỏ vui mừng về những kết quả đạt được trong quan hệ hợp tác đặc biệt Việt Nam - Lào gần đây. Để góp phần tiếp tục đưa hợp tác Việt Nam - Lào đi vào chiều sâu và ngày càng hiệu quả trong thời gian tới, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước nhất trí phối hợp cùng các bộ, ban, ngành liên quan của hai nước phục vụ tốt các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao, triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác; không ngừng tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thương mại và đầu tư… Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 45 năm ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào, trong đó hoạt động trọng tâm là lễ kỷ niệm hai sự kiện trọng đại này tại Thủ đô hai nước trong ngày 18.7.
Tại cuộc gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai trong ngày 3.7, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược trong năm 2023; thúc đẩy tăng trưởng thương mại theo hướng cân bằng, cùng có lợi, sớm đạt mục tiêu thương mại song phương 25 tỉ USD. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đề nghị phía Thái Lan tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu thực phẩm, sữa và các sản phẩm từ sữa của Việt Nam sang Thái Lan; cũng như sớm ký kết Thoả thuận tuyển dụng lao động thay thế Thoả thuận ký năm 2015 giữa Việt Nam và Thái Lan. Hai Bộ trưởng Ngoại giao nhất trí thúc đẩy trao đổi các chuyến thăm cấp cao và triển khai các cơ chế hợp tác trong thời gian tới, trong đó có kỳ họp lần thứ 9 Tham khảo chính trị Việt Nam - Thái Lan; sớm khôi phục các chuyến bay thương mại cũng như mở các đường bay mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho du lịch và giao thương giữa hai nước.
Ngày 3.7, tại cuộc gặp với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại trưởng giao và hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn, hai Bộ trưởng bày tỏ phấn khởi về sự phát triển tích cực của quan hệ song phương thời gian qua, nhất là việc duy trì tiếp xúc, trao đổi cấp cao thường xuyên và tăng cường hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại. Hai bên bày tỏ vui mừng phối hợp tổ chức thành công lễ kỷ niệm 45 năm “Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” của Thủ tướng Hun Sen tại khu vực biên giới giữa tỉnh Bình Phước (Việt Nam) và tỉnh Tbaung Khmum (Campuchia) ngày 20.6 và lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia 24.6. Hai bên nhất trí cho rằng những sự kiện này đã góp phần thiết thực nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân hai nước đối với việc giữ gìn và vun đắp mối quan hệ láng giềng hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia.
Theo laodong.vn