Rạn san hô Hòn Chồng (Nha Trang) nguy cơ bị tàn phá
05/05/2024TN&MTThủy triều rút, rạn san hô khu vực Hòn Chồng - Đặng Tất (TP Nha Trang, Khánh Hòa) hiện ra trước mắt du khách. Không ít người đã giẫm đạp, bẻ san hô, bắt ốc, cá và các loài thủy sản khác, gây tác động đến hệ sinh thái rạn san hô.
Đông người tắm tại bãi biển gần khu vực rạn san hô Hòn Chồng
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều người dân và du khách vì tò mò đã lội ra xa bờ để ngắm san hô, chơi đùa, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển, san hô khu vực này.
Ông Hoàng Minh (67 tuổi) thường xuyên tắm gần khu vực này cho biết, thời điểm thủy triều rút vào chiều tối, đặc biệt là vào ngày trăng tròn, rạn san hô sẽ hiện rõ ra. Nhiều người họ không để ý nên lội ra xa để chụp hình và bắt ốc, có người còn vô ý giẫm lên các rạn san hô.
Theo ông Đàm Hải Vân, Phó trưởng Ban Quản lý vịnh Nha Trang, trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 năm nay, với số lượng người dân và du khách đến tắm biển, vui chơi rất đông, Ban quản lý vịnh đã tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường biển và rạn san hô khu vực biển Hòn Chồng - Đặng Tất.
Tuy nhiên, theo ông Vân, lượng khách du lịch trong những dịp lễ tại Nha Trang là quá lớn, công tác tuyên truyền gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều người dân và du khách lội ra xa bờ để ngắm san hô, chơi đùa
Khu vực biển Hòn Chồng - Đặng Tất có diện tích san hô khoảng 4,8ha đang phát triển tốt, có độ phủ san hô tạo rạn trung bình toàn vùng là 32,4%, có sự đa dạng về thành phần loài san hô tạo rạn đang trong thời gian phục hồi khoảng 5-10 năm tuổi. Trong đó, phía Nam Hòn Chồng san hô đang trong quá trình phục hồi, do vùng này mới được cải tạo; phía Bắc Hòn Chồng có sự đa dạng về thành phần loài san hô tạo rạn.
Tại khu vực biển đối diện đường Đặng Tất, có độ đa dạng sinh học cao hơn khu vực Hòn Chồng. Khu vực này, san hô đang phát triển tốt, có độ phủ 50 - 60%, bao gồm san hô cứng tạo rạn có kích thước lớn và nhiều loài san hô mềm, thảm cỏ biển, rong biển nên thu hút nhiều loài thủy sản về đây sinh sống, có rất nhiều đàn cá con trú ngụ.
Theo sggp.org.vn