Quản lý, xử lý chất thải y tế: Một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu tại Bệnh viện Bưu điện
17/05/2024TN&MTXác định tầm quan trọng của công tác quản lý chất thải y tế trong việc kiểm soát nhiễm khuẩn, đảm bảo an toàn cho người bệnh cũng như cán bộ y tế tại bệnh viện, Bệnh viện Bưu điện rất quan tâm, coi trọng công tác quản lý chất thải y tế.
Thực hiện phân loại chất thải y tế tại nguồn
Quy trình phân loại, xử lý chất thải y tế tại Bệnh viện Bưu điện được xem là một trong nhiều quy trình then chốt, xuyên suốt hoạt động khám và điều trị bệnh.
Bệnh viện Bưu điện có trụ sở chính tại số 49 phố Trần Điền, phường Định Công, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Chất thải y tế bao gồm chất thải y tế nguy hại, chất thải rắn thông thường, khí thải, chất thải lỏng không nguy hại và nước thải y tế. Nếu không được phân loại, thu gom và xử lý tốt sẽ là nguồn lây lan bệnh tật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của con người.
Xác định rõ điều này, cán bộ và nhân viên Bệnh viện Bưu điện luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức trong việc phân loại và quản lý các loại rác thải y tế.
Chia sẻ rõ hơn về hoạt động phân loại chất thải y tế tại Bệnh viện Bưu điện, bác sĩ Ngô Hữu Hạnh - Quyền Trưởng Khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn Bệnh viện Bưu điện cho biết: Các chất thải rắn y tế phát sinh (bao gồm chất thải lây nhiễm, chất thải nguy hại không lây nhiễm, chất thải sinh hoạt thông thường) được phân loại ngay tại các khoa, phòng khám chữa bệnh theo đúng hướng dẫn tại Thông tư 20/2021 của Bộ Y tế và Thông tư 02/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cũng theo bác sĩ Hạnh, thực tế cho thấy, chất thải y tế nguy hại (chất thải nguy hại lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm) tại Bệnh biện Bưu điện chỉ chiếm khoảng 10-20% nhưng được quản lý theo quy định ở cấp độ cao nhất để đảm bảo an toàn.
Đối với nhóm chất thải nguy hại lây nhiễm gồm bông gạc, găng tay y tế, túi đựng máu, dẫn lưu, bơm kim tiêm, kim châm cứu,... có dính máu hoặc dịch sinh học cơ thể,… được phân loại và đựng trong các túi, thùng có lót túi màu vàng. Đồng thời, ở những vị trí gần khu xét nghiệm, khu vực phòng khám tầng 1, Bệnh viện Bưu điện đã bố trí thêm các thùng rác vàng để người bệnh có thể vứt khẩu trang, bông, urgo dính máu.
Đối với những chất thải nguy hại không lây nhiễm được phân loại và đựng trong các túi, thùng màu đen bao gồm hóa chất thải bỏ có thành phần nguy hại, thiết bị y tế hỏng có chứa thủy ngân hoặc các kim loại nặng, bóng đèn huỳnh quang, pin, ắc quy, thuốc điều trị ung thư (hóa trị)...
Bên cạnh đó, trên xe tiêm, xe thủ thuật Bệnh viện Bưu điện đều trang bị đầy đủ các loại thùng rác vàng, trắng và thùng kháng thủng. Trong đó, chất thải sắc nhọn được cho vào hộp kháng thủng đạt tiêu chuẩn và được thay khi đầy 2/3; chất thải hóa học nguy hại được cho vào túi đen và thu gom riêng.
“Các hóa chất độc hại phát sinh tại các khoa, phòng được phân loại, thu gom đúng quy định. Những chất thải tái chế từ vật liệu giấy, nhựa, kim loại và thủy tinh không chứa thành phần nguy hại như giấy báo, thùng các tông, vỏ hộp thuốc, chai nước giải khát,... được phân loại đựng trong các túi hoặc thùng có lót túi màu trắng trước khi chuyển giao cho cơ sở xử lý”, bác sĩ Hạnh cho biết thêm.
Trên xe tiêm, xe thủ thuật Bệnh viện Bưu điện đều trang bị đầy đủ các loại thùng rác vàng, trắng và thùng kháng thủng.
Ngoài ra, theo bác sĩ Ngô Hữu Hạnh, đối với chất thải sinh hoạt của người bệnh hay người nhà có thùng thu gom rác đặt ở các vị trí hành lang công cộng, trong phòng vệ sinh phòng bệnh. Tại những khu vực sảnh, ngoại cảnh được trang bị thùng rác đảm bảo theo tiêu chí 50m đặt 1 thùng rác. Rác sinh hoạt đều được phân loại vào túi hoặc thùng có lót túi màu xanh. Đây chính là loại chất thải nhiều nhất tại bệnh viện, chiếm đến 80-90% tổng lượng rác mỗi ngày.
Tại Bệnh viện Bưu điện, tất cả các loại chất thải rắn được phân loại ngay tại nơi phát sinh theo đúng quy định của Bộ Y tế. Tần suất thu gom rác là 4-5 lần/ngày tại các khoa, phòng (không tính phát sinh), rác được thu gom về khu lưu giữ chất thải tạm thời.
“Tất cả các loại chất thải rắn y tế được lưu trữ tạm thời theo từng loại tại khu lưu trữ chất thải tạm thời của Bệnh viện. Để đảm bảo thông thoáng tại khu lưu trữ chất thải lây nhiễm Bệnh viện Bưu điện đã trang bị điều hòa để duy trì nhiệt độ. Việc vận chuyển và lưu giữ chất thải rắn y tế cũng được triển khai cẩn thận, an toàn từ các khoa, phòng, phân loại theo chất thải y tế nguy hại hay chất thải thông thường”, bác sĩ Ngô Hữu Hạnh nhấn mạnh.
Việc vận chuyển, lưu giữ chất thải rắn y tế được phân loại, thu gom, xử lý đúng quy định, đảm bảo an toàn.
Nhằm đảm bảo việc vận chuyển rác thải đúng quy định, Bệnh viện Bưu điện đã ký hợp đồng với đơn vị chức năng với tần suất 01 lần vận chuyển mỗi ngày, tương đương xử lý khoảng 400kg rác thải y tế. Tại các khu lưu trữ chất thải có một cán bộ chuyên trách giám sát và quản lý. Hàng năm, nhân viên y tế trong Bệnh viện Bưu điện đều được tham gia các lớp tập huấn về phân loại, thu gom, quản lý chất thải y tế và vệ sinh xanh - sạch - đẹp bệnh viện.
Chung tay bảo vệ môi trường
Ngoài việc đầu tư phương tiện để phân loại đúng chất thải, hoạt động đào tạo và giám sát việc thực hiện của nhân viên y tế, lựa chọn đối tác đủ năng lực và thực hiện tốt việc tiêu hủy chất thải y tế lây nhiễm, nguy hại cũng được Bệnh viện Bưu điện chú trọng. Theo đó, việc quản lý chất thải y tế lây nhiễm, nguy hại được cán bộ, công nhân viên và người lao động tại Bệnh viện Bưu điện thực hiện rất nghiêm túc, không có hiện tượng thất thoát chất thải y tế lây nhiễm, nguy hại ra ngoài cộng đồng.
Để đảm bảo chất thải y tế được xử lý an toàn, Bệnh viện Bưu điện đã lựa chọn công ty, đơn vị có đủ tư cách pháp nhân, được cấp phép xử lý chất thải y tế lây nhiễm, nguy hại để ký hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại.
Cùng với đó, Bệnh viện Bưu điện còn tập trung tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cho cán bộ, nhân viên, người lao động nắm bắt được các quy định về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và bảo vệ môi trường. Cán bộ nhân viên bệnh viện thường xuyên hướng dẫn người bệnh và gia đình thực hiện đúng việc phân loại chất thải y tế theo quy định.
Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và bảo vệ môi trường được quan tâm, chú trọng góp phần xây dựng Bệnh viện Bưu điện xanh - sạch - đẹp.
“Việc phân loại chất thải y tế đúng cách có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho con người và môi trường. Điều này không chỉ giúp cho môi trường bệnh viện, phòng khám được sạch sẽ thoáng mát, mà còn góp phần giảm thiểu nguy cơ phát tán các tác nhân gây bệnh, các yếu tố độc hại, nguy hiểm”, bác sĩ Hạnh nhấn mạnh.
Thời gian qua, với ý thức chủ động, tự giác của mỗi cán bộ, nhân viên, người bệnh và người nhà người bệnh, công tác phân loại, quản lý chất thải y tế của Bệnh viện Bưu điện đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn cho cán bộ y tế về quản lý chất thải, Bệnh viện Bưu điện sẽ tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất việc quản lý, tiêu hủy chất thải để tránh thất thoát ra ngoài cộng đồng.
Đồng thời, Bệnh viện Bưu điện cũng sẽ quan tâm, đầu tư cho công tác quản lý chất thải y tế nhằm giữ gìn, xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, quản lý tốt về chất thải y tế góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.
Văn Thanh