Phú Bình (Thái Nguyên): Làng nghề chú trọng bảo vệ môi trường để phát triển bền vững
16/08/2023TN&MTNhững năm qua, bên cạnh phát triển các sản phẩm mới, mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều hộ dân tại các làng nghề trên địa bàn huyện Phú Bình còn quan tâm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Gia đình anh Dương Đình Hiệp, ở Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ, xã Xuân Phương, đã đầu tư hệ thống hút mùi sơn để bảo vệ sức khỏe và môi trường trong quá trình sản xuất
Ông Dương Ngọc Tuyên, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Phú Bình, cho biết: Chúng tôi tích cực phối hợp với các xã tuyên truyền tác hại của ô nhiễm môi trường, giải pháp bảo vệ môi trường tới các cơ sở, hộ dân tại các làng nghề… Khoảng 3 năm trở lại đây, vấn đề đảm bảo môi trường trong các làng nghề được các hộ dân đặc biệt quan tâm. Nhờ đó góp phần hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới; diện mạo làng quê đổi mới, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Đến một số cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ, xã Xuân Phương, chúng tôi thấy hầu hết các hộ đã chú trọng bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe trong quá trình sản xuất bằng việc đầu tư các trang, thiết bị hút mùi, bụi.
Anh Dương Đình Hiệp, chủ một hộ sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ trong Làng nghề, cho hay: Trước đây, khi chưa có kinh phí để đầu tư hệ thống hút mùi sơn, tôi thường mang sản phẩm ra trước cửa nhà để phun sơn, hoàn thiện, ảnh hưởng đến người đi đường. 4 năm trước, gia đình tôi đã đầu tư trên 30 triệu đồng để lắp đặt hệ thống quạt gió, hút mùi sơn trong nhà. Từ khi có hệ thống này, kể cả những lúc thời tiết không nắng, tôi vẫn có thể phun sơn để đảm bảo giao hàng cho khách đúng hẹn, đồng thời không ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất.
Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ hiện có 60 hộ trực tiếp sản xuất, trong đó có 45 hộ đầu tư hệ thống hút mùi sơn để bảo vệ môi trường.
Xã Xuân Phương đã xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề và được UBND huyện Phú Bình phê duyệt, đồng thời thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền đến các hộ sản xuất đồ mộc quan tâm bảo vệ môi trường nông thôn.
Còn tại Làng nghề chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ ngựa, ở xã Dương Thành, nhiều năm nay, vấn đề đảm bảo môi trường trong chăn nuôi cũng luôn được các hộ chú trọng.
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cán bộ khuyến nông xã Dương Thành, cho biết: Làng nghề hiện có 54 hộ chăn nuôi ngựa, duy trì nuôi khoảng 250 con. Trong quá trình chăn nuôi, các gia đình thường xuyên thu gom phân ngựa, đem ủ và bón cây trồng nên lượng phân ngựa phát sinh ra môi trường gần như không có. Đối với những gia đình nuôi từ 20-30 con ngựa trở lên, chúng tôi tuyên truyền bà con xây dựng bể bioga để chứa nước tiểu của ngựa, tránh xả thải trực tiếp ra môi trường.
Huyện Phú Bình hiện có 9 làng nghề đang hoạt động, gồm 3 làng nghề mộc mỹ nghệ: Phương Độ (xã Xuân Phương), Phù Lâm (xã Kha Sơn) và An Châu (xã Nga My); 4 làng nghề chè (Na Ri, Kê và Cả, xã Tân Khánh; Phú Lợi, xã Bàn Đạt); Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ (xã Úc Kỳ); Làng nghề chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ ngựa (xã Dương Thành), giải quyết việc làm cho khoảng 340 hộ dân, với mức thu nhập trung bình khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.
Riêng Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ và Làng nghề chăn nuôi, chế biến các sản phẩm từ ngựa, thu nhập của người lao động đạt từ 10-12 triệu đồng/người/tháng.
Có thể khẳng định, sự phát triển của các làng nghề trên địa bàn huyện Phú Bình đã và đang góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Việc các hộ trong làng nghề chủ động bảo vệ môi trường đã từng bước giảm thiểu ô nhiễm từ hoạt động sản xuất, góp phần cải thiện môi trường nông thôn.
Thao baothainguyen.vn