Nhiệt điện Hải Phòng: Dấu ấn 20 năm xây dựng và phát triển
15/09/2022TN&MTTrải qua 20 năm xây dựng và phát triển, dù gặp không ít khó khăn, nhưng với sự chung tay hỗ trợ của các cấp lãnh đạo; sự quyết tâm, đoàn kết của đội ngũ cán bộ, công nhân viên (CBCNV) qua các thời kỳ đã cùng nhau xây dựng lên một Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (TPC Hải Phòng) hiệu quả, ngày càng đóng góp tích cực vào thành tích chung.
Chung tay tạo nên kỳ tích
Thực hiện Quy hoạch điện V, với muc đích bù đắp sự thiếu hụt công suất của hệ thống điện khu vực phía Bắc trong các năm 2006 - 2007 và những năm tiếp theo; đặc biệt, đảm bảo độ tin cậy cấp điện tại khu vực tam giác Hải Phòng – Hà Nội – Quảng Ninh, ngày 13/12/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1186/QĐ-TTg về việc đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng. Theo đó, TPC Hải Phòng được giao làm chủ đầu tư thực hiện xây dựng dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1 gồm hai tổ máy, với công suất 2 x 300 MW tại huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng.
Hoạt động an sinh xã hội được công ty tích cực triển khai
Với bàn tay, khối óc và sự quyết tâm, nỗ lực của những người CBCNV, kỹ sư giàu kinh nghiệm, sau 5 năm khẩn trương xây dựng, năm 2011 dự án được đưa vào sản xuất, hòa vào lưới điện quốc gia. Kể từ đây, TPC Hải Phòng đã phần nào đóng góp, giải quyết việc cung cấp điện cho khu vực tam giác Hải Phòng – Hà Nội – Quảng Ninh, đóng góp tích cực vào giải quyết việc làm và phát triển công nghiệp đất nước.
Tiếp nối thành công, tháng 11/2005, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1195/QĐ-TTg tiếp tục giao TPC Hải Phòng làm chủ đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 2, gồm hai tổ máy có công suất 2 x 300 MW, theo cơ chế nhân đôi.
Với kinh nghiệm được tích lũy, việc tiếp tục thực hiện xây dựng dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 2 không khó đối với đội ngũ CBCNV, kỹ sư TPC Hải Phòng. Tuy nhiên, do diện tích xây dựng rộng, trải dài trên nhiều xã nên việc đền bù, giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn. Để thực hiện đúng chủ trương chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, bằng mọi cách, đội ngũ lãnh đạo Nhiệt điện Hải Phòng đã bắt tay ngay vào triển khai giải phóng mặt bằng. Sau 2 năm, công tác giải phóng mặt bằng đã được thực hiện xong, không quản gian khó công ty đã huy động tối đa nguồn nhân lực, triển khai ngày đêm, với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ của dự án. Nhờ đó, dự án đã rút ngắn 2 tháng so với tiến độ xây dựng dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1.
Những con số biết nói
Ngay sau khi hoàn thành hai dự án, TPC Hải Phòng đã tập trung chỉ đạo sản xuất, vận hành an toàn với hệ số khả dụng cao. Kể từ khi cấp chứng chỉ nghiệm thu (PAC) đến nay, các tổ máy đều cho hệ số khả dụng cao, tỷ lệ ngừng máy sửa chữa bảo dưỡng và ngừng máy do sự cố đều nằm trong kế hoạch được đăng ký hàng năm. Nhờ đó, công ty đã đảm bảo cung ứng điện, đáp ứng yêu cầu huy động của hệ thống điện; hàng năm luôn hoàn thành và hoàn thành vượt sản lượng điện do Bộ Công Thương cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Phát điện 2 giao. TPC Hải Phòng tự hào là một trong những nhà máy sản xuất điện hiệu quả, đóng góp vào thành tích chung và còn rất vinh dự là công ty tham gia thị trường điện cạnh tranh đầu tiên.
Ngày 20/5/2018 sản lượng điện phát lên lưới của Nhiệt điện Hải Phòng đạt mốc 40 tỷ kWh; đến 2h00 ngày 20/10/2019, đạt mốc 50 tỷ kWh; và từ 12h00 ngày 3/3/2021 đạt mốc 60 tỷ kWh. Vào lúc 22h00 ngày 25/6/2022 sản lượng phát đạt mốc 70 tỷ kWh. Nổi trội nhất là năm 2019, sản lượng điện đạt được cao nhất với 8,1 tỷ kWh, vượt 112,5% sản lượng thiết kế 7,2 tỷ kWh/năm.
Với sản lượng đó, hai nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1 và 2 đã chiếm tỷ trọng trên 40% sản lượng điện hàng năm của Tổng công ty Phát điện 2. Góp phần quan trọng trong hệ thống lưới điện miền Bắc, giữ vững an ninh năng lượng và góp phần ổn định phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó còn luôn đảm bảo cổ tức cho cổ đông, trung bình 8% năm.
Đặc biệt, sau hơn 10 năm vận hành, TPC Hải Phòng đã cơ bản trả được hết nợ vốn vay trong và ngoài nước, bảo toàn được vốn nhà nước. Tạo việc làm cho nhiều CBCNV, với thu nhập bình quân khoảng trên 17 triệu đồng/người/tháng.
Không những vậy, kể từ khi đi vào hoạt động, TPC Hải Phòng luôn là một trong những doanh nghiệp đứng đầu về đóng góp vào ngân sách địa phương. Tính từ khi hoạt động đến hết năm 2021, công ty đã đóng góp vào ngân sách địa phương tới 4.337 tỷ đồng, trong đó, năm 2020 nộp ngân sách cao nhất đạt 587 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty còn đặc biệt quan tâm hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội. Từ năm 2015 đến tháng 6/2022, công ty đã chi khoảng 31,9 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội, trong đó, hỗ trợ xây dựng Trường Mầm non xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên với số tiền 12,6 tỷ đồng, hỗ trợ Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 6,270 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới 800 triệu đồng, hỗ trợ các đơn vị nhân dịp Tết Nguyên đán 1,940 tỷ đồng, hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết 1,080 tỷ đồng…
Hàng năm lãnh đạo TPC Hải Phòng còn đặc biệt quan tâm, đầu tư cho công tác môi trường đảm bảo đúng quy định và trồng nhiều cây xanh tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, xem đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và đã được công ty thực hiện rất tốt.
Mặc dù trước mắt còn nhiều khó khăn, đặc biệt là sức ép cạnh tranh trong phát điện ngày một lớn nhưng với truyền thống 20 năm xây dựng và phát triển, TPC Hải Phòng sẽ không ngừng đổi mới về mọi mặt, đặc biệt là đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy, đáp ứng yêu cầu huy động của hệ thống điện. Đồng thời, đảm bảo môi trường; chăm lo cho người lao động ngày một tốt hơn; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất điện, quản lý…; đầu tư nghiên cứu mở rộng công suất phát điện, nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn, đóng góp tích cực vào thành tích chung.
Ghi nhận những đóng góp hiệu quả, những năm qua Nhiệt điện Hải Phòng đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều bằng khen, phần thưởng khác… của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương.
PV.