Ngày Môi trường Thế giới và hành động của tất cả chúng ta
02/06/2024TN&MTNgày Môi trường Thế giới “chính là sự kiện của người dân” với các hoạt động đa dạng, phong phú như tuần hành, diễu hành bằng xe đạp, các buổi hoà nhạc xanh, các cuộc thi tại trường học, trồng cây, chiến dịch tái chế chất thải và làm sạch môi trường,…Cả nước đang ra quân hưởng ứng tháng hành động Vì môi trường. Tạp chí TN&MT đã ghi lại những hoạt động sớm tại một số địa phương.
Ảnh minh họa
Theo đó, ngày 05/6 hàng năm được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc chọn là ngày Môi trường thế giới. Đây là sự kiện môi trường quốc tế quan trọng được Việt Nam hưởng ứng, tổ chức thường niên từ năm 1982 và đến nay đã trở thành phong trào rộng khắp trên phạm vi cả nước.
Đúng như tên gọi của nó, ngày môi trường thế giới có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Mục đích xa hơn của ngày này là khởi nguồn cảm hứng và thúc đẩy tư tưởng của con người. Sự kiện này hướng toàn thế giới tới các hoạt động tích cực để bảo vệ môi trường. Vấn đề bảo vệ môi trường không chỉ dừng lại ở ngày 1 ngày 2 mà còn phải duy trì thường xuyên, liên tục.
Đặc biệt, ngày môi trường thế giới còn là ngày để truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường tới thế hệ trẻ thanh thiếu niên hiểu được tầm quan trọng của môi trường để hành động, góp sức bảo vệ tốt "Hành tinh xanh" của chúng ta.
Ngày Môi trường thế giới 05/6/2024 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá” (Land restoration, desertification and drought resilience) nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.
Theo Công ước của Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa, có tới 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu (44 nghìn tỷ USD). Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000, nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050. Phục hồi đất là một trong những mục tiêu chính trong thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên hợp quốc (2021-2030), thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững.
Cùng hưởng ứng chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2024 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động.
Căn cứ tình hình thực tế, cao điểm từ cuối tháng 5 đến kết thúc tháng 6/2024, đồng loạt tổ chức các hoạt động cộng đồng như: Mít tinh, phong trào ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom, xử lý chất thải. Phát động Chiến dịch chung tay bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu bằng các hành động thiết thực, hiệu quả. Treo băng rôn, pano, áp phích (khuyến khích sử dụng từ các vật liệu có tính thân thiện môi trường) tại các cơ quan, đơn vị, địa điểm công cộng phù hợp để đẩy mạnh tuyên truyền chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2024 đạt tính lan tỏa cao.
KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN NGÀY MÔI TRƯỜNG THẾ GIỚI NĂM 2024
1. Hãy chủ động ứng phó, tăng cường khả năng thích ứng với hạn hán.
2. Mỗi người đều có thể góp phần phục hồi đất bị suy thoái.
3. Cùng hành động để bảo tồn thiên nhiên, điều hòa khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
4. Cùng liên kết chống lại biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự phá hủy hệ sinh thái toàn cầu.
5. Hành tinh của chúng ta, trách nhiệm của chúng ta! Hãy hành động ngay bây giờ cho một tương lai bền vững.
6. Ngăn chặn và đảo ngược sự mất mát của các hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
Người dân Lạng Sơn tham gia làm sạch môi trường tại các khu vực dân cư
Tại Lạng Sơn, sáng ngày 2/6 Sở TN&MT Lạng Sơn đã phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức phát động hưởng ứng ngày Môi trường thế giới và Triển khai tháng Hành động vì môi trường năm 2024.
Tại Lễ phát động, Lãnh đạo Sở TN&MT đã tiếp tục tuyên truyền những chủ trương, chính sách, pháp luật về BVMT, trong đó chỉ rõ một số điều lệ quy định trong Luật BVMT năm 2020 để người dân hiểu rõ, hành động đúng. Cùng với đó là tuyên truyền về việc đẩy nhanh thực hiện các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai, tiềm năng đất, trong đó có việc cần xác định các khu vực đất bị ô nhiễm, có nguy cơ ô nhiễm đảm bảo các khu vực này phải được khoanh vùng, xây dựng và thực hiện những kế hoạch, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất bị ô nhiễm theo quy định pháp luật; có biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu tối đa quá trình sa mạc hóa, hạn hán trên địa bàn, có phương án sử đụng đất đai hiệu quả.
Người lớn hướng dẫn cho trẻ em về cách sử dụng các bao bì, sản phẩm thân thiện với môi trường
Ngay sau buổi lễ phát động, ban tổ chức đã thực hiện diễu hành tuyên truyền về phòng chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường tại nhiều tuyến phố, tổ chức ngày hội đổi rác lấy quà và cùng nhân dân tham gia dọn vệ sinh đường phố, nơi cư trú…Đồng thời, kêu gọi và khuyến khích các em học sinh mọi lứa tuổi cùng tham gia cuộc thi vẽ tranh “Thiếu nhi thành phố Lạng Sơn vì môi trường tương lai”. Qua đó, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh và người dân, góp phần xây dựng thành phố Lạng Sơn ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Hình ảnh tại Tuyên Quang
Tại Tuyên Quang, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đã phát động, kêu gọi sự quan tâm và tham gia tích cực của các cơ quan, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo vệ môi trường; xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn; tăng cường tái chế, tái sử dụng; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Nhân dịp này, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường đã trao tặng 30 thùng rác, túi cói, túi vải thân thiện cho các tổ tự quản, hộ gia đình và người dân trên địa bàn xã Bằng Cốc.
Ngay sau lễ phát động, các đại biểu đã tham gia các hoạt động trồng hoa, cây xanh, thu gom, phân loại rác thải nhựa. Thông qua các hoạt động nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình tự quản tại cộng đồng dân cư trong việc thu, gom, phân loại xử lý rác thải và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh.
Tại Bình Định
Tại Bình Định, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đề nghị chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành và các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung hơn nữa trong công tác phòng, chống hạn, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc; tập trung hơn nữa trong việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, quản lý rác thải sinh hoạt.
Trong đó, ông Nguyễn Tuấn Thanh đề nghị chú trọng tăng cường tuyên truyền về tình hình và dự báo diễn biến khô hạn năm 2024 để nhân dân nhận thức và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn. Tăng cường thực hiện các giải pháp về phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trong sản xuất nông nghiệp, phòng chống cháy rừng trong mùa nắng nóng,... Chú trọng việc quy hoạch sử dụng đất hợp lý, cải tạo đất trống đồi trọc, nghiên cứu các công nghệ, giải pháp kỹ thuật canh tác hiện đại tiết kiệm nước tưới, không gây suy thoái đất,...; đồng thời, có kế hoạch hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi nắng hạn, nhất là đối với những hộ dân không thể sản xuất được vì không có nguồn nước tưới. Tăng cường vận động người dân trồng và bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần bảo vệ, duy trì, phục hồi sức sản xuất của đất. Thực hiện đồng bộ công tác cải tạo, phục hồi các vùng đất bị ô nhiễm, suy thoái. Xây dựng kế hoạch chi tiết, phân bổ kinh phí đảm bảo để thực hiện đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt đạt mục tiêu đề ra trong năm 2024; trong đó chú trọng việc nâng tỷ lệ và tần suất thu gom rác khu vực đô thị và nông thôn. Triển khai kế hoạch phân loại rác thải tại nguồn, nhân rộng mô hình phân loại rác thải, giảm thiểu và tái sử dụng rác thải nhựa; tổ chức các hoạt động ra quân dọn vệ sinh môi trường, xóa bỏ các điểm đổ rác tự phát gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu tại buổi lễ
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đã kêu gọi toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh cùng chung tay thực hiện công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hành động ngay bằng những việc làm thiết thực nhằm giảm thiểu chất thải, quản lý, sử dụng bền vững và phục hồi những vùng đất bị thoái hóa, tạo nên những điểm du lịch sinh thái nông nghiệp, khu bảo tồn đa dạng sinh học, xây dựng tỉnh Bình Định ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp, là nơi đáng sống và là điểm đến của đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Tại buổi lễ ra quân đã diễn ra nhiều hoạt động hưởng ứng như: Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND huyện Tây Sơn tổ chức gian hàng “Giới thiệu mô hình phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại Khối phố Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn”. UBND thành phố Quy Nhơn tổ chức hoạt động đổi vỏ chai nhựa lấy cây xanh và tổ chức tuyên truyền cho người dân về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường, vận động người dân hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần; hoạt động diễu hành cổ động trên đường phố, ra quân dọn vệ sinh môi trường dọc bờ biển và các tuyến đường, địa điểm công cộng trên địa bàn thành phố.
Người dân Bình Thuận tham gia chiến dịch
Tại Bình Thuận, Chiến dịch thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên và người dân tham gia. Theo đó, 100% cơ sở đoàn trong toàn tỉnh đồng loạt ra quân hưởng ứng tập trung triển khai các công trình, phần việc thiết thực ý nghĩa: Tổ chức các đội thanh niên tình nguyện ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường tại các tuyến đường trên từng địa bàn; thu gom rác thải, phát quang bụi rậm, nạo vét kênh mương; tu sửa, chỉnh trang các khu di tích, nghĩa trang liệt sĩ tại địa phương; trồng, chăm sóc cây; triển khai hoạt động "Hãy làm sạch biển" tại các huyện có biển…
Tại chương trình, Ban tổ chức đã trao tặng 100 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân và 10 thùng đựng rác cho huyện Tuy Phong (Bình thuận). Ngay sau buổi lễ, các đại biểu, cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên cùng người dân đã tiến hành trồng được hơn 1.500 cây xanh và tích cực tổ chức dọn vệ sinh bờ biển, tuyến đường, khu dân cư…
Chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, cải thiện môi trường sống, ứng phó với biến đổi khí hậu trong cộng đồng dân cư.
Những hoạt động có ý nghĩa tại một số tỉnh, thành trong cả nước đã, đang và sẽ lan tỏa rộng khắp trên cả nước góp phần nhanh chóng thay đổi nhận thức trong từng người dân, nhằm nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường để làm cho thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng của chúng ta trở nên sạch, văn mình hơn.
Việt Anh