Kỷ niệm Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2024
22/05/2024TN&MTNgày 22/5/2024 tại Bãi biển Cửa Đại, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2024.
Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, cuộc sống của con người từ bao đời nay đã luôn gắn bó với thiên nhiên với sự phong phú về các hệ sinh thái tự nhiên, các loài sinh vật và nguồn gen. Đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái chính là cơ sở sinh tồn của sự sống cho trái đất, đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, mỗi địa phương và trong đời sống của mỗi cá nhân.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại buổi lễ
Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội thì sự suy thoái đa dạng sinh học cũng đã diễn ra; và diễn ra với một tốc độ ngày càng nhanh chóng, đe doạ đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia trên toàn thế giới.
Theo Báo cáo đánh giá toàn cầu về Đa dạng sinh học và Dịch vụ hệ sinh thái cho thấy, trong nửa thế kỷ qua, thế giới đang chứng kiến tốc độ suy thoái đa dạng sinh học và hệ sinh thái chưa từng có trong lịch sử nhân loại với ước tính 1 triệu loài động vật và thực vật đứng bên bờ vực tuyệt chủng, 75% hệ sinh thái trên bề mặt trái đất bị biến đổi, các hệ sinh thái trên cạn suy giảm 23% năng suất; 85% diện tích khu vực đất ngập nước bị mất đi, 14/18 dịch vụ cơ bản của đa dạng sinh học cho duy trì các hoạt động sống và phát triển của con người đang có xu hướng suy giảm trên toàn cầu,…
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng trên là do sự biến mất của môi trường tự nhiên; khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên; BĐKH; ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng các sản phẩm gây nguy hại đến đa dạng sinh học như thuốc trừ sâu, các sản phẩm nhựa,... và kể cả các loài xâm lấn.
Để ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học, suy thoái của các hệ sinh thái, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra quyết định tuyên bố Thập kỷ 2021 - 2030 là Thập kỷ Liên hợp quốc về “Phục hồi hệ sinh thái”; năm 2022, Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học đã thông qua Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal với mục tiêu hướng đến chung sống “Hài hoà với thiên nhiên” thông qua thực hiện hành động khẩn cấp để ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học, phục hồi đa dạng sinh học, duy trì một hành tinh khỏe mạnh và mang lại lợi ích thiết yếu cho tất cả mọi người, không chỉ hiện tại mà cả tương lai. Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal đã đề ra 23 mục tiêu tham vọng đến năm 2030 nhằm giảm thiểu các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học; sử dụng bền vững và chia sẻ lợi ích từ đa dạng sinh học đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng các giải pháp và lồng ghép ĐDSH liên ngành.
Để có thể thực hiện được những mục tiêu này, Ban Thư ký Công ước và toàn thể các nước thành viên đã quyết định cần có những hành động khẩn cấp ở cấp quốc gia để triển khai toàn diện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu. Chính vì thế, chủ đề ngày đa dạng sinh học của năm nay “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học” cũng chính là lời kêu gọi sự ủng hộ và tham gia thực hiện GBF của tất cả mọi tổ chức, cá nhân trên thế giới.
Hưởng ứng Chủ đề “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học” do Liên hợp quốc phát động, Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm nay là cơ hội để chúng ta cùng nhau khẳng định quyết tâm, thay đổi nhận thức, thống nhất hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức đặt ra, ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ suy giảm đa dạng sinh học, bảo đảm cân bằng sinh thái; gấp rút triển khai các nội dung của Khung Đa dạng sinh học toàn cầu với những hành động cụ thể, hướng tới xây dựng một tương lai “Sống hài hòa với thiên nhiên” vào năm 2050. Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Một là, tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học và các giá trị của đa dạng sinh học trong cải thiện sinh kế bền vững, xóa đói giảm nghèo và chiến lược phát triển bền vững của quốc gia; xây dựng lối sống hài hòa với thiên nhiên.
Hai là, tổ chức triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; lồng ghép yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học vào trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của các Bộ, ngành, địa phương để đảm bảo sự công bằng, toàn diện và đồng bộ trong quá trình ra quyết định có liên quan đến đa dạng sinh học.
Ba là, kiểm soát các hoạt động gây tác động tiêu cực gây suy giảm đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên; tăng cường các hoạt động khẩn cấp ngăn chặn tình trạng khai thác quá mức và buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã, giảm thiểu sự xuất hiện và tác động của các loài ngoại lai xâm hại đối với đa dạng sinh học; kiểm soát ô nhiễm môi trường;
Bốn là, nghiên cứu và áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm bảo tồn và phục hồi ĐDSH, thích ứng với BĐKH; phát huy các thực hành tốt thân thiện với đa dạng sinh học trong các ngành sản xuất; tăng cường năng lực điều tra, kiểm kê, quan trắc, giám sát thông tin, dữ liệu về đa dạng sinh học; đẩy mạnh năng lực về ứng dụng khoa học công nghệ trong giám sát đa dạng sinh học, phát triển các giải pháp đổi mới nhằm cải thiện việc bảo tồn cũng như sử dụng bền vững đa dạng sinh học.
Năm là, thúc đẩy và thiết lập mối quan hệ đối tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm vận động sự ủng hộ, hỗ trợ về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phát hiện và tôn vinh những cá nhân, tập thể, cộng đồng có những nỗ lực ngăn chặn và suy giảm đa dạng sinh học.
Triển khai nhiều nhiệm vụ bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái tại địa phương
Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam Bùi Ngọc Ảnh cho rằng, Quảng Nam là khu vực có nhiều hệ sinh thái rừng và biển rất đặc trưng, mang lại nhiều giá trị cảnh quan và kinh tế; là nơi phân bố của nhiều loài quý hiếm, đặc hữu như Sao la, Hổ, Voi, Voọc chà vá, Mang Trường Sơn, Sâm Ngọc Linh, san hô, cỏ biển,... được xếp địa phương có tính đa dạng sinh học cao trong cả nước, nằm trong vùng cảnh quan ưu tiên Trung Trường Sơn và là một trong 200 “điểm nóng” về Đa dạng sinh học của thế giới.
Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam Bùi Ngọc Ảnh phát biểu tại buổi lễ
Đồng thời, cũng là một trong những tỉnh tiên phong hành động về Đa dạng sinh học, là một trong các tỉnh sớm ban hành Chiến lược bảo tồn, kế hoạch hành động. Đặc biệt, tỉnh đã tranh thủ được nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế triển khai nhiều nhiệm vụ bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái, xúc tiến thành lập các Khu bảo tồn, hành lang Đa dạng sinh học tỉnh. Quy hoạch phát triển tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định định hướng phát triển Quảng Nam thành một trong các tỉnh tiên phong về việc phát triển nền kinh tế tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và có tính cân đối hài hòa giữa môi trường và phát triển.
Để tiếp tục thể hiện trách nhiệm của địa phương đóng góp vào quá trình phục hồi đa dạng sinh học của quốc gia cũng như toàn cầu, Quảng Nam đã có sáng kiến đề xuất tổ chức Năm Phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia - Quảng Nam 2024 - Chung sống hài hòa với thiên nhiên với hơn 40 hoạt động liên quan sẽ được tổ chức từ tháng 3 đến tháng 12/2024 trên toàn tỉnh. Với mục đích góp phần triển khai Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050; gắn với tham gia hưởng ứng Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái 2021 - 2030 của Liên hợp quốc; thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế tại Hội nghị lần thứ 15 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học.
Đến nay, Quảng Nam đã tổ chức thành công nhiều hoạt động, trong đó, kết quả lớn nhất đó là đã lan tỏa được thông điệp và nhận được sự ủng hộ, đồng hành tích cực của các cá nhân, đơn vị, các tổ chức quốc tế mà tiêu biểu là tổ chức WWF, Greend Việt,… các cơ quan truyền thông; Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam,… Thời gian đến, Quảng Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, nội dung của Khung Đa dạng sinh học toàn cầu; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050 để cụ thể hóa, lồng ghép trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh.
Nhân dịp này, Lãnh đạo Bộ TN&MT, đại diện lãnh đạo các cơ quan ban ngành của tỉnh Quảng Nam cùng toàn thể đại biểu đã tham gia thả cá giống để bổ sung nguồn lợi thủy sản bản địa, thủy sản đặc hữu và giữ cân bằng sinh thái cho vùng nước tự nhiên tại khu vực Hội An. Bên cạnh đó còn diễn ra Hội thảo "Thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal (GBF) và Chiến lược đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ở Việt Nam".
Các hoạt động đã thu hút được sự quan tâm và tham gia tích cực của các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo cộng đồng; tạo điều kiện cho mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng chung tay thực hiện quyền và nghĩa vụ trong việc xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học tại địa phương trong thời gian tới.
Lãnh đạo Bộ TN&MT và đại biểu thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Ngày 22/5 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Quốc tế đa dạng sinh học với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động về đa dạng sinh học. Lễ kỷ niệm toàn cầu này kỷ niệm việc thông qua Công ước về đa dạng sinh học (CBD) ngày 22/5/1992 và tạo điều kiện thúc đẩy sự ủng hộ rộng rãi cho Công ước, các Nghị định thư và các hành động có liên quan.
Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal (GBF) đã được thông qua vào tháng 12/2022 tại Hội nghị COP15 sau quá trình tham vấn và đàm phán kéo dài 4 năm. Vào ngày 19/12/2023, nhân kỷ niệm 1 năm thông qua Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal, Ban thư ký Công ước Đa dạng sinh học đã phát động chiến dịch “Kế hoạch đa dạng sinh học” nhằm truyền đạt và thúc đẩy 4 mục tiêu tổng quát đến năm 2050 và 23 mục tiêu cụ thể đến năm 2030. Điều này có vai trò quan trọng trong việc tạo đều kiện cho Chính phủ các nước biến các thỏa thuận và cam kết thành hành động cụ thể, thiết thực, hướng tới giải quyết tình trạng mất đa dạng sinh học, khôi phục hệ sinh thái và bảo vệ quyền bản địa tại các quốc gia trên thế giới.
Phương Chi