Khảo sát thực tế phục vụ thẩm tra dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
14/02/2023TN&MTĐoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm Trưởng Đoàn, đã đến làm việc, khảo sát thực tế tại tỉnh Long An để phục vụ thẩm tra dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), dự kiến Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5/2023 và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10/2023.
Tại buổi làm việc, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Long An, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính Báo cáo về kết quả công tác quản lý tài nguyên nước kết quả công tác quản lý tài nguyên nước, đặc biệt là kết quả triển khai Luật Tài nguyên nước 2012 và các Nghị định, Thông tư, văn bản hướng dẫn liên quan; các khó khăn, vướng mắc khi triển khai các văn bản quy phạm pháp luật tài nguyên nước tại địa phương; và các đề xuất, kiến nghị trong xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Toàn cảnh buổi làm việc
Theo đó, các khó khăn, vướng mắc khi triển khai Luật Tài nguyên nước 2012 trên địa bàn tỉnh Long An tập trung vào các nội dung như: chưa có các hướng dẫn cụ thể về cấp phép khai thác nước đối với giếng khoan dự phòng; thông tin, dữ liệu, số liệu điều tra, đánh giá, quan trắc tài nguyên nước còn thiếu, phân tán; ý thức chấp hành pháp luạt của các tổ chức, doanh nghiệp chưa cao; lực lượng công chức tham mưu quản lý tài nguyên nước còn mỏng, trong khi yêu cầu công việc ngày càng tăng, nhất là hầu hết cán bộ quản lý tài nguyên nước ở cấp huyện, xã không có chuyên môn sâu về tài nguyên nước, phải kiêm nhiệm thực hiện tham mưu quản lý nhiều lĩnh vực vì vậy gặp khó khăn trong tham mưu quản lý tại cơ sở;….
Để đảm bảo công tác quản lý tài nguyên nước hiệu quả, tiết kiệm và phù hợp với thực tế tại địa phương trong thời gian tới, UBND tỉnh Long An kiến nghị trong sửa đổi, bổ sung Luật tài nguyên nước lần này cần có các quy định giao cơ quan chức năng lập bản đồ các vùng có nguy cơ hạn hán, thiếu nước; có các quy định để chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; đồng thời, ban hành cơ chế phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các địa phương giáp ranh trong công tác quản lý, điều hòa, phân phối nguồn nước giữa các ngành, địa phương; trong đó, xem xét phân định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc của từng bộ, ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Long An cũng kiến nghị Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội xem xét, hỗ trợ tỉnh Long An nguồn vốn đầu tư các công trình ngăn mặn, xây dựng 01 hồ chứa nước ngọt để phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân gắn với việc cấp nước tập trung để cấp nước liên vùng, liên tỉnh trong điều kiện ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Lệ Thủy đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác quản lý tài nguyên nước và triển khai thực hiện Luật tài nguyên nước 2012 trên địa bàn tỉnh Long An trong thời gian qua. Đồng thời, đồng chí cũng đã tiếp thu các nội dung trao đổi, kiến nghị của UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh để nghiên cứu đưa vào sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi) sắp tới để bảo đảm phù hợp với thực tế, nâng cao hơn nữa hiệu quả hiệu lực, tháo gỡ khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương và các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước.
Thanh Tâm