Huyện Thanh Miện (Hải Dương): Xây dựng thành công nhiều mô hình cánh đồng không rác thải
26/05/2024TN&MTHội nông dân huyện Thanh Miện đã xây dựng các mô hình "Cánh đồng không rác thải" và mô hình “Cánh đồng không rác thải, ít dấu chân người”, góp phần làm thay đổi nhận thức của nhiều hộ nông dân về việc bảo vệ môi trường.
Trước thực trạng vỏ bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng không được thu gom, tập kết đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Hội nông dân huyện Thanh Miện đã xây dựng các mô hình “Cánh đồng không rác thải, ít dấu chân người".
Ngay sau khi phát động mô hình “Cánh đồng không rác thải, ít dấu chân người” hơn 30 hội viên nông dân ở thôn Ngọc Lập, xã Tân Trào đã tích cực tham gia.
Hoạt động của các hội viên trong mô hình “Cánh đồng không rác thải, ít dấu chân người”
Các hội viên được tuyên truyền về tác hại của việc vứt bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân đạm sau khi sử dụng bừa bãi sẽ gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
Hoạt động tuyên truyền đã góp phần làm thay đổi nhận thức của nhiều hộ nông dân.
Bà Nguyễn Thị Huê, thôn Ngọc Lập, xã Tân Trào, huyện Thanh Miện cho biết: Sau khi người dân được phổ biến, đến nay bản thân bà và gia đình sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đánh chuột,… sẽ thu gom những bao bì để đúng nơi quy định để bảo vệ môi trường, không gây ô nhiễm môi trường.
Cán bộ hội nông dân huyện Thanh Miện và xã Tân Trào cũng tuyên truyền về các lợi ích như ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp từ các khâu làm đất, cây lúa, bón phân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như kế hoạch để người dân mạnh dạn làm theo.
Ông Phạm Văn Nguyện - Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Trào, huyện Thanh Miện (Hải Dương)
Ông Phạm Văn Nguyện - Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Trào, huyện Thanh Miện cho biết: “Phương châm của chúng tôi là những cánh đồng ít dấu chân người, chủ yếu sử dụng máy móc. Từ công tác làm đất bằng máy, công tác thu hoạch sản phẩm, lúa cũng bằng máy đến phun thuốc trừ sâu, chăm bón phân bón cũng bằng máy,… để đảm bảo năng suất cũng như giá thành, hiệu quả của sản phẩm, bảo vệ môi trường”.
Mỗi hộ nông dân tham gia mô hình đã trở thành các tuyên truyền viên đi tuyên truyền, vận động người dân, những hộ nông dân khác thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình sử dụng phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật.
Theo đó, các thành viên sẽ tích cực tham gia, thu gom rác thải trên cánh đồng đưa về nơi tập kết đúng quy định để đưa đi tiêu hủy.
Bước đầu Hội nông dân huyện Thanh Miện đã xây dựng các mô hình “Cánh đồng không rác thải” và mô hình “Cánh đồng không rác thải ít dấu chân người” với trên 100 thành viên trên địa bàn.
Hội nông dân huyện Thanh Miện phấn đấu từ nay đến cuối năm 2024 sẽ xây dựng được thì ít nhất 300 thành viên.
Ông Vũ Thế Sáng - Chủ tịch Hội nông dân huyện Thanh Miện
Ông Vũ Thế Sáng - Chủ tịch Hội nông dân huyện Thanh Miện cho biết: Các mô hình này đang được nhân rộng và đang được phát triển trên địa bàn của các thôn các xã. Tới đây trong năm 2024, chúng tôi sẽ nhân rộng trên địa bàn huyện và phấn đấu đến hết năm 2024 sẽ đạt được 10 điểm trong mô hình trở lên trên địa bàn các xã thị trấn, thu gom rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng và các loại rác thải trên đồng ruộng khác. Từ đó không làm ảnh hưởng, ô nhiễm nguồn nước, không ô nhiễm đất sản xuất,… từ đó nâng cao ý thức của người nông dân, bảo vệ sinh môi trường và đảm bảo sức khỏe.
Việc xây dựng mô hình cánh đồng không rác thải là hoạt động nhằm hiện thực hóa công việc đột phá đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch và bảo vệ môi trường.
Bảo Loan