Huy động nguồn lực tài chính linh hoạt cho công tác bảo tồn và phục hồi thiên nhiên
27/05/2024TN&MTViệt Nam được ghi nhận là một trong những nước có đa dạng sinh học cao trên thế giới với nhiều hệ sinh thái tự nhiên khác nhau, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu. Tuy nhiên, tình trạng săn, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài còn diễn biến phức tạp ở một số địa bàn, địa phương, dẫn tới gia tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái,... Do đó, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học, trong đó, huy động nguồn lực tài chính là giải pháp căn cơ và ưu tiên hàng đầu.
Nhiều khó khăn cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học
Nhiều thập kỷ qua, đa dạng sinh học (ĐDSH) của Việt Nam đã bị khai thác và sử dụng quá mức. Các hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất thiếu quy hoạch, săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái phép đã khiến diện tích tự nhiên trên cạn, vùng ngập nước và vùng biển bị thu hẹp. Cũng vì các tác động đó, nhiều loài động thực vật đã suy giảm nghiêm trọng, một số loài dã tuyệt chủng và sắp tuyệt chủng trong tương lai gần.
Chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực nhằm hạn chế suy thoái và bảo tồn các hệ sinh thái, loài và vùng cảnh quan có giá trị thông qua ban hành chính sách, chiến lược và quy định về quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ rừng, BĐKH và giá trị đa dang sinh học (ĐDSH). Tuy nhiên, suy thoái ĐDSH vẫn đang là một thách thức rất lớn, đòi hỏi sự chung tay giải quyết của cả xã hội bao gồm nhà nước, các tổ chức xã hội dân sự, cộng, các doanh nghiệp và hỗ trợ quốc tế. Do đó, để có được nguồn lực cần thiết cho quản lý, bảo tồn hiệu quả các giá trị ĐDSH sẽ cần có một chiến lược cụ thể về cách huy động các nguồn lực cần thiết để thực hiện và duy trì các hoạt động bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái, loài đã bị suy thoái một cách kịp thời và hiệu quả nhất.
Đầu tư cho bảo tồn ĐDSH và đặc biệt là phục hồi các hệ sinh thái, phục hồi các loài nguy cấp cần nguồn lực lớn và thời gian. Mặc dù, cần đầu tư lớn và lâu dài, xong các kết quả thường khó có thể đo tính được một các cụ thể, rõ ràng trong ngắn hạn, chính vì thế, đối với các nước nghèo, nước đang phát triển thì các chi phí đó khó có thể được ưu tiên do nguồn lực đang được dành cho các hoạt động khác như hạ tầng, y tế, giáo dục, phát triển nông thôn,… Thực tế, điều 73 Luật ĐDSH và Nghị định số 160/201/NĐ-CP quy định NSNN sẽ chi cho hoạt động bảo tồn loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ cũng như công tác điều tra, quan trắc, xây dựng cơ sở bảo tồn. Song thực tế các đầu tư này hiện tại vẫn chưa được thực hiện, nguồn chi từ nhà nước cho ĐDSH hiện còn rất ít, thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu thực tiễn. Thực tế nguồn đầu tư công cho các hoạt động bảo tồn loài hiện nay là rất ít, các hoạt động đã, đang triển khai chủ yếu từ nguồn hỗ trợ quốc tế thông qua các dự án ODA hoặc các hoạt động do các tổ chức bảo tồn thực hiện. Bên cạnh các khó khăn về vốn, các chương trình ưu tiên cho ĐDSH và bảo tồn loài thì việc thiếu các định mức kinh tế, kỹ thuật cho công tác bảo tồn cũng là một cản trở lớn cho các nỗ lực đầu tư, chi cho các ĐDSH, đặc biệt là bảo tồn loài. Hiện tại thiếu các hướng dẫn và định mức cho công tác bảo tồn ĐDSH, đặc biệt các định mức cho điều tra, quan trắc, các hoạt động cứu hộ, tái thả, phục hồi, nuôi, trồng bảo tồn. Thêm vào đó, hiện nay, Việt Nam cũng thiếu một chiến lược, hay kế hoạch huy động nguồn lực cho ĐDSH, do đó, chưa có cách tiếp cận và các hành động chuẩn bị một cách bài bản để tiếp cận được các nguồn lực cần thiết từ cả ngân sách, các nguồn hỗ trợ trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, thiếu nguồn tài chính bền vững cho bảo tồn loài hoang dã. Thực tế, nguồn tài chính cho quản lý và bảo tồn loài hoang dã nguy cấp quý hiếm phụ thuộc phần lớn vào tài trợ quốc tế, NSNN chỉ mới chi cho các hoạt động nghiên cứu cơ bản, không thường xuyên và ở quy mô nhỏ. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của dự án BIOFIN, việc chi cho ĐDSH luôn dưới 1% tổng NSNN. Do vậy, nguồn tài chính cho công tác bảo tồn luôn thiếu và sử dụng không hiệu quả và thiếu chiến lược đầu tư và huy động rõ ràng. Đối với Bộ NN&PTNT và UBND các cấp không được bổ sung nguồn kinh phí cho thực hiện nhiệm vụ của Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES), do vậy, kinh phí hoạt động cho việc thực hiện công ước là gần như không có. Tương tự như CITES, việc thực hiện các Công ước khác về ĐDSH như CBD, Ramsar cùng trong bối cảnh tương tự, không có nhân sự chuyên trách và không có nguồn riêng cho hoạt động liên quan đến các công ước. Hiện chưa có quy định về quỹ, hay dòng ngân sách cho ĐDSH nói chung và loài hoang dã nguy cấp quý hiếm nói riêng. Điều 73, Luật ĐDSH năm 2008 và Điều 17, Nghị định số 160/2013/NĐ-CP quy định về các nguồn tài chính cho bảo tồn và phát triển loài thuộc Danh mục loài ưu tiên bảo vệ, nhưng không đề cập đến việc thành lập các quỹ như Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng theo Luật Lâm nghiệp, Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi theo Luật Thủy sản do vậy, hiện vẫn chưa có các dòng ngân sách hay một quỹ nào để hoạt động riêng cho ĐDSH.
Việc thiếu, hạn chế về nguồn lực, tài chính dẫn đến hoạt động bảo tồn ĐDSH và đặc biệt là các hoạt động bảo tồn loài gặp rất nhiều khó khăn, do vậy, các hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ. Nhiều dự án bảo tồn loài thực hiện dang dở, không liên tục hoặc không có chiến lược rõ ràng do không đủ kinh phí. Cũng do thiếu các dòng ngân sách chính thống cho ĐDSH nên cơ sở vật chất, hạ tầng các khu bảo tồn, khu cứu hộ bị xuống cấp, một số loài ngoại lai xâm hại phát triển quá mức mà không được xử lý triệt để gây nguy hại cho loài bản địa và làm thay đổi hay suy thoái các hệ sinh thái.
Cần các cơ chế tài chính linh loạt cho công tác bảo tồn
Hiện nay, công tác quản lý và bảo tồn ĐDSH chỉ quy định nguồn ngân sách là chính, chưa có định hướng hay các chính sách xã hội hóa công tác đầu tư cho đa dạng sinh học và bảo tồn loài để huy động nguồn lực từ các nguồn khác. Thêm và đó là thiếu các chính sách khuyến khích, huy động nguồn tài chính từ các quỹ, các định chế tài chính và tổ chức để hỗ trợ công tác bảo tồn ĐDSH do đó, chưa thu hút và khuyến khích được các nguồn hỗ trợ cho bảo tồn để bù đắp phần thiếu hụt từ ngân sách.
Ngân sách nhà nước là nguồn tài chính quan trọng nhất cho ĐDSH ở Việt Nam nhưng còn thấp, chưa đủ để thực hiện các công tác quản lý, nghiên cứu, bảo tồn ở mức độ cơ bản nhất. Thêm vào đó, chi tiêu cho ĐDSH không thể lập và có được một cách chính thống mà thường được ẩn hay lồng ghép trong các mục tiêu khác. Quan trọng nhất là chi tiêu cho ĐDSH không có mục ngân sách riêng và cũng không được xem xét trong chương trình đầu tư của Chính phủ. Do đó, thiếu hụt tài chính cho ĐDSH sẽ là khó khăn cả cho giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Với cách phân bổ ngân sách như hiện tại sẽ không đủ để đạt được các mục tiêu đã nêu ra trong Chiến lược ĐDSH của Việt Nam. Nếu các nguồn lực tài chính không tăng từ ngân sách hoặc thông qua các cơ chế tài chính mới để thu hút được các hỗ trợ, đầu tư từ các nhà tài trợ, các quỹ, các doanh nghiệp và đóng góp tư nhân thì công tác bảo tồn ĐDSH khó mà thực hiện được hiệu quả.
Theo PGS. TS. Phạm Quang Thao - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, để giải quyết các thách thức này đòi hỏi rất nhiều nguồn lực khác nhau bên cạnh nguồn ngân sách từ Chính phủ. Xã hội hóa và huy động các nguồn lực bên ngoài có thể đóng góp vào các giải pháp môi trường. Bên cạnh đó, sự tham gia đóng góp của xã hội cũng giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng của các vấn đề môi trường và thúc đẩy họ hành động. Chính vì vậy, chủ trương xã hội hóa đã được thể hiện trong nhiều chủ trương, chính sách khác nhau về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên của Đảng và Nhà nước.
TS. Nguyễn Mạnh Hà, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) kiến nghị, đầu tư cho ĐDSH cần mang tính lâu dài và cần chiến lược dài hơi có tính linh hoạt cao tạo cơ hội cho tất cả các bên tham gia đóng góp, đầu tư. Việt Nam cần tận dụng tối đa các nguồn tài trợ, hỗ trợ quốc tế; tạo cơ chế khuyến khích, huy động sự tham gia của người dân Việt Nam và khối doanh nghiệp đầu tư tài chính cho bảo tồn ĐDSH thông qua các mô hình hợp tác công-tư trong quản lý, bảo tồn ĐDSH. Bên cạnh đó, cần các cơ chế mới có thể là các hình thức chi trả dịch vụ hệ sinh thái ngoài hệ sinh thái rừng, chính sách khuyến khích đóng góp phần phụ trội thuế của cá nhân và doanh nghiệp cho ĐDSH, các cơ chế chứng chỉ, tín chỉ ĐDSH, tiếp cận thị trường tín chỉ carbon, trái phiếu xanh, tín dụng xanh và thiết lập các quỹ về ĐDSH,... để giúp bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH về lâu dài.
MẠNH HÙNG
Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 8 năm 2024