Hành động nhỏ, giá trị lớn để bảo tồn đa dạng sinh học của Trái Đất trước khi quá muộn?
22/05/2024TN&MTNgày 22/5 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày quốc tế Đa dạng sinh học với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về đa dạng sinh học. Đây là dịp để phản ánh trách nhiệm của chúng ta trong việc sử dụng tài nguyên tiết kiệm, bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn trái đất cho các thế hệ tương lai.
Theo các nghiên cứu từ Liên hợp quốc, con người phải giữ cho nhiệt độ của hành tinh tăng không quá 1,5 độ C. Chúng ta đang gây áp lực lên hành tinh từ việc ăn uống, mua sắm, sử dụng điện năng hay di chuyển bằng đường hàng không. Các chuyên gia đồng ý rằng, mỗi người có thể giúp đỡ Mẹ Trái Đất bằng cách giảm mức thải cacbon xuống còn 2 tấn/người/năm. Hiện tại, mức bình quân toàn cầu là 4 tấn/người/năm. Sau đây là một số cách giúp bạn cắt giảm lượng cacbon thải ra.
Để tồn tại và phát triển, loài người luôn dựa trên hai nguồn năng lượng chính mà thiên nhiên phải mất hàng triệu năm để hình thành. Đó là năng lượng hóa thạch là nguồn tài nguyên không tái tạo, vì vậy phải sử dụng hợp lý và tiết kiệm và ĐDSH là nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo, nhưng không phải là vô hạn, nên cần phải được sử dụng hợp lý.
Nên đi lại bằng tàu hỏa, tàu thủy, xe điện
Hiện nay, con người tham gia giao thông đường dài và đi lại chủ yếu bằng máy bay. Việc tham gia giao thông bằng máy bay rất nhanh, tiện. Tuy nhiên, chúng ta hiểu rằng máy bay có thể thải ra lượng cacbon nhiều hơn mỗi cá nhân tạo ra trong 1 năm. Ví dụ, chuyến bay từ London đến New York thải hết 985 kg CO2 - nhiều hơn mức thải trung bình năm của mỗi công dân ở 56 quốc gia.
Thay thế cho máy bay, chúng ta có thể đi lại bằng tàu hỏa, tàu thủy, các loại xe điện… Còn trong việc di chuyển hàng ngày, nên cân nhắc đi bộ, xe đạp, dùng phương tiện công cộng thay vì lái xe. Đặc biệt, chúng ta hãy cố gắng giữ gìn vệ sinh tại chính nơi mình đang sinh sống, phân loại rác và bỏ rác đúng nơi quy định và tham gia phong trào trồng cây xanh và xây dựng các công trình bền vững, thân thiện với môi trường. Không săn bắt thú rừng, động vật hoang dã.
Nên cắt giảm tiêu thụ thịt đỏ xuống còn 50%
Chúng ta nên ăn thức ăn địa phương, ưu tiên thực vật (hạt, rau xanh, hoa quả..) hơn các loại thịt. Một nghiên cứu trên tạp chí y khoa The Lancet đã kêu gọi những thay đổi lớn trong sản xuất thức ăn và chế độ ăn uống của mọi người. Nghiên cứu nói rằng, để bảo vệ Trái Đất khỏi các thảm họa thiên nhiên, chúng ta nên cắt giảm tiêu thụ thịt đỏ xuống còn 50%, thay vào đó là ăn các loại hạt, đậu, trái cây và rau.
Các chuyên gia khuyên hãy thử chế độ “flexitarian diet” - một người ăn chay “linh hoạt”. Theo đó, bạn ăn hầu hết thức ăn có nguồn gốc thực vật, không kiêng thịt nhưng nhớ đánh giá xem chúng là loại thịt gì và có nguồn gốc từ đâu. Chẳng hạn như thịt bò được xem là có hại hàng đầu cho môi trường. Đó là do động vật ăn cỏ như bò, thông qua nhai đi nhai lại thức ăn, đã thải ra lượng khí methane lớn, có hại gấp 20 lần khí cacbon.
Ngoài ra hãy dùng thực phẩm địa phương, thức ăn theo mùa, có gì ăn nấy. Bởi vì việc vận chuyển một hộp việt quất nhỏ cũng có thể tạo hàng kg CO2.
Sử dụng điều hòa đúng cách, tiết kiệm điện mọi nơi, mọi lúc
Một số biện pháp đơn giản mà chúng ta nên làm như rút phích điện sau khi sử dụng, thay thế bóng đèn sợi đốt bằng đèn LED giúp tối ưu điện năng, chọn mua những sản phẩm ít đóng gói.
Chuyện sử dụng máy điều hòa cũng rất đáng lưu ý. Khoảng 20% điện năng tiêu thụ trong các tòa nhà là do máy điều hòa gây ra. Chúng còn sử dụng môi chất lạnh hydrofluorocarbon góp phần gia tăng biến đổi khí hậu.
Chúng ta, trong mỗi gia đình, trước khi bước ra khỏi nhà, cần rút hết các ổ cắm điện và các thiết bị điện không cần thiết để đảm bảo an toàn nói chúng và áp lực trong việc tiêu tốn điện năng.
Trái Đất nóng dần lên khiến con người thường xuyên sử dụng máy điều hòa, thế nhưng nó lại càng khiến cho khí hậu trở nên khó lường và oi bức hơn. Đó là một vòng luẩn quẩn mà ta nên tránh.
Sử dụng quấn áo, thời trang, phụ kiện đúng cách
Giới trẻ hiện nay đang sử dụng thời trang rất hoang phí, thay nhiều kiểu mốt. Thời trang nhanh đã trở thành một phần trong lối sống của chúng ta, thế nhưng ngành công nghiệp này thải ra tới 1,2 tỷ tấn CO2 mỗi năm, nhiều hơn cả vận tải hàng không và đường thủy cộng lại.
Việc ăn mặc thời trang, chạy theo mốt thời thượng đã gây áp lực rất lớn cho môi trường, tác động rất lớn đến biến đổi khí hậu, trôi dạt ra sông, ra biển gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến môi trường sống của sinh vật dưới dại dương và các loại thủy sản ở sông ngòi, ao hồ.
Ngành thời trang nhanh còn tiêu tốn hết 79 tỷ m3 nước sạch để sản xuất mỗi năm. Môi trường biển cũng bị ảnh hưởng bởi ngành công nghiệp tỷ USD này, với 35% hạt vi nhựa được tìm thấy trong đại dương là đến từ các bộ phận trang phục.
Các nghiên cứu cho thấy, nếu mỗi người tăng vòng đời của quần áo từ trung bình 3 tháng, lên mức 2 năm 5 tháng, thì sẽ giúp cắt giảm đến 5-10% lượng cacbon cũng như giảm thiểu lượng rác bị tống ra ngoài môi trường.
Xuân Thành