Hài hòa khai thác giá trị và bảo vệ môi trường bãi nổi sông Hồng
19/05/2024TN&MTSông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội có tới 13 bãi nổi khác nhau, nhưng có tiềm năng khai thác nhất là bãi nổi tại khu vực nội thành, nằm trên địa bàn bốn quận: Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên (còn gọi là bãi giữa sông Hồng). Được định hướng phát triển thành công viên văn hóa đa chức năng, song đây hiện đang là “khu bảo tồn thiên nhiên” trong lòng đô thị. Do đó, việc khai thác giá trị của bãi nổi này cần chú ý đến yếu tố thiên nhiên, môi trường.
Khám phá môi trường tự nhiên tại bãi nổi sông Hồng là thú vui được nhiều người ưa thích
Bốn quận: Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên vừa phát động cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng”.
Đây là bước cụ thể hóa việc khai thác các giá trị của bãi nổi sông Hồng theo Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được thành phố thông qua vào năm 2022. Mục đích chính của cuộc thi là lựa chọn được ý tưởng, giải pháp tốt từ cuộc thi để cụ thể hóa vào trong các đồ án quy hoạch chi tiết khu vực bãi sông mà các quận sẽ triển khai thời gian tới.
Theo các nhà khoa học, sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội có nhiều bãi bồi lớn, trong đó, đáng chú ý nhất là bãi nổi tại khu vực nội thành. Diện tích của bãi nổi lên tới 329 ha.
Thực tế hiện nay, phần lớn diện tích bãi nổi được sử dụng canh tác nông nghiệp và để hoang. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, trong khu vực trung tâm thành phố, quận Hoàn Kiếm là khu vực đô thị nén có quỹ đất hẹp, mật độ dân cư cao.
Trên địa bàn quận đang thiếu các không gian công cộng, nhất là không gian văn hóa đáp ứng nhu cầu vui chơi và thể thao, triển lãm nghệ thuật của người dân. Do vậy, việc phát triển khu vực đất bãi ngoài đê sông Hồng là cơ hội lớn để quận thực hiện tái thiết đô thị và phát triển không gian văn hóa sáng tạo, tiến tới hình thành trung tâm sáng tạo của Thủ đô.
Việc khai thác giá trị của bãi nổi sông Hồng được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia, nhất là khi hướng tiếp cận là phát triển thành công viên văn hóa với giá trị về cảnh quan thiên nhiên, mặt nước, cây xanh và động, thực vật hiện có.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm đánh giá: “Từ nhiều năm trước, Hà Nội đã có ý tưởng khai thác, phát triển bãi nổi, nhưng vì nhiều hạn chế khác nhau đã không thể triển khai. Thành phố đang ở giai đoạn phát triển mới, không chỉ tập trung xây dựng Thủ đô hiện đại, mà còn chú trọng yếu tố văn hiến, văn minh, đặc biệt là nâng cao chất lượng sống của người dân. Cuộc thi này rất cần các giải pháp mới, có tính đột phá để giải quyết được vấn đề quy hoạch, phát triển khu vực bãi giữa sông Hồng, tạo điều kiện nâng cao chất lượng sống của nhân dân”.
Tuy nhiên, việc khai thác giá trị của bãi nổi sông Hồng như thế nào là vấn đề đang đặt ra. Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà (Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển) cho biết, việc “bỏ hoang” bãi nổi sông Hồng vô tình đã khiến đây trở thành một khu bảo tồn thiên nhiên.
Tại đây có 209 loài thực vật bậc cao. Các bãi nổi tại khu vực sông Hồng, trong đó có bãi giữa sông Hồng có vai trò rất quan trọng với các loài chim di cư. Đây chính là trung tâm của tuyến di cư Đông Á-châu Úc của nhiều loài chim. Khảo sát từ giai đoạn 2021 đến 2024, các nhà khoa học ghi nhận có 232 loài chim thường xuyên đến sinh sống tại bãi giữa sông Hồng, trong đó có những loài đặc hữu.
Hiện nay, do canh tác nông nghiệp và phát triển dịch vụ, diện tích hoàn toàn tự nhiên của bãi giữa sông Hồng chỉ còn khoảng 173 ha. Nếu phát triển quá mạnh các hoạt động vui chơi, giải trí, thương mại, thì môi trường tự nhiên của hàng trăm loài động, thực vật sẽ bị đe dọa. Do đó, nhiều chuyên gia đề xuất phải ưu tiên bảo tồn sinh thái và đa dạng sinh học khu vực bãi giữa.
Mặc dù “đề bài” của cuộc thi là tìm kiếm ý tưởng phát triển công viên văn hóa, nhưng theo nhiều chuyên gia, thay vì “công viên hóa” toàn bộ không gian bãi nổi, cần quy hoạch các khu vực chức năng một cách hợp lý để việc phát triển không làm tổn hại quá lớn đến tự nhiên.
Kiến trúc sư Emmanuel Cerise (Giám đốc Cơ quan Hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam, Cộng hòa Pháp) đề xuất, Hà Nội có thể quy hoạch bãi giữa sông Hồng hướng đến một không gian sinh thái có quy mô lớn trong thành phố giống một số khu rừng ven đô Paris; trong đó chủ yếu duy trì các dạng tồn tại thiên nhiên hoang dã dành cho hoạt động trải nghiệm, dã ngoại khác với công viên thông thường. Thành phố không nên đi theo hướng công viên nội đô mà cải tạo thành “khu rừng đô thị”.
Dự kiến, Ban tổ chức cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng” sẽ chấm, chọn những phương án quy hoạch khả thi nhất, kết hợp với những góp ý của các chuyên gia để từ đó lựa chọn phương án hợp lý nhất trong khai thác giá trị bãi giữa sông Hồng, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo nhandan.vn