Giải cứu đồi mồi quý hiếm tại Vườn Quốc gia Côn Đảo
16/05/2024TN&MTChiều 15/5, đại diện Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận thông tin hai vị khách người Hà Lan đã phát hiện, giải cứu một cá thể đồi mồi bị mắc kẹt trong lưới đánh cá và thả về với biển.
Cụ thể, trên đường tới Vịnh Đầm Tre (thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu) bằng đường rừng, khi đi qua Bãi Vông, hai khách du lịch đến từ Hà Lan là Kim và Jos đã phát hiện trong một tấm lưới đánh bắt cá trên bãi biển có sự cử động. Khi đến gần, Jos phát hiện một cá thể đồi mồi đang bị mắc kẹt trong đám lưới.
Phát hiện đầu tiên được chị Kim chụp lại
Ngay lập tức, Jos đã gỡ lưới, giải cứu và thả đồi mồi về với biển. Người bạn đồng hành của anh Jos là chị Kim đã ghi lại sự việc này bằng cách quay clip và chụp ảnh để báo cáo với lực lượng Kiểm lâm.
Anh Lê Bá Thành - Trạm Kiểm lâm Đầm Tre (thuộc Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo) tiếp nhận thông tin từ hai vị khách trên. Qua kiểm tra, anh Thành nhận định, đây là một cá thể đồi mồi biển có tên tiếng Anh là Eretmochelys imbricata, trọng lượng khoảng 8kg, là một trong năm loài rùa biển quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam.
Jos thực hiện gỡ lưới, giải cứu đồi mồi
Jos thực hiện gỡ lưới, giải cứu đồi mồi
Anh Thành cho biết thêm: "Qua video và hình ảnh được cung cấp, cá thể đồi mồi được về với biển trong tình trạng sức khỏe tốt. Cũng rất may mà Kim và Jos kịp thời phát hiện và giải cứu sớm. Hai vị khách cũng bày tỏ sự vui mừng khi làm được việc làm ý nghĩa như thế này".
Cá thể đồi mồi trở về biển trong tình trạng sức khỏe tốt
Trao đổi về sự việc trên, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo Nguyễn Khắc Pho cho biết: “Thủ phạm gây ra những cản trở trong việc bảo tồn các loài động thủy, hải sản nói chung và rùa biển nói riêng chính là hành vi vứt, xả rác bừa bãi xuống biển của ngư dân trong quá trình đánh bắt thủy, hải sản trên biển. Những năm qua, vấn nạn rác thải đại dương, đa phần là ngư cụ, dụng cụ hành nghề từ các thuyền đánh cá đang trở thành gánh nặng cho công tác bảo tồn tại Côn Đảo, uy hiếp trực tiếp đến các loài sinh vật. Không ít trường hợp rùa, cá và các rạn san hô đang bị lưới đánh cá, ngư cụ tấn công. Qua sự việc này, thêm một lần nữa khẳng định sự cần thiết phải chấp hành nghiêm việc quản lý, xử lý rác thải nhựa đại dương, cụ thể là quy định và quản lý, giám sát thực hiện quy định việc ngư dân mang rác thải nhựa về bờ”.
Được biết, Côn Đảo là vùng bảo tồn rùa biển quan trọng của Việt Nam, khu vực và toàn cầu. Theo Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo Nguyễn Văn Ngà, hiện đang là mùa cao điểm rùa về Côn Đảo làm tổ, đẻ trứng. Thực hiện nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học rừng, biển, bảo tồn loài và cứu hộ rùa, nhiều năm qua, cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Côn Đảo không chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn mà còn thường xuyên tổ chức các chương trình truyền thông tuyên truyền cho người dân, du khách về ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; tổ chức các hoạt động làm sạch môi trường biển với sự tham gia của đông đảo du khách; trực tiếp lặn nghiên cứu kết hợp dọn rác, làm sạch biển... Tuy nhiên, với hành vi xả rác bừa bãi trên biển, nhất là rác thải nhựa và ngư cụ, dụng cụ hành nghề từ các thuyền đánh bắt cá, việc vệ sinh, thu gom rác thải thực sự khó khăn, quá sức.
Thực trạng trên thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo trước nguy cơ rác thải nhựa đại dương. Theo Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo Nguyễn Khắc Pho, rác thải đại dương không chỉ đe dọa sự sống của các loài mà còn xâm phạm đến môi trường và sinh kế của chính ngư dân. Vì vậy, hơn ai hết, ngư dân phải là những người tích cực thay đổi hành vi xả rác xuống biển. “Việc này không chỉ vì các loài sinh vật mà cho cả không gian sống của chúng ta" - Giám đốc Nguyễn Khắc Pho khẳng định.
Theo baotainguyenmoitruong.vn