Đất đai chưa sử dụng, lãng phí hoặc sai mục đích xảy ra ở hầu hết địa phương
07/05/2022TN&MTĐoàn giám sát tối cao của Quốc hội nhận định, số lượng, diện tích đất đai chưa sử dụng, để lãng phí, hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích còn diễn ra ở hầu hết các địa phương; chậm thu hồi dự án không triển khai thực hiện.
Việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đai không hiệu quả gây lãng phí nguồn lực lớn của xã hội
Một trong những nội dung rất quan trọng đang được xem xét, thảo luận tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII là tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đồng thời với việc khẳng định những chuyển biến tích cực và những kết quả nổi bật đã đạt được trong gần 10 năm qua, cũng cần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân.
Trong đó tập trung làm rõ: Vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội? Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng? Vì sao số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp? Đâu là do việc tổ chức thực hiện yếu kém của các cơ quan quản lý nhà nước; do nhận thức chưa đầy đủ và ý thức chấp hành luật pháp chưa nghiêm?...
Liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong tháng 3 vừa qua, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội đã có Báo cáo kết quả bước đầu giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, trong đó chỉ rõ nhiều vấn đề rất đáng quan tâm.
Vi phạm về đất đai còn diễn ra nhiều nơi
Thứ nhất, việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đai kém hiệu quả, nhưng chưa được khắc phục; tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai còn diễn ra ở nhiều nơi. Số lượng, diện tích đất đai chưa sử dụng, để lãng phí, hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích còn diễn ra ở hầu hết các địa phương. Việc thu hồi các dự án không triển khai thực hiện, chậm tiến độ…
Theo số liệu tổng hợp sơ bộ của Bộ Tài chính, giai đoạn 2016-2021 vẫn còn hơn 650 triệu m2 đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, có vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, số tiền xử phạt vi phạm thu được lại rất nhỏ khi cả giai đoạn chỉ có hơn 242 tỷ đồng.
Tình hình thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai của cả nước từ khi ban hành Luật đất đai năm 2013 đến nay vẫn còn lớn. Tính từ 2018 đến nay đã thu hồi hoặc hủy bỏ 336/575 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng với tổng diện tích hơn 99 nghìn ha; 22 tỉnh, thành phố có dự án thu hồi hoặc hủy bỏ.
Ngoài ra các địa phương đã triển khai thu hồi quỹ đất đã giao, cho doanh nghiệp thuê nhưng bị giải thể, phá sản, không được gia hạn, do ô nhiễm môi trường cần di dời, chấm dứt hoạt động đầu tư, do thiên tai, người sử dụng tự nguyện trả lại để hạn chế về thất thoát, lãng phí đất đai với tổng diện tích hàng chục nghìn hécta.
Việc quản lý, khai thác, sử dụng đất nông, lâm trường còn nhiều hạn chế; phương án quản lý, sử dụng, đo vẽ, kiểm đếm để lập hồ sơ quản lý, khai thác, sử dụng đất nông, lâm trường triển khai rất chậm,…
“Việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đai không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực lớn của xã hội” – Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội đánh giá, đồng thời đề nghị bộ ngành, địa phương báo cáo rõ tổng diện tích đất từng loại không sử dụng, để hoang hóa; số dự án “treo”; dự án không triển khai do vướng mắc… “chỉ rõ địa chỉ” và nguyên nhân, giải pháp xử lý để hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội.
Thẩm tra sơ bộ báo cáo, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, công tác quy hoạch đất đai còn chậm; tình trạng buông lỏng quản lý ở một số địa phương để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai như lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép… chưa được kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó là vi phạm trong việc xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Lãng phí trong đầu tư, quản lý, sử dụng các dự án ký túc xá sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư. Việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh còn chậm, chưa hiệu quả.
Từ thực tế trên, cơ quan thẩm tra đề nghị tăng cường các giải pháp phòng ngừa, bổ sung các biện pháp, chế tài xử lý nghiêm đối với hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý sử dụng đất đai.
Theo vov.vn