Đảo ngược xu hướng để bảo vệ đa dạng sinh học cho thế hệ mai sau
21/05/2024TN&MTĐể đảo ngược sự mất mát của đa dạng sinh học, vai trò của chính quyền, cộng đồng, các tổ chức, cá nhân là vô cùng quan trọng. Những nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học tuy thầm lặng nhưng kiên trì, bền bỉ, dù khó khăn, vất vả để gìn giữ các giá trị vô cùng đặc biệt của đa dạng sinh học cho thế hệ mai sau.
Mối nguy gây ra suy giảm đa dạng sinh học
Đa dạng sinh học đang đứng trước bờ vực của đe dọa
Đa dạng sinh học ở Việt Nam có ý nghĩa to lớn trong đời sống tự nhiên và con người, cung cấp khoảng 80% lượng thủy sản khai thác từ vùng biển ven bờ và đáp ứng gần 40% lượng protein cho người dân. Nghề thủy sản đem lại nguồn thu nhập chính cho khoảng 8 triệu người và một phần thu nhập cho khoảng 12 triệu người. Khoảng 70% tăng trưởng du lịch là từ các vùng duyên hải có các hệ sinh thái tự nhiên giàu đa dạng sinh học.
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, những dải rừng ngập mặn ven biển Việt Nam góp phần giảm ít nhất 20-50% thiệt hại do bão, nước biển dâng và sóng thần gây ra. Đặc biệt, hệ thống rừng ngập mặn trồng ven đê còn đóng vai trò là tấm lá chắn xanh, giảm 20-70% năng lượng của sóng biển, đảm bảo an toàn cho các con đê biển, giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho việc duy tu, sửa chữa đê biển,... Bảo tồn đa dạng sinh học đã được Đảng và Nhà nước được coi là một trong những giải pháp để thực hiện phát triển bền vững đất nước.
Ngày càng có nhiều loài đang bị đe dọa tuyệt chủng. Sự biến mất của chúng sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ sinh học trong môi trường tự nhiên, bao gồm cả con người. Ảnh: Internet
Tuy nhiên, đa dạng sinh học ở nước ta đang đứng trước bờ vực của đe dọa. Theo Báo cáo “Đánh giá đa dạng sinh học tại Việt Nam” được Tổ chức WWF công bố năm 2021 cho thấy, hiện, có khoảng 21% các loài thú, 6,5% các loài chim, 19% các loài bò sát, 24% các loài lưỡng cư, 38% các loài cá và 2,5% các loài thực vật có mạch đã bị đe dọa. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, các khu vực có rừng là sinh cảnh bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 10.500km2 diện tích đất rừng đã bị mất, chủ yếu do chuyển đổi thành đất rừng trồng và đất trồng cây ăn quả. Khoảng 2,8 triệu ha rừng tự nhiên cũng đã bị mất do chuyển đổi sang phát triển các loài cây trồng thương mại khác.
Theo Tổ chức WWF, việc giảm giá trị của hệ sinh thái tự nhiên ảnh hưởng rất nhiều đến các chuỗi cung ứng thực phẩm, năng lượng, cơ sở hạ tầng, vận tải, hậu cần cũng như cuộc sống của người dân. Cùng với đó, sự đa dạng về thành phần loài, quần thể loài cũng suy giảm.
Các nguyên nhân gây ra suy giảm đa dạng sinh học chủ yếu do gia tăng dân số và áp lực của việc chuyển đổi sử dụng đất; khai thác tài nguyên thiên nhiên kém bền vững; tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như ô nhiễm môi trường. Nhìn từ công tác quản lý, hệ thống chính sách, pháp luật còn phân tán, thiếu đồng bộ, tính hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Nhận thức và ý thức của các cấp, các ngành, người dân về bảo tồn đa dạng sinh học còn hạn chế...
Đáng lo ngại, tình trạng chặt phá rừng vì mục đích thương mại, phá rừng do du canh là một trong những đe dọa trực tiếp làm mất rừng hoặc suy thoái rừng. Trong khi đó, việc giảm diện tích rừng đầu nguồn do các dự án thủy điện, phát triển giao thông và do các nguyên nhân khác đã và đang gây ra những ảnh hưởng xấu đến môi trường, trong đó có các tác động làm giảm lớp phủ thực vật, phân mảng môi trường sống hoang dã của nhiều loài sinh vật nguy cấp, làm suy giảm nguồn sinh thủy trên các lưu vực sông.
Hiện nay, việc cải tạo từng phần các bãi triều bằng cách trồng rừng ngập mặn tại vùng cửa sông đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nơi trú ngụ và kiếm ăn ưa thích của nhiều loài chim di cư nguy cấp toàn cầu như loài cò thìa (platalea minor) và các loài chim di cư nguy cấp khác. Nhiều khu rừng ngập mặn, đầm phá, bãi triều ven biển đã bị cải tạo nhanh chóng với quy mô lớn thành các đầm nuôi tôm, bãi ngao và các hệ hải sản khác đã khiến các khu rừng ngập mặn nguyên sinh gần như biến mất tại nhiều địa phương. Hàng nghìn héc-ta rạn san hô, thảm cỏ biển ở Việt Nam đã mất đi do bị khai thác hoặc do nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè trên mặt biển gây ô nhiễm nguồn nước.
Mặt khác, tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học ở mọi cấp độ, nhất là việc mở rộng thâm canh nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật với nhiều nguồn gốc khác nhau được sử dụng ngày càng phổ biến, thiếu kiểm soát đã góp phần làm suy thoái các quần thể chim và côn trùng ở các vùng nông thôn và ngoại ô thành phố.
Ngoài ra, nước ta là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Do đó, các hệ sinh thái vốn đã bị chia cắt chắc chắn sẽ phản ứng kém hơn đối với những biến đổi này và có thể không tránh khỏi sự mất mát với tốc độ rất cao. Nhiều loài động, thực vật hoang dã sẽ phải chịu áp lực ngày càng lớn do phải thay đổi nơi cư trú, nguồn thức ăn bị thay đổi và thiên tai như lũ lụt, hạn hán và mưa bão sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Một số loài thực vật và động vật có xương sống có thể sẽ tuyệt chủng trong thế kỷ tới do tác động của biến đổi khí hậu gây ra.
Mất cân bằng trong đa dạng sinh học, tiêu tan nhiều hy vọng về y học
Kết quả nghiên cứu mới nhất của Đại học Notre Dame (Mỹ) đăng trên tạp chí Nature cho thấy, mất đa dạng sinh học là nguyên nhân lớn nhất gây ra các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm, khiến dịch bệnh trở nên nguy hiểm và lan rộng hơn. Vì vậy, việc giảm khí thải và ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học và các loài xâm lấn, có thể giúp kiểm soát bệnh tật cho con người.
Mất đa dạng sinh học, con người phát sinh nhiều bệnh tật, nguồn thuốc tự nhiên bị suy kiệt. Ảnh: Internet
Các chuyên gia đã phân tích gần 1.000 nghiên cứu về nguyên nhân môi trường toàn cầu gây ra bệnh truyền nhiễm, bao gồm tất cả các châu lục ngoại trừ Nam Cực. Họ xem xét cả mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ mắc bệnh ở vật chủ là thực vật, động vật và con người. Nhóm tập trung vào 5 tác nhân gồm mất đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, ô nhiễm hóa chất, các loài phi bản địa và mất môi trường sống. Kết quả cho thấy, ngoại trừ mất môi trường sống, 4 nhân tố còn lại đều khiến bệnh lây lan nhanh và các kết quả đều giống nhau đối với bệnh ở người và không phải ở người.
Sự đa dạng sinh học (gồm các loại động thực vật, các loại nấm…) nắm giữ một kho tàng các hóa chất tự nhiên có thể được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh từ sốt rét đến ung thư. Tuy nhiên, sự mất cân bằng này đang đẩy nhiều loài đến chỗ tuyệt chủng từ đó làm tiêu tan nhiều hy vọng về y học.
Theo các chuyên gia, việc tìm kiếm nguồn dược phẩm mới đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Đa dạng sinh học đang biến mất ở mức đáng báo động. Gần 1/3 trong tổng số 150.000 loài được liệt vào sách đỏ cần bảo vệ trước nguy cơ tuyệt chủng.
E.J. Milner-Gulland, Giáo sư chuyên về đa dạng sinh học tại Đại học Oxford ở Anh cho biết: “Hai điều đe dọa tình trạng mất đa dạng sinh học nhiều nhất vào lúc này là khai thác quá mức và chuyển đổi sử dụng đất đai. Đa dạng sinh học là kết cấu duy trì sự sống của chúng ta trên hành tinh và nếu Trái đất không còn thiên nhiên hoang dã, con người rất khó để sống”.
Dự báo đến năm 2050, 70% dân số thế giới sẽ sống ở các thị trấn và thành phố. Cuộc sống đô thị mang lại nhiều tiện ích, nhưng những người dân thành phố trên toàn thế giới đang đang phải chứng kiến sự tăng lên nhanh chóng của các vấn đề sức khỏe như bệnh hen suyễn, viêm ruột... Các nghiên cứu gần đây cho thấy, thực tế này có liên quan đến sự mất đa dạng sinh học và cạn kiện các dạng sống khác nhau trên Trái đất. Tốc độ tuyệt chủng của nhiều loài hiện đang cao hơn hàng nghìn lần so với trong quá khứ. Trong đó, đa dạng vi sinh vật chiếm một phần lớn trong đa dạng sinh học đang bị mất đi.
Nỗ lực để đảo ngược xu hướng
Mặc dù sự gia tăng các hoạt động thân thiện với đa dạng sinh học đang được khuyến khích, nhưng tất cả chúng ta cần phải nỗ lực, chung tay làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học đối với thực phẩm và nông nghiệp.
Theo WWF-Việt Nam: “Cách tiếp cận lâu nay trong bảo tồn đa dạng sinh học vẫn thường tập trung giải quyết các nguyên nhân trực tiếp như tăng cường thực thi pháp luật hay mở rộng các khu vực quản lý bảo vệ,... Tuy nhiên, cách tiếp cận này chưa giải quyết triệt để được vấn đề do tính chất phức tạp và sự liên quan của đa dạng sinh học đến nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội và sức khỏe con người. Vì vậy, giải quyết các nguyên nhân cốt lõi bằng cách lồng ghép đa dạng sinh học trong tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh tế đang được xem là một trong những xu hướng tất yếu. Trong đó, các doanh nghiệp sản xuất được xem là những nhân tố quan trọng đóng góp tích cực vào tiến trình tạo ra sự thay đổi này. Năng lực, nhận thức và sự chủ động của các doanh nghiệp khi tham gia các mô hình cam kết tự nguyện hướng đến sản xuất bền vững sẽ là yếu tố then chốt để góp phần phục hồi đa dạng sinh học của Việt Nam.”
Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng Sinh học: “Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học trong các ngành kinh tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học. Báo cáo “Đánh giá đa dạng sinh học ở Việt Nam – Phân tích tác động từ một số lĩnh vực kinh tế” và các nghiên cứu tiếp theo của Sáng kiến BIODEV2030 tại Việt Nam là một trong những nghiên cứu độc lập cung cấp các thông tin hữu ích để các nhà hoạch định chính sách có bức tranh toàn cảnh về tác động của các ngành kinh tế tới đa dạng sinh học, từ đó góp phần xây dựng các chính sách phù hợp để khuyến khích và phát triển các mô hình sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường, tăng cường thực hiện chủ trương phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và giảm thiểu các tác động tiêu cực tới đa dạng sinh học”.
Hầu hết các quốc gia đã đưa ra các khuôn khổ pháp lý, chính sách và thể chế cho việc sử dụng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học, nhưng những khuôn khổ này thường không đầy đủ.
Báo cáo của Tổ chức WWF kêu gọi các chính phủ và cộng đồng quốc tế làm nhiều hơn nữa để củng cố các khuôn khổ hỗ trợ, tạo ra các biện pháp khuyến khích và chia sẻ lợi ích, thúc đẩy các sáng kiến ủng hộ đa dạng sinh học và giải quyết các nguyên nhân cốt lõi gây mất đa dạng sinh học.
Những nỗ lực lớn hơn cũng phải được thực hiện để cải thiện tình trạng hiểu biết về đa dạng sinh học đối với thực phẩm và nông nghiệp vì vẫn còn nhiều lỗ hổng thông tin, đặc biệt là đối với các loài đa dạng sinh học liên quan. Nhiều loài như vậy chưa bao giờ được xác định và mô tả, đặc biệt là động vật không xương sống và vi sinh vật. Hơn 99% vi khuẩn và các loài sinh vật nguyên sinh và tác động của chúng đối với thực phẩm và nông nghiệp vẫn chưa được biết.
Cần phải cải thiện sự hợp tác giữa các nhà hoạch định chính sách, tổ chức sản xuất, người tiêu dùng, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự trong các lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp và môi trường.
Cơ hội để phát triển thêm thị trường cho các sản phẩm thân thiện với đa dạng sinh học có thể được khám phá nhiều hơn.
Người tiêu dùng có thể lựa chọn các sản phẩm được trồng bền vững, mua từ chợ của nông dân hoặc tẩy chay các loại thực phẩm được coi là không bền vững. Ở một số quốc gia, các nhà khoa học công dân đóng một vai trò quan trọng trong việc giám sát đa dạng sinh học cho lương thực và nông nghiệp.
Cách làm hay ở tỉnh Bình Thuận
Nhằm kiểm soát việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đối với đa dạng sinh học, UBND tỉnh Ninh Thuận đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan có liên quan đánh giá hiện trạng, diễn biến đa dạng sinh học trên địa bàn; xây dựng các giải pháp bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học; bảo vệ diện tích rừng và số loài động thực vật quý hiếm bị đe dọa; tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các vụ vi phạm xâm hại đến các hệ sinh thái tự nhiên.
Các lực lượng chức năng của Bình Thuận thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến nguồn lợi thủy sản, các hành vi săn bắt, buôn bán động vật hoang dã. Ảnh: Internet
Thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, thực thi pháp luật về Luật Đa dạng sinh học; tập trung bảo tồn và phát triển sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên, quan trọng trên địa bàn. Đồng thời, Ninh Thuận đẩy mạnh huy động các nguồn lực triển khai các chương trình, dự án bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học thông qua các hoạt động giao khoán bảo vệ rừng, trồng rừng và chăm sóc rừng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên để tiếp tục nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sống tự nhiên của các loài hoang dã và cảnh quan môi trường nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong giai đoạn 2023 - 2025, Ninh Thuận dành trên 112 tỷ đồng để trồng rừng thay thế với tổng diện tích 1.121 ha, bao gồm 500 ha rừng đặc dụng, 621 ha rừng phòng hộ. Đây là một trong những hoạt động quan trọng được địa phương này triển khai nhằm phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, phát huy chức năng phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái; bảo đảm an ninh nguồn nước, ứng phó chủ động, hiệu quả với biến đổi khí hậu; chống xói mòn, chống sa mạc hóa, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên nhiên, đa dạng sinh học trên địa bàn.
Ninh Thuận triển khai các chương trình hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi để phát triển sinh kế, đào tạo nghề, chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế, kết hợp phát triển chăn nuôi nhằm giúp người dân có thu nhập ổn định để giảm thiểu tác động tiêu cực đến tài nguyên đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, ngành chức năng đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học cho cán bộ, người dân sống trong vùng đệm.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, để phát huy hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học, tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản để giảm thiểu tối đa những tác động, rủi ro của thiên tai và các hoạt động của con người tới tài nguyên đa dạng sinh học, góp phần tích cực vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ninh Thuận tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế, các đơn vị, trường đại học tiếp tục tìm kiếm, phát triển và định hướng những nghiên cứu mới để bổ sung thêm những loài mới cho danh lục khoa học. Tỉnh triển khai các phương thức bảo tồn chuyển chỗ, phát triển hệ thống vườn thực vật, vườn ươm, vườn động vật, khu vực cứu hộ sinh vật biển để bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý hiếm, đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng.
Cùng với nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học, tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch sinh thái như: Du lịch biển, du lịch rừng, du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch giáo dục môi trường và tham quan, nghỉ dưỡng để thu hút du khách, tạo thêm nguồn thu nội lực phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Việc phát triển này tuân theo nguyên tắc không làm thay đổi cảnh quan, không gây tác động xấu đến tài nguyên động, thực vật hoặc làm giảm tính đa dạng sinh học và gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển bền vững đối với bảo tồn nguồn gen, đa dạng sinh học của các khu bảo tồn hai Vườn Quốc gia trên địa bàn.
Trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2050 đưa ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030 gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đoàn Nhật Nam