Chiêm ngưỡng 'báu vật' hơn một thế kỷ ẩn mình ở Đồng Nai
20/05/2024TN&MTKhu rừng cổ thụ ở Đồng Nai được xem là báu vật, không chỉ sở hữu giá trị lịch sử mà còn trở thành điểm đến nghiên cứu khoa học về cây cao su.
Nhắc đến Đồng Nai, người ta biết đến các khu công nghiệp sầm uất. Ít ai biết rằng, vùng đất này còn có một "báu vật" xanh mướt mang tên Vườn cây cao su bảo tồn của ngành cao su Việt Nam hơn 100 năm tuổi.
Vườn cây cao su đầu tiên ở Việt Nam
Nằm ẩn mình giữa thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất sôi động, khu rừng cao su cổ thụ với 118 năm tuổi mang vẻ đẹp độc đáo và bí ẩn, như đưa du khách ngược dòng thời gian trở về quá khứ. Nơi đây sở hữu hàng trăm cây cao su khổng lồ, từng thân cây to lớn, sần sùi, rễ cây bện chặt vào lòng đất, tạo nên một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.
Bước vào khu vườn, trước kích thước khổng lồ của những “cụ” cao su, du khách như được quay ngược thời gian khởi đầu cho ngành công nghiệp cao su Việt Nam.
Nơi đây không khí trong lành, mát mẻ, tiếng chim hót líu lo cùng tiếng lá cây xào xạc tạo nên bản giao hưởng thiên nhiên êm dịu, giúp du khách thư giãn tinh thần và cảm thấy bình yên đến lạ kỳ.
Vườn cây cao su 118 tuổi nhìn từ trên cao thấy xanh mướt
Một số tài liệu ghi chép lại, vườn cây cổ thụ này được trồng vào năm 1906 với tên gọi đồn điền Suzannah. Trải qua hơn 100 năm thăng trầm lịch sử, những “cụ” cao su vẫn hiên ngang sừng sững, tượng trưng cho sức sống mãnh liệt và sự trường tồn theo thời gian.
Khu vườn bảo tồn của ngành cao su Việt Nam này rộng hơn 8ha, hiện còn 224 cây trong tổng số hơn 1.000 cây được trồng thử nghiệm.
Điểm độc đáo của khu rừng cổ thụ này chính là kích thước khổng lồ của những cây cao su với đường kính thân cây từ 1-3 m, cao khoảng 30m, thậm chí có những cây cần đến vài người ôm mới xuể.
Một du khách ôm không hết gốc cây cao su có tuổi đời hơn một thế kỷ
Những cây cao su ở đây đều là cây thực sinh, mọc trực tiếp từ hạt chứ không qua lai ghép. Hạt của những cây cao su đầu tiên được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, mang đến cho khu rừng sự đa dạng về chủng loại và gen di truyền. Nhờ vậy, những cây cao su ở đây có sức sống mãnh liệt, thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu, tạo nên một hệ sinh thái rừng độc đáo.
Những vết hằn trên thân cây cao su khỏe mạnh và phía sau là một cây cao su đã bị mục nát
Năm 1980, ngành cao su cho ngừng khai thác “vàng trắng” ở khu vườn này để bảo tồn, phục vụ giáo dục lịch sử của thế hệ trẻ. Hiện chế độ chăm sóc vườn cũng được ưu tiên, gốc cây được quét vôi để hạn chế nấm mốc và các loại ký sinh gây bệnh.
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Tổ trưởng Kỹ thuật nông trường An Lộc cho biết, để thuận tiện trong việc bảo tồn chăm sóc, đơn vị quản lý đánh số thứ tự cho từng cây. Hằng tháng, sẽ cho người cắt cỏ, quét dọn, chăm sóc vườn cây cao su hơn 100 tuổi.
“Nhiều cây đã bị mục rỗng bên trong, tuy nhiên những cây cao su này vẫn còn phát triển xanh tốt”, ông Quang nói.
Bên cạnh những biện pháp chăm sóc trên, nông trường An Lộc còn phối hợp với các cơ quan chức năng để nghiên cứu và bảo tồn khu rừng cổ thụ cao su này. Nơi đây được kỳ vọng sẽ trở thành một điểm du lịch giá trị về ngành cao su trong tương lai.
Theo tìm hiểu, đây là đồn điền có quy mô lớn nhất vào thời điểm đó. Những công nhân cao su đầu tiên được chiêu mộ từ khu vực miền Bắc và miền Trung, chủ yếu ở tỉnh Quảng Trị. Họ được chiêu mộ đến đây để làm việc trong điều kiện khó khăn, vất vả.
Năm 1994, để bảo vệ khu rừng cổ thụ quý giá, vườn cây cao su An Lộc được bao quanh bằng hàng rào kiên cố và có cổng bảo vệ.
Năm 2009, vườn cổ thụ này được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây là minh chứng cho giá trị lịch sử và văn hóa to lớn, góp phần tô điểm thêm cho bản sắc văn hóa của Đồng Nai.
Căn nhà của các phu công ngay tại vườn cao su được phục dựng lại
Đến năm 2015, Tổng công ty cao su Đồng Nai cho phục dựng lại căn nhà của các phu công ngay trong khu bảo tồn, để khách tham quan có góc nhìn sinh động và gần gũi hơn về những năm tháng đầu tiên của ngành cao su.
Ông Đoàn Văn Dũng trước đây là công nhân cạo mủ cao su ở nông trường. Hai năm trở lại đây, ông được phân công thêm công việc chăm sóc vườn cây bảo tồn.
“Những cây cao su trong vườn đều đã lớn tuổi. Do đó, phải chăm sóc thật kỹ, khi phát hiện bệnh trên cây phải báo nông trường và công ty để điều trị, giữ gìn bảo tồn cây cao su”, ông Dũng chia sẻ.
Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa và khoa học, vườn cây cao su cổ thụ này xứng đáng là niềm tự hào của ngành cao su Việt Nam và là di sản cần được bảo tồn cho thế hệ mai sau.
Theo tienphong.vn