Cách nào kiểm soát khí thải phương tiện giao thông?
06/05/2024TN&MTCao điểm mùa khô trong những tháng tới sẽ là thời điểm lượng bụi mịn, ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM tăng cao ở mức nguy hiểm. Trong đó giao thông vận tải đang là nguồn phát thải bụi PM2.5 lớn nhất (chiếm 50-70%) vẫn luôn là bài toán khó cần đi tìm lời giải.
Cải thiện ô nhiễm trong các thành phố lớn cần gấp rút “lọc khí thải” của phương tiện giao thông
Nan giải kiểm soát phương tiện giao thông
Theo xếp hạng của cơ quan theo dõi chất lượng không khí toàn cầu IQAir, năm 2023 Việt Nam là quốc gia ô nhiễm thứ 22 trên thế giới. Ước tính hàng năm tại nước ta, xe máy “đốt” hơn 5 tỷ USD xăng, thải ra một lượng khí thải khổng lồ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe người dân.
Tại Hà Nội, theo kết quả quan trắc cho thấy số ngày chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức kém và xấu chiếm tỉ lệ hơn 30% tổng số ngày quan trắc trong năm. Nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng đáng lo ngại, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí TP Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Theo đó, Hà Nội đưa ra mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, ít nhất 75-80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình, giảm khoảng 20% lượng bụi PM2.5 từ các nguồn thải chính so với năm 2019, tương đương khoảng 6.200 tấn bụi PM2.5.
Các chuyên gia cho rằng, để đạt được mục tiêu trên, việc quan trọng nhất mà Hà Nội cần làm là giảm các nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí. Trong đó, nguồn thải từ giao thông vận tải sẽ là mục tiêu hàng đầu.
Tuy nhiên, với dân số khoảng 9 triệu người; lượng xe mô tô, xe 2 bánh gần 7 triệu phương tiện, xe ô tô 1,1 triệu phương tiện và khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các địa phương lân cận di chuyển thì việc kiểm soát lượng khí thải từ phương tiện giao thông sẽ rất khó khăn.
Trong khi đó, tăng dân số cơ học ở nội đô đã tạo nên áp lực lớn đối với hạ tầng đô thị và môi trường Hà Nội. Theo số liệu được Sở Giao thông vận tải Hà Nội thống kê gần đây, mỗi năm Thủ đô tăng 390.000 phương tiện; mỗi tháng tăng 32.750 phương tiện; mỗi ngày tăng 1.100 phương tiện cá nhân. Đáng nói trong số các phương tiện này hiện có rất nhiều xe cũ nát lưu hành nhiều năm.
Thống kê của Công an TP Hà Nội cho thấy, hiện có khoảng hơn 44.000 xe máy có niên hạn 30 năm; trên 10.500 xe niên hạn hơn 40 năm. Những chiếc xe "3 không": Không được chú trọng bảo dưỡng định kỳ; không phải kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; không quy định niên hạn sử dụng nên vẫn đang mặc sức thải, phát tán khí độc trong quá trình vận hành.
Trong khi đó, các cơ quan chức năng thì lại không có căn cứ để xử lý vi phạm ảnh hưởng đến môi trường. Mặc dù đã có nhiều chính sách và chương trình như thu hồi, tái chế được triển khai, nhưng việc xử lý dứt điểm xe cũ nát lưu thông trên đường lại không đơn giản.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thi - chuyên viên Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hiện đang có 3 rào cản chính.
Thứ nhất, người sử dụng gặp khó khăn vì ô tô, xe máy là tài sản có giá trị lớn, quan trọng, đặc biệt là phương tiện mưu sinh của nhiều gia đình, do đó việc từ bỏ hoặc chuyển đổi rất khó khăn.
Thứ hai, nhiều phương tiện được mua đi bán lại nhiều lần, thách thức cho việc xác định chủ sở hữu hay chính chủ. Điều này cũng gây trở ngại cho việc quyết định chấm dứt việc sử dụng hoặc tiêu hủy phương tiện cũ nát.
Thứ ba, về chính sách quản lý ô tô, xe máy ở Việt Nam còn nhiều bất cập, trong đó thiếu các quy định về việc bắt buộc phải kết thúc việc lưu thông, thiếu quy định về thuế đánh vào phương tiện giao thông. Người mua ô tô, xe máy chỉ cần bỏ ra một khoản tiền (tương đối lớn) vào lúc mua là có thể sử dụng mà không bận tâm đến các nghĩa vụ tài chính trong quá trình sử dụng.
Để loại bỏ những phương tiện cũ nát là nguồn xả thải khói bụi gây ô nhiễm, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định từ ngày 1/1/2027, các nhà sản xuất, nhập khẩu ô tô xe máy phải có trách nhiệm tái chế phương tiện theo một tỷ lệ nhất định.
Việc này nhằm giảm thiểu các phương tiện xe cũ nát vẫn được lưu thông trên đường gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng để thu hồi, tái chế xe cũ nát sẽ gặp rất nhiều khó khăn do vướng thủ tục pháp lý. Vì phương tiện là tài sản của người dân được pháp luật công nhận, chưa có quy định niên hạn sử dụng đối với xe mô tô gắn máy; quy mô tái chế còn thấp, nhỏ lẻ dẫn đến khả năng thu gom, xử lý ôtô, xe máy cũ chưa thực sự hiệu quả…
Còn việc kiểm tra định kỳ khí thải xe mô tô, xe gắn máy hiện vẫn đang còn “trên giấy” chưa được quy định cụ thể hóa trong luật.
Khi mà các cơ quan còn đang tìm hướng giảm thiểu các nguồn gây ô nhiêm, thì hàng ngày vẫn đang rất nhiều phương tiện không bảo dưỡng định kỳ, xe máy cũ nát vẫn thải khói đen kịt trên các tuyến đường.
Do vậy, rất cần thêm nhiều giải pháp mạnh mẽ, tức thời, đồng bộ hơn nữa để kiểm soát và quản lý chất lượng không khí. Trong đó, cần phải tính đến phương án khuyến khích người dân chuyển từ xe xăng sang xe điện, xe không phát thải.
Chuyển đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông
Cho đến nay, chưa có doanh nghiệp xe máy xăng nào tại Việt Nam đưa ra lộ trình chuyển đổi sang xe sử dụng nặng lượng sạch, thân thiện với môi trường.
Các chuyên gia khuyến nghị, cần sớm ban hành hệ thống chính sách đồng bộ, để thúc đẩy chuyển đổi sang phương tiện nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường và hạn chế phương tiện sử dụng xăng, dầu truyền thống.
Hiện tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM vẫn đang tích cực chuyển mình trong việc chuyển đổi xe xăng sang xe điện, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Việc đưa vào sử dụng các phương tiện công cộng chạy bằng điện, thân thiện với môi trường như xe buýt, tàu đường sắt trên cao... tại Hà Nội đã mang đến những tín hiệu khả quan cho môi trường. Nhưng đó vẫn là số ít so với dân số hiện nay của thành phố, vì vậy Hà Nội cần khuyến khích người dân nhiều hơn trong việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng và chuyển đổi phương tiện "xanh".
Còn tại TPHCM, theo kế hoạch tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn giai đoạn 2024-2025, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025 kiểm soát tốt nguồn khí thải từ hoạt động giao thông, giảm 85% ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông gây ra so với hiện tại. Thành phố đang tích cực chuyển đổi bổ sung các loại hình xe buýt điện, các loại xe không sử dụng nguyên liệu xăng...
Hiện, TPHCM đang thí điểm chuyển đổi xe máy cũ sử dụng xăng sang xe máy điện tại huyện Cần Giờ.
Theo khảo sát, huyện Cần Giờ hiện có khoảng 33.400 xe máy. Trong đó có khoảng 26.300 xe của các hộ gia đình thông thường. 3.200 xe của các hộ nghèo và 3.800 xe của các hộ cận nghèo. Đề án chính sách hỗ trợ và lộ trình triển khai được chia thành ba giai đoạn, triển khai từ nay đến năm 2030.
Giai đoạn 2024 - 2025, đối với hộ nghèo sẽ hỗ trợ 100% kinh phí khi chuyển đổi phương tiện. Còn với hộ cận nghèo, hỗ trợ 80% kinh phí. Các hộ dân sẽ làm cam kết không chuyển nhượng, thế chấp hoặc cầm cố trong thời gian 6 năm kể từ khi nhận xe.
Việc chuyển đổi phương tiện xe xăng sang xe điện trong thời gian tới cần được nhân rộng hơn nữa ở hầu khắp các địa phương trong cả nước. Bởi sự chuyển đổi thói quen sử dụng phương tiện xe máy, xe ô tô cá nhân đã hình thành từ lâu không thể trong ngày một ngày hai nên cần có những chính sách hỗ trợ người dân, khuyến khích người dân thay đổi thói quen, để giảm lượng khí thải từ giao thông, bảo vệ chính nguồn sống của họ.
Dưới góc độ chuyên gia môi trường, PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho rằng, câu chuyện phát triển giao thông xanh tại các đô thị lớn tại Việt Nam là một hành trình dài, bởi để thực hiện được mục tiêu này cần một lộ trình dài hơi. Phát triển đô thị xanh, không gian xanh là định hướng mang tính chiến lược cần có sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội từ Trung ương tới địa phương và toàn thể cộng đồng.
“Thay đổi nhận thức cần cả một quá trình, chúng ta cần phải song song giáo dục và truyền thông, để người dân tiếp cận được với vấn đề giao thông xanh, về những lợi ích của việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, đặc biệt những phương tiện cũ nát, quá niên hạn sử dụng…” - PGS.TS Bùi Thị An nêu quan điểm.
Theo daidoanket.vn