Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức mít tinh Ngày thế giới không thuốc lá
31/05/2024TN&MTSáng ngày 31/5/2024 tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ mít tinh Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25-31/5/2024).
Dự buổi lễ có ông Nguyễn Kim Tuyển - Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá Bộ Tài nguyên và Môi trường; Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thị Lan Hương - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; ông Trịnh Xuân Quảng, Phó Chánh Văn phòng Bộ, Ủy viên Ban Chỉ đạo Phòng chống tác hại của thuốc lá Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Hoàng Mạnh Hà, Tổng Biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Đặng Quốc Khánh - Bí thư ĐTNCS Hồ Chí Minh Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy viên Ban Chỉ đạo Phòng chống tác hại của thuốc lá Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thạc sĩ, Bác sỹ Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Phụ trách Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Phát biểu khai mạc Lễ phát động, ông Nguyễn Kim Tuyển - Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Lễ mít tinh được tổ chức với thành phần tham gia đầy đủ của các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá của Bộ, lãnh đạo và cán bộ phụ trách thực hiện công tác phòng chống tác hại thuốc lá của các đơn vị. Đặc biệt, là sự tham dự của đông đảo của các bạn trẻ là đoàn viên, thanh niên, sinh viên trường đại học thuộc Bộ. Đây chính là lực lượng nòng cốt, tiên phong, xung kích đi đầu trong việc xây dựng lối sống lành mạnh và chung tay giữ gìn “môi trường làm việc, học tập xanh” không khói thuốc lá.
Năm nay, tổ chức Y tế thế giới chọn thông điệp “Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá” làm chủ đề ngày thế giới không thuốc lá năm 2024. Thông qua chủ đề này, WHO nhấn mạnh ngày Thế giới không thuốc lá năm 2024 là diễn đàn để giới trẻ trên toàn thế giới yêu cầu ngành công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới trẻ em, thanh thiếu niên bằng những sản phẩm có hại cho sức khỏe, đồng thời kêu gọi chính phủ các nước thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ, bảo vệ trẻ em khỏi tác động của việc quảng cáo thuốc lá, bao gồm cả việc tiếp thị qua mạng xã hội và các nền tảng kỹ thuật số.
Ông Nguyễn Kim Tuyển phát biểu khai mạc buổi lễ
Ông Nguyễn Kim Tuyển nhấn mạnh, thời gian qua, Ban cán sự, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn quan tâm chỉ đạo công tác phòng chống tác hại thuốc lá. Do vậy, các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá được triển khai đến từng đơn vị, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, nhận thức cán bộ công chức, người lao động được nâng lên. Hằng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị đều đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá tại các đơn vị.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ công chức, viên chức, người lao động như xây dựng các chuyên mục, chuyên trang, đăng tải các có nội dung về công tác phòng, chống tác hại thuốc lá trên, Báo, Tạp chí, Cổng thông tin điện tử của Bộ; thường xuyên tuyên truyền cập nhật các tin tức, văn bản, quy định pháp luật mới liên quan về phòng, chống tác hại thuốc lá, các mô hình, sáng kiến hay của các tập thể, cá nhân trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá,... Nhiều cơ quan, đơn vị ngành tài nguyên và môi trường đã xây dựng thành công mô hình “Văn phòng xanh không khói thuốc”; “Học đường không khói thuốc”…
Với vai trò là Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo công tác phòng chống tác hại thuốc lá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Kim Tuyển đề nghị và kêu gọi toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung thực hiện các nội dung:
Một là, tiếp tục tăng cường tuyên truyền nhằm quán triệt, phổ biến và thực thi nghiêm quy định của Luật Phòng chống thuốc lá; thực hiện nghiêm túc Kế hoạch PCTHTL giai đoạn 2023-2024 của Bộ đã đề ra; thực hiện nghiêm Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 13/5/2024 về việc tăng cường quản lý thuộc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại các đơn vị.
Hai là, nâng cao trách nhiệm Lãnh đạo các đơn vị, gương mẫu thực hiện quy định không hút thuốc lá nơi làm việc và các địa điểm có quy định cấm hút thuốc.
Ba là, tăng cường hơn nữa các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng chống tác hại thuốc lá; lồng ghép tuyên truyền các gương điển hình trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá....
Bốn là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các mô hình: “công sở xanh, văn phòng xanh, giảng đường xanh không khói thuốc lá”; phát động, tổ chức nhiều hơn các diễn đàn, hội thi trên nền tảng trực tuyến nhằm tìm hiểu về tác hại của thuốc lá.
Năm là, các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, đoàn viên thanh niên cần có những hành động thiết thực để từ bỏ thuốc lá, tuyên truyền vận động đồng nghiệp, người thân, bạn bè từ bỏ sử dụng buôn bán các sản phẩm thuốc lá nhằm hướng đến xây dựng một môi trường sống và làm việc, học tập xanh trong lành, khỏe mạnh.
Các đại biểu tham dự buổi lễ
Theo Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Hút thuốc lá cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp. Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm.
Nhằm tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các ngành, các cấp và cộng đồng đối với công tác phòng chống tác hại thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới lấy ngày 31/5 hàng năm là Ngày Thế giới không thuốc lá. Hàng năm, được phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế tổ chức và hỗ trợ các Bộ, ban, ngành, các tổ chức xã hội, các tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25/5 đến ngày 31/5.
Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 19 triệu thanh thiếu niên từ 13-15 tuổi (13 triệu bé trai và 6 triệu bé gái) hiện đang hút thuốc lá, trong đó có khoảng 5 triệu thanh thiếu niên hút thuốc lá sống ở khu vực Đông Nam Á. Khảo sát ở hầu hết các quốc gia đều cho thấy tỷ lệ trẻ em từ 13-15 tuổi đang sử dụng các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cao.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, có mối liên quan rõ ràng giữa việc gia tăng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá trong giới trẻ với việc tiếp cận giới trẻ thông qua quảng cáo, tiếp thị, đặc biệt trên các nền tảng kỹ thuật số và thông qua việc sử dụng lao động trẻ em trong việc mua bán, trồng cây thuốc lá.
Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh Ngày thế giới không thuốc lá 2024 là diễn đàn để giới trẻ trên toàn thế giới yêu cầu ngành công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới các em bằng các sản phẩm có hại cho sức khỏe, kêu gọi chính phủ các nước áp dụng các chính sách bảo vệ các em khỏi các hành vi lôi kéo sử dụng thuốc lá, bao gồm cả việc tiếp thị không ngừng các sản phẩm nguy hiểm cho sức khoẻ thông qua mạng xã hội và các nền tảng phát trực tuyến.
Tại Việt Nam, với sự quan tâm, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ ngành, các tổ chức Chính trị - xã hội, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác hại của việc hút thuốc, xây dựng môi trường không khói thuốc, tổ chức công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá, kiểm tra giám sát,…
Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: Giảm tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá trong nam giới từ 15 tuổi trở lên: Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trên 15 tuổi tại 30 tỉnh thành phố năm 2022-2023 cho thấy: tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới giảm từ 42,3% (năm 2020) xuống 38,9% (năm 2022). Việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ giúp giảm tỷ lệ bệnh tật và tiết kiệm chi phí điều trị các bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra.
Giảm tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá trong thanh thiếu niên: Nhóm tuổi từ 13 đến 17 tuổi: Giảm 50% tỷ lệ sử dụng thuốc lá, từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019, bảo đảm hiệu quả bền vững của hoạt động PCTH thuốc lá tại Việt Nam (Điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2019); Nhóm tuổi từ 13 đến 15 tuổi: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá từ 13-15 tuổi giảm từ 2,5% (năm 2014) xuống 1,9% (năm 2022).
Tỷ lệ hiểu biết về tác hại của thuốc lá: Theo Điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 30 tỉnh, thành phố năm 2022 – 2023 cho thấy: Tỷ lệ người trưởng thành tin rằng hút thuốc lá gây ra các bệnh nguy hiểm như: ung thư phổi là 97,1%, gây đột quỵ là 80,9%, gây bệnh tim mạch là 77,8%.; Tỷ lệ người trưởng thành tin rằng hít phải khói thuốc lá gây ra các bệnh nguy hiểm cho người không hút thuốc lá 85,7%; 90% người dân được tư vấn cai nghiện thuốc lá khi đến cơ sở y tế.
Các đại biểu tham dự buổi lễ
Tuy nhiên, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng gặp nhiều khó khăn như tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nước ta tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao với 38,9% nam giới trưởng thành hút thuốc; Tỷ lệ hút thuốc lá trong nữ giới có xu hướng gia tăng; Hiện nay, trên thị trường lại xuất hiện các sản phẩm như Thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng, thuốc lá hút Shisha và được mua bán, quảng cáo nhiều trên mạng xã hội và chủ yếu nhằm vào giới trẻ.
Đây cũng là những sản phẩm gây nghiện và có hại cho sức khỏe, chúng ta không kịp thời ngăn chặn thì trong tương lai gần, các tổn thất về sức khỏe và kinh tế do việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới gây ra cũng nghiêm trọng không kém các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường, đặc biệt là các hậu quả về sức khỏe trong thế hệ trẻ, gây ô nhiễm khí thải, rác thải, đồng thời gây khó khăn trong việc đạt được mục tiêu của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là giảm tỷ lệ hút thuốc, bảo vệ sức khỏe cộng động.
Nội dung Phát động Chiến dịch: “Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết tâm phòng, chống tác hại của thuốc lá”
Một là, những thanh niên đang sử dụng thuốc lá phải từ bỏ việc dùng thuốc lá, hướng đến lối sống lành mạnh.
Hai là, các đoàn viên thanh niên tích cực tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử trong cộng đồng. Vận động người thân, bạn bè “nói không với thuốc lá”. Xây dựng công sở xanh, môi trường học tập và làm việc không khói thuốc lá.
Ba là, yêu cầu mỗi đơn vị cơ sở đoàn trực thuộc Đoàn thanh niên Bộ TN&MT xây dựng 01 mô hình điểm Chi đoàn không khói thuốc; có báo cáo gửi BCH Đoàn Bộ để tổng kết Chiến dịch.
Kim Đức