Biến đổi khí hậu tác động tới các khu vực và một số tích cực mang lại
06/05/2024TN&MTViệt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất với biến đổi khí hậu. IPCC cho rằng, khi mực nước biển dâng lên 100 cm, diện tích đất bị mất đi của Việt Nam sẽ lên tới 40.000 km2, chiếm 12,1% tổng diện tích đất hiện có, kéo theo hệ quả khiến khoảng 17,1 triệu người sẽ mất đi nơi sinh sống. Biến đổi khí hậu là nhân tố chính gây ra bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở, chiếm 87 - 91% số lượng thiên tai, ảnh hưởng đến 70% dân số, gây thiệt hại khoảng 1 - 1,5% GDP,... Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, biến đổi khí hậu đã, đang tác động mạnh tới các khu vực ở cả đồng bằng, ven biển và khu vực miền núi.
Biến đổi khí hậu tác động tới khu vực đồng bằng
Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng; theo kịch bản cao về BĐKH, nhiệt độ vào cuối thế kỷ tăng khoảng 3,40C, số ngày nắng nóng tăng khoảng 40 đến 60 ngày, lượng mưa mùa mưa tăng nhưng lượng mưa mùa khô giảm, mực nước biển có thể dâng đến 100 cm gây ngập vĩnh viễn khoảng 40% diện tích đất của đồng bằng. Nếu mực nước biển dâng thêm 100 cm, khoảng 10% dân số tại khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng trực tiếp do mất đất. Diện tích trồng lúa bị thu hẹp đáng kể. Các khu vực chịu ảnh hưởng lớn của nước biển dâng sẽ tập trung ở một số địa điểm thuộc các tỉnh như: Trần Văn Thời (Cà Mau), Hồng Dân (Bạc Liêu), Ngã Năm (Sóc Trăng), Long Mỹ (Hậu Giang) và Giao Thành (Kiên Giang). Nước biển xâm lấn sâu hơn vào vùng cửa sông gây ra xâm nhập mặn, kết hợp cùng tác động của hạn hán đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cấp nước ngọt, giảm chất lượng nước mặt và nước ngầm.
Báo cáo của Bộ TN&MT cho thấy, đến nay đã có nhiều quy hoạch tổng thể về phát triển KT-XH của đồng bằng, quy hoạch phát triển ngành và địa phương đã được xây dựng và triển khai. Trung ương, các Bộ, ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực, chương trình, dự án về phát triển và bảo vệ ĐBSCL. Tuy nhiên, những nỗ lực này còn nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, thiếu liên kết và còn mang tính ngắn hạn. Chính những thách thức nêu trên cũng tạo động lực cho sự chuyển đổi có quy mô lớn ở vùng ĐBSCL; thúc đẩy thay đổi nhận thức, chuyển đổi từ mô hình sản xuất thuần nông dễ bị tổn thương do BĐKH và nước biển dâng sang mô hình sản xuất thân thiện với môi trường và khí hậu thông minh, bền vững và có sức chống chịu cao; thúc đẩy hợp tác, tranh thủ hỗ trợ nguồn lực tài chính và chuyển giao công nghệ.
Việc chuyển đổi mô hình phát triển có thể được thực hiện thông qua: Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, đề ra định hướng chiến lược rõ ràng bằng một số quyết định mang tính chủ chốt, tạo được sự liên kết trong vùng với TP. Hồ Chí Minh và các khu vực khác; quy hoạch và tổ chức lại không gian lãnh thổ nhằm đạt được các mục tiêu về chiến lược phát triển toàn vùng, hỗ trợ cho việc chuyển đổi quy mô lớn; xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, thích ứng với BĐKH theo hướng công nghiệp hóa ngành nông nghiệp, gia tăng giá trị kinh tế, đảm bảo sinh kế người dân; các Bộ, ngành và địa phương cùng tham gia xây dựng các dự án đầu tư và phát triển để cùng chia sẻ trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện vì một đồng bằng thịnh vượng và bền vững trong hiện tại và trong tương lai.
Cùng với ĐBSCL, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (ĐBBB) đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển KT-XH và đảm bảo an ninh lương thực. Đây là vùng cũng được dự đoán sẽ chịu tác động nặng nề và tổn thương cao trước BĐKH do khu vực này thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, lũ, ngập úng và xâm nhập mặn đặc biệt. Đây cũng là khu vực đang có quá trình đô thị hóa nhanh cùng với tốc độ tăng trưởng dân số cao. Mức độ nghiêm trọng của thiên tai và ảnh hưởng của BĐKH tới ĐBBB cũng tương tự so với khu vực ĐBSCL. Các kịch bản BĐKH và kết quả từ các mô hình khí hậu cho thấy tổng lượng mưa trong mùa mưa vùng ĐBBB dự kiến sẽ tăng dẫn đến gia tăng đáng kể lưu lượng đỉnh lũ. Gia tăng các trận mưa có cường độ mạnh, tổng lượng mưa lớn vượt thiết kế gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của đập và hồ chứa; gây ngập lụt tại nhiều khu vực có địa hình trũng thấp, khả năng tiêu thoát nước kém; tăng nhanh tốc độ xói mòn bề mặt. Với kịch bản mực nước biển dâng cao 100 cm, khoảng 240.000 ha đất sản xuất nông nghiệp vùng ĐBBB bị ảnh hưởng; năng suất lúa giảm từ 8% đến 15% vào năm 2030 và có thể lên tới 30% vào năm 2050. Nhiều tỉnh thuộc khu vực bị mất đất do ngập khá nghiêm trọng như: Thái Bình mất 31,2%, Nam Định 24%, TP. Hải Phòng 17,4%.
Biến đổi khí hậu tác động đến khu vực ven biển
Khu vực ven biển của Việt Nam bao gồm Bắc Bộ, Trung Bộ và Đông Nam Bộ thường xuyên chịu nhiều tác động của các hiểm họa liên quan đến khí hậu như bão và áp thấp nhiệt đới, đặc biệt ở vùng Trung Bộ; lũ lụt và sạt lở đất, đặc biệt là vùng ven biển Bắc Bộ và Trung Bộ. Ngoài ra, đối với khu vực ven biển, BĐKH còn làm gia tăng các quá trình thoái hóa đất, làm cho thổ nhưỡng của vùng vốn dĩ có đặc điểm thành phần cơ giới nhẹ, khả năng giữ nước kém, bị suy thoái hơn. BĐKH sẽ làm cho diện tích nhiễm mặn ở vùng ven biển tăng đáng kể, từ đó giảm sút sản lượng lúa và nhiều hậu quả khác về môi trường. BĐKH còn làm suy giảm đa dạng sinh học vùng ven bờ, thay đổi hệ sinh thái của các vùng thấp ven sông, trong sông và cửa sông do thay đổi lượng mưa, dòng chảy mặt và nước ngầm cùng một số đặc trưng của chất lượng nước và chất dinh dưỡng.
Các đợt hạn hán ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại nhiều địa phương ven biển sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng xâm nhập mặn. Nhất là khu vực Nam Trung Bộ lượng mưa hàng năm trong khu vực đạt thấp nên dòng chảy tại khu vực này sụt giảm mạnh dẫn đến tình trạng XNM lấn sâu vào đất liền, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp và nguồn nước sinh hoạt của người dân ven biển.
Khu vực ven biển còn chịu tác động nghiêm trọng của nước biển dâng. Nếu mực nước biển dâng thêm 100 cm, nhiều khu vực trũng ở đồng bằng ven biển Bắc Bộ và Thanh Hóa sẽ chịu ngập. Khi mực nước biển dâng trung bình 57 cm, sẽ có khoảng 8% diện tích rừng và thảm thực vật tự nhiên ở vùng ven biển có nguy cơ bị ngập. Diện tích rừng ngập mặn bị thu hẹp nghiêm trọng nhất ở các tỉnh Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu, Nam Định và TP. Hồ Chí Minh.
Biến đổi khí hậu tác động khu vực miền núi
Khu vực miền núi Việt Nam giữ một vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc phát triển bền vững của đất nước bởi vị trí quan trọng và chiếm đến 3/4 diện tích của cả nước. Hiện nay có khoảng hơn 24 triệu người sinh sống trong cộng đồng 54 dân tộc khác nhau tại miền núi Việt Nam bao gồm Đông Bắc, Tây Bắc, Trường Sơn Bắc, Tây Nguyên/Trường Sơn Nam và Đông Nam Bộ. Đây là các khu vực đa dạng về thời tiết và lưu trữ tính đa dạng sinh học cao của cả nước. Kinh tế tại khu vực miền núi phát triển chậm và khó khăn do ảnh hưởng từ gia tăng dân số nhanh, suy thoái môi trường và đói nghèo (đặc biệt ở các vùng dân tộc ít người) trong vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, miền núi Việt Nam có xu hướng phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài, trong khi đó kiến thức bản địa của khu vực lại chưa được phát triển. Phân hóa về kinh tế, văn hóa và xã hội cũng là 1 yếu tố dẫn tới gia tăng tính dễ bị tổn thương do BĐKH của khu vực.
Tác động của BĐKH tại khu vực miền núi rất rộng: Tăng nhiệt độ tại vùng núi Đông Bắc, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ ảnh hưởng tới ngành nông nghiệp, đa dạng sinh học, sản xuất và tiêu thụ năng lượng và sức khỏe cộng đồng, khiến cho nông dân nghèo và các dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng. Lũ lụt tại vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ ảnh hưởng tới ngành nông nghiệp, tài nguyên nước, giao thông vận tải, sức khỏe và đời sống người dân, nơi cư trú. Nhóm đối tượng chịu tác động mạnh chủ yếu là dân cư miền núi, nhất là người dân tộc thiểu số và người già, phụ nữ, trẻ em. Lũ lụt và bão cũng gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho các công trình cơ sở hạ tầng, bao gồm cơ sở hạ tầng nông thôn, các công trình kiểm soát phòng chống lụt bão và công trình thủy lợi.
Bên cạnh bão, lũ quét và sạt lở đất cũng là dạng thiên tai phổ biến ở hầu hết các tỉnh miền núi - hậu quả của những trận mưa dữ dội (do bão/lốc xoáy hoặc áp thấp nhiệt đới) kết hợp với địa hình dốc và cấu tạo địa chất yếu. Dưới tác động của BĐKH, cường độ của các trận lũ quét có xu thế gia tăng do đó tác động nhiều hơn đến đời sống dân cư khu vực miền núi nơi thường xuyên xảy ra lũ quét.
Một số tác động tích cực do biến đổi khí hậu mang lại
Biến đổi khí hậu gây ra nhiều ảnh hưởng bất lợi đối với tài nguyên, môi trường và sự phát triển KT-XH của Việt Nam. Tuy nhiên, việc triển khai các biện pháp ứng phó với BĐKH cũng sẽ có những ảnh hưởng tích cực đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH của đất nước. Thích ứng với BĐKH thường không trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế hoặc đòi hỏi thời gian dài để hoàn vốn nên chủ yếu sẽ được đầu tư từ ngân sách. Giảm nhẹ phát thải KNK cần có đầu tư ban đầu lớn nhằm đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả quản lý, chuyển đổi sản xuất và thường tạo ra lợi ích kinh tế trực tiếp và nhanh hơn nên chủ yếu sẽ được huy động đầu tư từ doanh nghiệp.
Báo cáo của Bộ TN&MT cho thấy, kết quả tính toán chi phí và lợi ích khi thực hiện các phương án giảm nhẹ trong NDC cho thấy tác động KT-XH của việc thực hiện các giải pháp ứng phó với BĐKH là tương đối tích cực. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tới năm 2030 có thể tăng so với kịch bản phát triển bình thường. Các phương án giảm nhẹ trong lĩnh vực nông nghiệp có tác động lớn nhất đến tăng trưởng GDP; tiếp theo là năng lượng, LULUCF, và chất thải. Các phương án giảm nhẹ phát thải trong lĩnh vực các quá trình công nghiệp hầu như không ảnh hưởng đến GDP. Sản lượng nông nghiệp, lâm nghiệp, các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng cao và ngành chất thải đều sẽ tăng với mức độ khác nhau; vốn đầu tư tăng so với kịch bản phát triển bình thường. Cơ hội việc làm có thể cao hơn so với phát triển bình thường. Tỷ lệ nghèo ở nông thôn có thể giảm do có đầu tư vào lâm nghiệp và nông nghiệp, dẫn đến việc làm và thu nhập hộ gia đình nông thôn cao hơn. Bất bình đẳng có thể sẽ gia tăng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tỷ lệ lạm phát tăng nhẹ so với kịch bản phát triển thông thường.
Việc thực hiện các hành động ứng phó với BĐKH sẽ góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Nhóm các hành động giảm nhẹ BĐKH có tiềm năng đóng góp lớn nhất đến Mục tiêu 17 về “Nâng cao khả năng thực hiện và làm mới mối quan hệ đối tác toàn cầu vì sự PTBV”. Nhóm các hành động thích ứng với BĐKH có tiềm năng đóng góp lớn nhất đến việc đạt được Mục tiêu 13 về “Ứng phó kịp thời, hiệu quả với BĐKH và thiên tai” và Mục tiêu 11 về “Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn; phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng”. Triển khai các hành động ứng phó với BĐKH là quan trọng và cần thiết, giúp Việt Nam có thể thực hiện các cam kết về BĐKH với cộng đồng quốc tế. Đánh giá lợi ích của các hành động ứng phó với BĐKH còn cung cấp căn cứ khoa học để thúc đẩy và thu hút các hoạt động đầu tư kinh doanh trong và ngoài nước cho cho lĩnh vực BĐKH, góp phần mang lại những lợi ích về BĐKH và đẩy mạnh phát triển KT-XH theo hướng xanh và bền vững tại Việt Nam. BĐKH giúp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo; phát triển nông, lâm, ngư nghiệp thích ứng cao với điều kiện thời tiết; tiếp cận và nhận được nhiều nguồn hỗ trợ cả về kỹ thuật và khoa học công nghệ hiện đại cũng như tài chính của các tổ chức quốc tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước.
Tại các Hội nghị COP lần thứ 26 và 27, Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong hợp tác song phương, Việt Nam chủ động, tích cực đẩy mạnh hợp tác, đối thoại với các quốc gia phát triển, nhận được nguồn vốn hỗ trợ lớn thông qua các tổ chức quốc tế, như: Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Thế giới (WB),... Báo cáo về đầu tư và chi tiêu công cho BĐKH tại Việt Nam năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2010 - 2019, Việt Nam đã nhận được khoảng 600 dự án quốc tế hỗ trợ ứng phó, thích ứng với BĐKH có tổng số vốn ước tính đạt 18,5 tỷ USD. Trong đó, tổng số nguồn vốn viện trợ không hoàn lại đạt khoảng 1,1 tỷ USD, còn lại là vay ưu đãi. Tháng 12/2022, Việt Nam đã nhận được cam kết hỗ trợ 15,5 tỷ USD từ Anh, Mỹ, các nước EU hỗ trợ chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
QUÝ TÂM
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 6 năm 2024