Nhiều loài động - thực vật ở Nam Cực có nguy cơ tuyệt chủng
24/12/2022TN&MTTheo nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí PLOS Biology, 65% các loài động - thực vật bản địa ở Nam Cực có thể sẽ biến mất vào cuối thế kỷ này nếu như thế giới tiếp tục phương thức kinh doanh hiện nay và không kiềm chế được lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch đang làm Trái đất nóng dần lên.
Chim cánh cụt ở Nam Cực.
Sự tách biệt về mặt địa lý của Nam Cực lâu nay đã giúp bảo vệ lục địa này khỏi những tác động ngày càng tồi tệ của khủng hoảng khí hậu và các thảm họa môi trường đang hoành hành ở phần còn lại của thế giới - như cháy rừng, lũ lụt và hạn hán. Ở Bắc Cực, các nhà khoa học cũng ghi nhận những thay đổi đáng kể, với nhiệt độ đang nóng lên với tốc độ nhanh gấp 4 lần so với phần còn lại của Trái đất.
Nhưng đáng ngại là tác động của biến đổi khí hậu đã bắt đầu xuất hiện ở Nam Cực. Ví dụ, dữ liệu gần đây cho thấy diện tích băng biển ở Nam Cực đang giảm nhanh so với các thập niên trước. Nghiên cứu mới công bố hôm 22-12 còn chỉ ra rằng tình trạng băng biển tan dần đang đe dọa đời sống của nhiều loài chim biển - bao gồm chim cánh cụt hoàng đế và chim cánh cụt Adélie, vốn nương tựa băng biển từ tháng 4 đến tháng 12 hằng năm để làm tổ và nuôi con. Nếu nhiệt độ tăng làm băng biển tan sớm hơn hoặc đóng băng muộn hơn khoảng thời gian này, chim cánh cụt sẽ khó hoàn thành chu kỳ sinh sản.
Ngoài ra, Nam Cực cũng đang chịu tác động từ sự hiện diện ngày càng tăng của con người. Nghiên cứu cho thấy các cuộc thám hiểm khoa học và hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng đang được mở rộng, trong khi số lượng khách du lịch đến đây hàng năm đã tăng hơn gấp 8 lần kể từ những năm 1990.
Nghiên cứu mới nhất được đưa ra vài ngày sau khi các nhà đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học của Liên Hiệp Quốc ở Montreal (Canada) đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm bảo vệ tốt hơn các hệ sinh thái quan trọng của hành tinh, bao gồm cam kết bảo vệ 30% đất đai và đại dương vào năm 2030. Với khủng hoảng khí hậu hiện là mối đe dọa phổ biến nhất đối với đa dạng sinh học ở Nam Cực, chuyên gia Jasmine Lee - tác giả chính của nghiên cứu - cho rằng tác động đến chính sách toàn cầu là việc cấp thiết để cứu một trong những quần xã sinh vật nguyên sơ, rộng lớn của Trái đất.
Theo baocantho.vn