Nâng cao năng lực độc lập, tự chủ của nền sản xuất
22/12/2023TN&MTĐây là yêu cầu được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành công thương, sáng 20/12.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Ngành công thương phải đổi mới trong tư duy, quan điểm, chính sách để tận dụng xu thế hội nhập, thu hút đầu tư
Chia sẻ những khó khăn, thách thức của ngành công thương trong quá trình đổi mới, phát triển đất nước, nền kinh tế, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần phân tích đầy đủ bối cảnh, tình hình đặt ra đối với ngành công thương, cả trong nước cũng như xu thế, quy luật khách quan của thế giới, từ đó đúc rút thành bài học, kinh nghiệm cho hiện tại và cả trong tương lai.
Vượt thách thức, khó khăn, tạo đột phá, phát triển mới
Trước những ảnh hưởng tiêu cực của tình hình kinh tế toàn cầu, dịch bệnh COVID-19, những khó khăn tích tụ từ nhiều năm trước của nền kinh tế…, trong hai tháng đầu của năm 2023, toàn ngành công nghiệp Việt Nam đã chứng kiến sự suy giảm mạnh, với tốc độ tăng trưởng -6,3%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,9% - là điều chưa từng xảy ra - theo số liệu thống kê cùng kỳ trong suốt hơn 20 năm qua.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chủ động, hiệu quả của Quốc hội trong hoàn thiện thể chế, giám sát; sự quyết liệt, bản lĩnh, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tinh thần trên dưới đồng lòng của các bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, nền kinh tế đã vượt khó đi lên.
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tăng trưởng GDP năm 2023 ước đạt trên 5%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất siêu khoảng 26 tỷ USD. An ninh lương thực được bảo đảm, sản lượng gạo ước đạt 28 triệu tấn, xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo. Thị trường lao động phục hồi tích cực. Đã có trên 220.000 doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại hoạt động. Việt Nam đã đón khoảng 13 triệu lượt khách du lịch quốc tế, vượt mục tiêu 8 triệu lượt khách.
Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới. Trong tháng 12 vừa qua, Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng "Ổn định". Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.
"Trong thành công chung của cả nước, có sự đóng góp hết sức quan trọng, toàn diện của ngành công thương trên các mặt: Hoàn thiện khung khổ pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất, thương mại cụ thể: Bảo đảm chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, kết nối với các nền kinh tế, vừa phát triển thị trường nội địa, và hội nhập kinh tế", Phó Thủ tướng nói và điểm lại một số kết quả nổi bật của ngành công thương.
Trước hết, Bộ Công Thương đã trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 với nhiều quy định mới đặt ra từ thực tiễn như bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương, bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng, sản xuất và tiêu dùng bền vững và hoàn thiện môi trường pháp lý cho các giao dịch trên môi trường số.
Bộ Công Thương đã chủ động tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4 quy hoạch ngành quốc gia có ý nghĩa quan trọng. Trong đó, đặc biệt là Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia.
Đây là các quy hoạch có ý nghĩa quan trọng bởi năng lượng là "mạch máu" của nền kinh tế, đời sống dân sinh và quốc phòng, an ninh quốc gia, "nhằm tạo cơ sở pháp lý, huy động nguồn lực đầu tư, triển khai, vận hành, phục vụ điều hành sản xuất kinh doanh".
Hoạt động sản xuất công nghiệp đã vượt qua giai đoạn hết sức khó khăn, sóng gió. Trong tháng 1/2023, khu vực công nghiệp giảm 14,6% so với tháng 12/2022 và giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022. Tình trạng này xảy ra ở 30 địa phương, nhiều nhà máy phải cắt giảm sản xuất, kéo theo hệ lụy rất lớn về lao động, việc làm… Cho đến nay, mặc dù không đạt như kỳ vọng nhưng sản xuất công nghiệp đã cho thấy sự phục hồi tích cực, đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Một số dự án tồn đọng kéo dài của ngành công thương đã được khắc phục, đi vào hoạt động đạt hiệu quả bước đầu.
Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế. Đây là nỗ lực rất lớn và sự phối hợp hiệu quả giữa ngành công thương, nông nghiệp và ngoại giao, các ngành khác cùng cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh thương mại thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm, tổng cầu thế giới sụt giảm.
Thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh, đạt quy mô khoảng 25 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2022, giữ vững vị trí top 5 thế giới về tốc độ tăng trưởng, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Việc phát triển các nền tảng số trong thương mại đã thúc đẩy tiếp cận thị trường, rút ngắn khoảng cách và thời gian cho doanh nghiệp.
Ngành công thương đã triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng để thúc đẩy thương mại nội địa. Tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% vượt mục tiêu đề ra (8-9%); bảo đảm nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm; khắc phục được khó khăn về thiếu nguyên, nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân.
Công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Hoàn tất đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Israel sau 7 năm (2016-2023), nâng tổng số FTA đã được ký kết và thực thi là 16 FTA với trên 60 quốc gia, đối tác lớn trên toàn cầu.
Công tác quản lý nhà nước về phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ được triển khai đồng bộ. Quản lý, bảo đảm trật tự thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa tiếp tục được củng cố.
"Đây là một trong những điều kiện để Việt Nam có thể hội nhập, tham gia vào các FTA bình đẳng, công bằng với tư cách là một nền kinh tế thị trường", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân có thành tích xuất sắc tại Bộ Công Thương
Đổi mới trong tư duy, quan điểm, chính sách
Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng đề nghị ngành công thương thẳng thắn nhận diện những tồn tại, bất cập, cần tập trung xử lý, khắc phục trong thời gian tới.
Về thể chế, Bộ Công Thương cần khắc phục tình trạng chậm trình, chậm ban hành các văn bản theo thẩm quyền.
"Nếu không đổi mới trong tư duy, quan điểm, chính sách, thì ngành công nghiệp không thể tiếp cận với công nghệ cao, chất lượng, kinh tế xanh hay dẫn dắt kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng từ nâu sang xanh, không tận dụng được xu thế hội nhập, thu hút đầu tư", Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng yêu cầu ngành công thương tập trung khắc phục, không để xảy tình trạng thiếu nguyên, nhiên vật liệu thiết yếu đối vối với nền kinh tế và đời sống dân sinh, nhất là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia "kỷ luật, trách nhiệm nhất", không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, thu hút thương mại; bảo đảm cân đối cơ cấu và sự phát triển các nguồn điện sát với tình hình thực tế, giải quyết các bài toán về kinh tế, mô hình phát triển.
Về sản xuất công nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu đánh giá, phân tích kỹ về số liệu tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ đạt 3,1%, trong khi đây là nền tảng cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá của các ngành, lĩnh vực kinh tế khác.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực như xe máy giảm 23,5%, tivi ước giảm 43,5%; thép cán ước giảm 22,2%.
Phó Thủ tướng chỉ rõ, công nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào khối FDI, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp năng lượng xanh, vật liệu mới… phát triển chậm.
"Kim ngạch xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khối FDI, vì vậy chúng ta phải xác định được những khâu, những sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và triển khai thay vì chỉ gia công, nhằm phát triển những ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, cơ bản", Phó Thủ tướng phân tích và cho rằng, đây là những vấn đề lớn đặt ra cho không chỉ đối với ngành công thương mà có liên quan đến rất nhiều ngành, lĩnh vực để tìm ra lời giải tổng thể, hiệu quả.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị ngành công thương tiếp tục nghiên cứu, tham mưu bài bản, khoa học cơ chế, chính sách, chiến lược hình thành, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, nền tảng, có giá trị gia tăng cao
Đưa tinh thần kiến tạo, khởi tạo vào từng cơ chế, chính sách, chiến lược
Theo Phó Thủ tướng, trong năm 2024, nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, với xu thế cạnh tranh quyết liệt với hàng rào kỹ thuật kết hợp thuế quan gắn với những mục tiêu toàn cầu. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội mà Việt Nam phải chủ động nắm lấy, bằng tư duy đột phá để vươn lên, hướng tới một nền kinh tế tự cường, phát triển, bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Trong đó, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tri thức đang là dòng chảy chính của thời đại và được thúc đẩy bởi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Ngành công thương phải tiếp tục nghiên cứu, tham mưu bài bản, khoa học cơ chế, chính sách, chiến lược hình thành, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, nền tảng, có giá trị gia tăng cao như cơ khí chế tạo, bán dẫn, công nghệ số, năng lượng tái tạo…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các cơ quan đại diện, thương vụ trong xúc tiến thương mại, hoàn thiện các chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng như dự báo tiềm năng, yêu cầu của các thị trường nhập khẩu; tận dụng hiệu quả các FTA đã ký kết trên cơ sở bảo đảm tính thống nhất, hài hoà hoá với tiêu chuẩn quốc tế chung.
Phó Thủ tướng tin tưởng "bước vào năm 2024 với tâm thế mới, cùng khát vọng phát triển, tinh thần đoàn kết, đổi mới đồng bộ, toàn diện, chuyên nghiệp về tổ chức, bộ máy, nhân sự… cùng tinh thần kiến tạo, khởi tạo, ngành công thương sẽ nghiên cứu, tham mưu, ban hành hoặc thí điểm những cơ chế, chính sách, chiến lược quan trọng cho sự phát triển của đất nước, hướng tới một nền kinh tế tự lực, tự cường, xứng đáng với sứ mệnh, trọng trách lớn lao mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao cho.
Theo baochinhphu.vn