“Xanh hóa” ngành khai khoáng bằng việc ứng dụng công nghệ hiện đại
18/10/2022TN&MTỨng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và công nghệ xanh trong công nghiệp khai khoáng Việt Nam để phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề được nhiều cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về khoáng sản quan tâm.
Ảnh minh họa
Tại Triển lãm quốc tế lần thứ 5 về Công nghiệp khai thác, khôi phục tài nguyên sản xuất và xây dựng mới đây tại Hà Nội, ông Tee Boon Teong - Tổng Giám đốc Công ty Informa Markets Việt Nam cho biết: Ngành công nghiệp khai khoáng đóng góp lớn thứ 3 vào GDP của Việt Nam. Việt Nam hiện là nước sản xuất khoáng sản lớn thứ 3 trong ASEAN, có trữ lượng than, bauxit, titan, quặng sắt và kim loại đất hiếm hàng đầu thế giới. Hoạt động khai khoáng ở Việt Nam chủ yếu đến từ 200 mỏ than với tổng trữ lượng 8 tỷ tấn than.
Dự kiến mức tiêu thụ điện tại Việt Nam hàng năm sẽ tăng 10% cho đến năm 2030 và hiện Việt Nam là thị trường năng lượng đang phát triển nhanh nhất khu vực Châu Á.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào nhiệt điện than, chiếm khoảng 46% tổng nguồn cung năng lượng của Việt Nam vào năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 56% vào năm 2030 trong lúc chúng ta vẫn đang ràng buộc với cam kết giảm lượng phát thải khí carbon trong thời gian tới.
Theo đánh giá của ông Tee Boon Teong, trong tương lai, chắc chắn than vẫn sẽ là một kênh năng lượng quan trọng của thị trường Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đã cố gắng bổ sung năng lượng tái tạo, nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay, đòi hỏi việc gia tăng sử dụng than, với tổng số các nhà máy có nguồn năng lượng từ than tăng từ 32 vào năm 2020 lên 51 vào năm 2050, tiêu thụ 129 triệu tấn than mỗi năm.
"Đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan mà chúng ta cần phải giải quyết. Làm sao để Việt Nam phát triển tiệm cận gần hơn nữa với nền kinh tế, có thể xử lý hết được nguồn khí thải carbon trong khi vẫn có thể áp dụng được công nghệ mới, công nghệ xanh, không làm lãng phí cơ sở hạ tầng mà chúng ta đã phát triển trước đây", ông Tee Boon Teong cho hay.
Đặc biệt, ông Tee Boon Teong nhấn mạnh: “Câu trả lời cho bài toán hóc búa này là chúng ta cần phải tập trung vào sáng tạo và khoa học công nghệ. Việt Nam cần tìm kiếm những sản phẩm, công nghệ và phương tiện khai thác hiệu quả nhưng vẫn lưu giữ được nguồn phát thải carbon ngay từ khi chúng ta thực hiện quy trình tách chiết cuối cùng ở đầu ra để giữ lại khí thải carbon này trước khi chúng kịp thải ra môi trường. Khi đó mới đảm bảo được quy trình sản xuất ngày càng thân thiện với môi trường nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế”.
Tất cả những điều này đòi hỏi thời gian, nỗ lực và sự đóng góp của các bên liên quan và ngành nói chung, cả trong nước và quốc tế. Tổng đầu tư vào lĩnh vực than của Việt Nam, được sử dụng làm ước tính chung cho tổng đầu tư khai thác của Việt Nam là một con số đáng kể ở mức 17 tỷ USD, với sự đóng góp lớn từ Trung Quốc là 50%, Nhật Bản là 23%. Các khoản đầu tư này dự kiến sẽ tăng lên trong tương lai nhưng sẽ phát triển khi các bên đóng góp mới xuất hiện để cung cấp các giải pháp chuyển tiếp và môi trường nhằm giảm thiểu tác động của carbon trong ngành khai khoáng ở Việt Nam.
Cũng tại triển lãm, ông Nguyễn Ngọc Cơ - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã chia sẻ việc áp dụng các công nghệ hiện đại trong khai thác than của Tập đoàn. Theo đó, các mỏ hầm lò của TKV đã và đang áp dụng nhiều công nghệ khai thác hiện đại, tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là các hệ thống cơ giới hóa, tự động hóa trong các khâu: đào lò, khai thác, thông gió và kiểm soát khí mỏ, thóat nước mỏ... Tỷ lệ than khai thác bằng hệ thống cơ giới đồng bộ ngày càng tăng, tỷ lệ tổn thất than trong khai thác ngày một giảm, làm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, tiết kiệm tài nguyên.
Với các mỏ lộ thiên, TKV đã và đang đầu tư các thiết bị bốc xúc, vận tải có tải trọng lớn để nâng năng lực bốc xúc, vận tải. Tập đoàn liên tục đổi mới công nghệ nổ mìn, liên thông hệ thống khai thác để tạo ra các khai trường lộ thiên công suất lớn và từng bước băng tải hóa công tác vận chuyển.
Theo ông Nguyễn Ngọc Cơ, TKV luôn xác định, song song với triển khai tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp, Tập đoàn tập trung tái cơ cấu công nghệ theo hướng tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ số và các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm đổi mới công nghệ khai thác, hiện đại hóa, tự động hóa, thông minh hóa để nâng cao năng suất, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Cũng liên quan đến việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong ngành khai khoáng, trước đó, tại Hội thảo “Công nghệ tiên tiến của Cộng hòa Séc trong điều tra cơ bản về địa chất và khai khoáng” được tổ chức tại Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Nguyên cho biết: Tổng cục đang được giao thực hiện các nhiệm vụ điều tra để từng bước làm rõ tổng thể các nguồn tài nguyên địa chất và khoáng sản. Bởi vậy, việc áp dụng các phương pháp kỹ thuật hiện đại và tiên tiến trong nghiên cứu địa chất và khoáng sản rất cần thiết với Tổng cục.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ TN&MT mong muốn đẩy mạnh đưa công nghệ hiện đại vào công tác điều tra cơ bản địa chất và khoáng sản, cũng như trong kỹ thuật thăm dò và chế biến khoáng sản. Tổng cục cũng mong muốn được lắng nghe những chia sẻ của các công ty của Cộng hòa Séc về công nghệ và kinh nghiệm thăm dò, công nghệ tiên tiến trong chế biến khoáng sản đã và đang được áp dụng thành công tại Cộng hòa Séc và các nước trên thế giới.
Theo báo cáo, trong 7 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của ngành khai khoáng giảm 6,3%, lượng dầu thô và khai thác tự nhiên giảm 10,4%. Hoạt động của ngành khai khoáng tại Việt Nam đang đối diện với một số vấn đề như chưa sử dụng triệt để, tối ưu nguồn khoáng sản để mang lại lợi ích về mặt kinh tế, vấn đề về khả năng khai thác xuống sâu và đi xa.
Sỹ Tùng