Xu hướng khoa học, công nghệ thế giới có tác động đến ngành Tài nguyên và môi trường
21/05/2023TN&MTDự báo về 08 nhóm xu hướng lớn ảnh hưởng quan trọng đối với hệ thống nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong giai đoạn 10-15 năm tiếp theo và cả thời gian sau đó. Xu hướng đó của thế giới có tác động đến ngành Tài nguyên và Môi trường
ảnh minh họa
Đổi mới mô hình tăng trưởng, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải góp phần nâng cao năng lực công nghệ quốc gia, hỗ trợ việc tiếp thu, làm chủ và nâng cấp công nghệ nhập. Phát triển kinh tế - xã hội dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.Về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST), OCED đưa ra dự báo về 08 nhóm xu hướng lớn ảnh hưởng quan trọng đối với hệ thống nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong giai đoạn 10-15 năm tiếp theo và cả thời gian sau đó. Các xu hướng bao gồm: Nhân khẩu học/dân số (gia tăng tại các quốc gia đang phát triển, già hóa và di cư quốc tế); Tài nguyên thiên nhiên và năng lượng; Biến đổi khí hậu và môi trường; Toàn cầu hoá; Vai trò của chính phủ; Kinh tế, việc làm và năng suất; Xã hội; Sức khoẻ, bất bình đẳng và phúc lợi.
Xu hướng lớn ảnh hưởng đến khoa học, công nghệ và ĐMST
Những xu hướng này diễn ra tương đối chậm và có giá trị tham khảo hữu ích khi cân nhắc về những thách thức chính trị, xã hội và kinh tế mà khoa học, công nghệ và ĐMST phải đổi mặt. Nhiều thách thức đã được giải quyết bởi các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và dược coi là “những thách thức xã hội lớn”.
Ở trong nước, các xu hướng chính trên thế giới ảnh hưởng đến phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST của Việt Nam gồm 07 xu hướng lớn: Chuyển dịch sức mạnh kinh tế toàn cầu; Vị thế địa chính trị của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới; Toàn cầu hoá; Khoa học, công nghệ và ĐMST ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với tăng trưởng kinh tế và năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Xu hướng thay đổi/dịch chuyển cơ cấu xã hội; Biến đổi khí hậu và khan hiếm tài nguyên. Các xu hướng lớn nêu trên có các xu hướng liên quan trực tiếp các lĩnh vực quản lý của Bộ TN&MT là tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu và môi trường và hoạt động khoa học, công nghệ và ĐMST của ngành TN&MT, cụ thể như:
Tài nguyên thiên nhiên, dân số tăng, tăng trưởng kinh tế và tiêu thụ năng lượng tăng cao gia tăng áp lực lên các nguồn tài nguyên nhiên nhiên. Khoa học, công nghệ và ĐMST sẽ góp phần để giải quyết áp lực gia tăng này. Cụ thể sự phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST nhằm mang lại các kiến thức mới, các giải pháp sáng tạo và cơ sở hạ tầng tiên tiến để cải thiện việc giám sát, quản lý và năng suất của các nguồn tài sản tự nhiên và cuối cùng có thể tách biệt tăng trưởng kinh tế ra khỏi việc làm suy giảm tài nguyên. Cải tiến công nghệ tưới tiêu và áp dụng công nghệ robot trong nông nghiệp có thể giúp giám sát tốt hơn việc sử dụng nước và làm chậm sự cạn kiệt nước ngầm. Trong đó, vai trò quan trọng của chính phủ được khẳng định trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng tri thức, chia sẻ kiến thức và những thực tiễn tốt nhất, cung cấp tài chính cho nghiên cứu về nông nghiệp, năng lượng và quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Biến đổi khí hậu, giảm thiểu mức độ cũng như tác động của biến đổi khí hậu sẽ cần đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về giảm phát thải khí nhà kính. Đổi mới công nghệ năng lượng sẽ là chìa khóa để đạt được giảm lượng phát thải khí nhà kính và giảm sự nóng lên trên toàn cầu. Bên cạnh đó, khoa học, công nghệ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giám sát các hệ sinh thái và quản lý thiên tai. Các cơ quan khí tượng thuỷ văn quốc gia phụ trách các hệ thống cảnh báo sớm sẽ ngày càng phải dựa vào các dữ liệu vệ tinh, bổ sung cho các hệ thống radar trên mặt đất, để duy trì quan trắc liên tục thời tiết toàn cầu và cảnh báo hiệu quả hơn.
Bảo vệ môi trường, sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế làm phát sinh lượng chất thải ngày càng tăng và gây áp lực đối với việc xử lý chất thải. Xu hướng phổ biến của thế giới hiện nay là xử lý và tái chế chất thải hướng đến nền kinh tế tuần hoàn các bon thấp. Hoạt động KH&CN là nhân tố quan trọng trong việc dự báo, phòng ngừa, cải tạo, phục hồi, xử lý ô nhiễm môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Các quốc gia trên thế giới đã nỗ lực rất nhiều để hạn chế sự phát sinh chất thải và tốc độ gia tăng chất thải đô thị bởi có tác động tiêu cực đến sức khoẻ con người và môi trường. Nhờ việc ứng dụng công nghệ tái chế mà lượng chất thải được đưa trở lại nền kinh tế (ví dụ sản xuất điện, nhiệt từ rác thải…) và bảo vệ được môi trường sống của con người.
Lê Nguyệt Hằng