Xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia chất lượng, đúng tiến độ trình Quốc hội cuối năm 2022
10/05/2022TN&MTYêu cầu nêu trên là một trong những nội dung chính của Công văn số 4215/VPCP-NN về việc lập các hợp phần tích hợp vào quy hoạch không gian biển quốc gia. Việc xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia có ý nghĩa rất lớn về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh và là nhiệm vụ rất quan trọng. So sánh về cấp độ, đây được coi là 1 trong 3 quy hoạch quan trọng nhất đối với nước ta.
Công cụ quan trọng để quản lý biển hiệu quả
Theo Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, không gian biển (KGB) quốc gia được hiểu là khoảng không gian bao gồm vùng đất ven biển, đảo, quần đảo, mặt nước, khối nước, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển thuộc phạm vi vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.
Quy hoạch không gian biển quốc gia (QHKGBQG) được xác định là một công cụ để quản lý biển. Đồng thời, sẽ phân tích, đánh giá về các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh trực tiếp tác động và thực trạng sử dụng không gian của các hoạt động trên vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Ngoài ra, cũng xác định các vùng cấm khai thác, các vùng khai thác có điều kiện, khu vực khuyến khích phát triển, khu vực cần bảo vệ đặc biệt cho mục đích QP-AN, BVMT và bảo tồn hệ sinh thái trong vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; dự báo xu thế biến động của TN&MT, các tác động của BĐKH đối với TN&MT; nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên và yêu cầu BVMT trong vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trong thời kỳ quy hoạch. Bên cạnh đó, QHKGBQG cũng dự báo bối cảnh và các kịch bản phát triển; đánh giá các cơ hội và thách thức cho các hoạt động sử dụng KGB; xác định các quan điểm và mục tiêu phát triển.
Quy hoạch KGB quốc gia còn định hướng bố trí sử dụng không gian các hoạt động trong vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Đồng thời, phân vùng sử dụng vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch; danh mục dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện.
Xây dựng và thực hiện hiệu quả QHKGBQG sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường và xã hội. Quy hoạch góp phần phân bổ không gian cho bảo tồn biển từ đó tạo ra các lợi ích về KT - XH như cải thiện nguồn lợi thủy sản và thu hút du lịch. Ở cấp độ xã hội, QHKGBQG có thể cải thiện cơ hội cho sự tham gia của cộng đồng và các bên có liên quan trong quản lý sử dụng đại dương và cho phép bảo vệ các giá trị văn hóa, xã hội và giải trí. Một lợi ích quan trọng khác của QHKGBQG là tăng sự đảm bảo chắc chắn cho các khoản đầu tư của khu vực tư nhân vào khu vực này cũng như tính minh bạch trong các thủ tục cấp phép.
Tập trung trí tuệ hoàn thiện quy hoạch
Thực hiện nhiệm vụ Bộ TN&MT giao, Việt Nam hiện đang tập trung trí tuệ để hoàn thiện QHKGBQG, dự kiến trình Quốc hội vào cuối năm nay. Theo đó, Tổng cục đang tích cực phối hợp với các bên liên quan tổ chức triển khai lập QHKGBQG, bước đầu đã xây dựng được dự thảo lần 1 Báo cáo thuyết minh QHKGBQG thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nội dung gồm 5 phần, gồm: Các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh trực tiếp tác động và thực trạng sử dụng KGB của các hoạt động; dự kiến xu thế biến động của TN&MT, các tác động của BĐKH; nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên và BVMT; dự báo bối cảnh và các kịch bản phát triển; cơ hội và thách thức cho các hoạt động sử dụng KGB; QHKGBQG thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045; tổ chức, giám sát thực hiện quy hoạch.
Quan điểm xây dựng QHKGBQG phải bám sát và thể hiện được tư tưởng của Đảng, Nhà nước về sử dụng KGB, đưa nước ta trở thành quốc gia thịnh vượng từ biển, có nền văn hóa biển đậm đà bản sắc, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại. Sử dụng KGB phải bảo đảm khả năng phục hồi, chống chịu của các hệ sinh thái môi trường; bảo đảm sự gắn kết và bổ trợ lẫn nhau với các ngành, lĩnh vực trên đất liền tạo thành một thành một chỉnh thể thống nhất trong phát triển quốc gia; bảo đảm sự hài hòa giữa các phát triển kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, ứng phó với thiên tai, BĐKH, nước biển dâng; phát triển có trọng tâm, dựa trên những lợi thế so sánh, cạnh tranh của từng ngành, lĩnh vực biển.
Phát huy cao nhất các nguồn lực trong nước, nhất là ưu tiên đầu tư NSNN cho công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản, đào tạo nguồn nhân lực về biển. Chủ động, nâng cao hiệu quả hội nhập, hợp tác quốc tế, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ biển nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.
Lấy KHCN, đổi mới sáng tạo và thành tựu của cách mạng công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá cho phát triển các ngành, lĩnh vực biển và sử dụng bền vững KGB. Bảo đảm nguyên tắc phòng ngừa nhằm hạn chế những rủi ro, thiệt hại do thảm họa; nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của các bên liên quan trong sử dụng KGB; nâng cao hiệu quả hội nhập, hợp tác quốc tế và tuân thủ các Điều ước, Công ước, Hiệp ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Quy hoạch thực hiện quản lý, khai thác và sử dụng KGB hướng tới mục tiêu quốc gia mạnh về biển, giàu về biển trong khu vực và trên thế giới, trong đó, các ngành kinh tế biển có sức cạnh tranh cao, tạo ra nhiều sinh kế cho người dân gắn với phát triển bền vững về xã hội, ứng phó hiệu quả thiên tai, BĐKH, bảo đảm QP-AN vững chắc cho Việt Nam, dựa trên bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái, các nguồn tài nguyên và các giá trị văn hóa ven biển, biển, đảo. Theo đó, định hướng bố trí sử dụng không gian, đối với các vùng, kế thừa cách thức phân vùng ven biển và ven biển của Nghị quyết số 36-NQ/TW, theo đó, bao gồm 4 vùng biển: Vùng biển và ven biển phía Bắc (từ Móng Cái - Ninh Bình); Vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ (từ Thanh Hóa - Bình Thuận); Vùng biển và ven biển Đông Nam Bộ (Bà Rịa Vũng Tàu - TP. Hồ Chí Minh); Vùng biển và ven biển Tây Nam Bộ (Tiền Giang - Cà Mau - Hà Tiên). Việc phân vùng này nhằm bảo đảm tính thống nhất trong công tác quy hoạch vùng, giữa đất liền và vùng biển. Trong từng Vùng, sẽ phân vùng sử dụng vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam (theo Điều 21, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP).
Đảm bảo tiến độ trình Quốc hội thông qua
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân, năm 2022, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cần xây dựng QHKGBQG đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các bộ, ngành, địa phương làm căn cứ sử dụng KGB, phân khu chức năng bảo vệ, phát triển kinh tế biển, bảo đảm khả năng phục hồi, chống chịu của các hệ sinh thái môi trường; bảo đảm sự gắn kết và bổ trợ lẫn nhau với các ngành, lĩnh vực trên đất liền tạo thành một chỉnh thể thống nhất trong phát triển quốc gia; bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, ứng phó với thiên tai, BĐKH, nước biển dâng; phát triển có trọng tâm, dựa trên những lợi thế so sánh, cạnh tranh của từng ngành, lĩnh vực biển.
Theo đó, Tổng cục ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý các nhiệm vụ lập quy hoạch do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam làm Chủ đầu tư. Phối hợp Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an về việc hướng dẫn giải mật đối với tài liệu thuộc nhiệm vụ lập QHKGBQG và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, tham mưu Bộ TN&MT gửi công văn tới các bộ, ngành có liên quan xin ý kiến các hợp phần quy hoạch tích hợp vào QHKGBQG. Ngoài ra, Tổng cục tiếp tục tăng cường công tác QLNN về điều tra cơ bản, nghiên cứu KHCN về TN, MT biển và hải đảo. Triển khai thẩm định các hồ sơ đề nghị cấp phép nhận chìm, hồ sơ đề nghị giao khu vực biển và hồ sơ liên thông cấp phép nhận chìm, giao khu vực biển đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình. Song song với đó là củng cố và mở rộng quan hệ với các đối tác đa phương, song phương, đặc biệt chú ý phát triển hợp tác với các đối tác đa phương; chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc bảo tồn, sử dụng bền vững biển và đại dương; giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; tranh thủ tối đa các nguồn lực, sự hỗ trợ quốc tế để nâng cao năng lực quản lý và khai thác biển, trong đó chú trọng các lĩnh vực KHCN, tri thức và đào tạo nguồn nhân lực; triển khai xây dựng các đề án, dự án hợp tác quốc tế.
Việc xây dựng QHKGBQG này có ý nghĩa rất lớn về chính trị, KT-XH, QP-AN và là nhiệm vụ rất quan trọng. So sánh về cấp độ, đây được coi là 1 trong 3 quy hoạch quan trọng nhất đối với nước ta. Đơn vị thực hiện Quy hoạch cần tập trung vào các vấn đề ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm; bên cạnh việc kế thừa, tận dụng những cái đã có, cần đầu tư công sức, trí tuệ cho công việc mới để nâng cao giá trị quy hoạch. Tuy nhiên, việc xây dựng QHKGBQG có những khó khăn nhất định. Đây lần đầu tiên chúng ta làm một quy hoạch có tính tổng hợp, tổng thể,… Trong quá trình xây dựng quy hoạch, đơn vị thực hiện cần chú trọng đến cơ sở dữ liệu; làm rõ hơn, định vị, đưa ra được tiêu chí rõ ràng hơn so với các nội dung đã có trong Chiến lược kinh tế biển. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế để xây dựng quy hoạch, như mới đây, Trung Quốc đã đưa ra Chiến lược về văn minh sinh thái biển, hay Úc cũng có các Chiến lược và Quy hoạch liên quan. Mặt khác, quy hoạch này cần nói rõ hơn về vấn đề BĐKH, với các hiện tượng như nước biển dâng, xói lở bờ sông, bờ biển,…
Để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng quy hoạch, thiết nghĩ đơn vị thực hiện quy hoạch cần chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan như Viện Chiến lược Chính sách TN&MT; Viện Khoa học KTTV&BĐKH, Viện Khoa học ĐC&KS, Tổng cục ĐC&KS Việt Nam, Tổng cục Môi trường, Tổng cục KTTV, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TN&MT,… để xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tiếp thu các ý kiến thảo luận, phối hợp với đơn vị thực hiện Quy hoạch để điều chỉnh lại kế hoạch, tập trung hơn vào một số việc cần phải làm, tránh dàn trải.
BẢO TRÂM
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam