Xây dựng, bảo vệ, cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai thích ứng biến đổi khí hậu

12/08/2024

TN&MTViệt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Thiên tai nghiêm trọng thường xuyên diễn ra trên khắp các vùng miền cả nước với xu thế ngày càng gia tăng và khốc liệt với 22 loại hình thiên tai đã được luật hóa, đặc biệt là bão, lũ, lũ quét sạt lở đất, ngập lụt ngày càng khốc liệt vượt các mốc lịch sử đã được ghi nhận.

Xây dựng, bảo vệ, cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai thích ứng biến đổi khí hậu

Công trình phòng chống thiên tai đóng vai trò quan trọng trong phòng chống bão lũ, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại tài sản, nhất là tính mạng con người. Trong khi đó, theo đánh giá của cơ quan phòng chống thiên tai, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thực trạng cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai

Cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ yêu cầu PCTT đê điều, hồ đập, kè, chống úng, chống hạn, chống xâm nhập mặn, chống sạt lở, chống sụt lún đất, chống lũ quét, chống sét; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, nhà kết hợp sơ tán dân và công trình khác phục vụ PCTT,… đã từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp và phát huy hiệu quả. Hệ thống đê điều có quy mô lớn với tổng số 53.776 km đê, đê bao, bờ bao, trong đó có 9.220 km đê (Đê sông: 6.458 km; đê cửa sông: 1.171 km; đê biển: 1.320 km; 271 km đê bao). Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn có khoảng 44.545 km bờ bao.

Sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn ra trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt nghiêm trọng tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và ven biển Trung Bộ gây thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng, tài sản của nhân dân, uy hiếp đến phát triển bền vững kinh tế - xã hội của cả nước.

Hiện nay, trên cả nước có khoảng 2.055 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 2.710 km: Bắc Bộ có 471 điểm tổng chiều dài 413 km; Trung Bộ và Tây Nguyên có 905 điểm tổng chiều dài 1348 km; Nam Bộ có 679 điểm, tổng chiều dài 949 km; trong đó sạt lở đặc biệt nguy hiểm là 93 điểm, tổng chiều dài 273 km, riêng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện 58 điểm, dài 155,3 km.

Đối với công trình bảo vệ bờ sông, đa số các công trình do vốn nhà nước đầu tư đều đã được tính toán đảm bảo quy trình quy phạm hiện hành. Tuy nhiên, đa số các công trình chỉ đủ năng lực cho chính nó, mà chưa đảm bảo lợi ích tổng hợp của các ngành. Mặt khác, do nguồn vốn có hạn, công trình vẫn còn mang tính “lở đâu xây ở đó”, chưa đủ dài tránh khả năng gây tác hại đến vùng lân cận.

Hiện nay, cả nước có khoảng 7.808 đập, hồ chứa nước với tổng dung tích khoảng 70,5 tỷ m3, trong đó có các hồ đập Thủy lợi và hồ Thủy điện. Bao gồm 592 đập dâng và 6.750 hồ chứa thủy lợi, gồm 4 hồ chứa quan trọng đặc biệt (Dầu Tiếng, Cửa Đạt, Tả Trạch, Ngàn Trươi), 888 hồ lớn, 1.633 hồ vừa, 4.225 hồ nhỏ, 186 hồ có cửa van điều tiết, còn lại là tràn tự do) với tổng dung tích trữ khoảng 14,5 tỷ m3, tạo nguồn nước tưới cho gần 1,1 triệu ha đất nông nghiệp, cấp khoảng 1,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp; được phân bố tại 45/63 địa phương trên cả nước.

Tình hình thực hiện quy định về an toàn đập, hồ chứa thủy lợi đã bước đầu chuyển biến, tuy nhiên, nhiều địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí thực hiện, tập trung ở nhóm hồ vừa và nhỏ. Nhân lực quản lý, khai thác đập, hồ chứa thủy lợi từ cấp tỉnh đến tổ chức thủy lợi cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, lực lượng cán bộ, công nhân quản lý, vận hành còn mỏng, thiếu năng lực chuyên môn nên hiệu quả trong việc thực thi nhiệm vụ hoặc tham mưu chỉ đạo chưa cao. Nhiều địa phương chưa thành lập các tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, khai thác đập, hồ chứa thủy lợi theo quy định, vẫn giao cho UBND cấp xã quản lý đập, hồ chứa nước vừa và nhỏ, chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Các hồ chứa nhỏ hầu hết do các xã, hợp tác xã, nông trường đầu tư xây dựng thiếu chuyên môn, với trình độ kỹ thuật, nguồn vốn hạn chế nên chất lượng thiết kế, thi công chưa phù hợp, nhiều hồ chứa do nhân dân tự đắp không có hồ sơ thiết kế; thiếu kinh phí bảo trì nên bị hư hỏng, xuống cấp, suy giảm công năng phục vụ và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Theo báo cáo của địa phương, hiện cả nước còn khoảng 1.100 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp, thiếu khả năng tháo lũ, chưa có nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp, nâng cao khả năng chống lũ.

Rủi ro mất an toàn đập, hồ chứa nước gia tăng do mưa lũ diễn biến cực đoan dưới tác động của BĐKH, sự suy giảm rừng đầu nguồn, thảm phủ thực vật trên lưu vực hồ chứa. Từ năm 2010 đến nay, cả nước đã xảy ra 74 sự cố đập, hồ chứa nước gây hư hỏng công trình, ngập lụt ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân hạ du. Nguyên nhân sự cố do ảnh hưởng của mưa, lũ dòng chảy về hồ vượt tần suất thiết kế, công trình đầu mối bị hư hỏng, xuống cấp; năng lực của đơn vị quản lý chưa đáp ứng yêu cầu; công tác kiểm định an toàn đập hầu hết chưa được thực hiện, kiểm tra đập hồ chứa nướcbằng trực quan nên chưa phát hiện được ẩn họa trong đập.

Cả nước bao gồm 466 hồ thủy điện (18 hồ chứa thủy điện quan trọng đặc biệt, 158 hồ lớn, 308 hồ vừa và nhỏ), với tổng dung tích là 56 tỷ m3 (chiếm 86% tổng dung tích các hồ), tổng công suất lắp máy 19.681 MW, chiếm 37% tổng công suất hệ thống điện quốc gia.

Một số hồ chứa thủy điện ngoài mục đích cung cấp nguồn thủy năng cho nhà máy thủy điện còn tham gia chống lũ, đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phối hợp với các hồ chứa thủy lợi cấp nước cho nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, nông nghiệp và sản xuất của nhân dân vùng hạ du trong mùa kiệt.

Hệ thống khu neo đậu tàu thuyền được đầu tư củng cố nhằm góp phần giảm đáng kể thiệt hại đối với tàu thuyền vào tránh trú khi có bão và áp thấp nhiệt đới. Từ năm 2002 đến nay đã hoàn thành xây dựng 71 khu neo đậu (trong đó có 16 khu cấp vùng, 55 khu cấp tỉnh) với công suất 46.212 tàu neo đậu theo yêu cầu. Hầu hết cấp công trình được phê duyệt là cấp III nên các thông số thiết kế tương ứng mực nước, sóng tần suất 2%, bão cấp 9. Tuy nhiên, nhiều tỉnh ven biển miền Bắc và miền Trung đã có những cơ bão cấp 10, cấp 11, thậm chí cấp 12 đổ bộ, chưa tính đến nếu siêu bão đổ độ thì công trình khó có thể an toàn. Vấn đề bồi lắng khu vực cửa sông ở nhiều cửa sông, tuyến luồng để tàu thuyền có thể an toàn di chuyển vào các khu tránh trú khi có bão khá nghiêm trong. Hầu hết các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền ở các tỉnh ĐBSCL đều bị bồi lắng và không được nạo vét thường xuyên. Nhiều khu neo đậu tránh trú bão chỉ đạt 30-60% cho số lượng tàu thuyền cần tránh trú bão của khu vực, hoặc không đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, trụ neo, hoặc xuống cấp, bãi neo đậu bồi lắng.

Hệ thống công trình thủy lợi và tiêu úng đô thị đã được chú trọng đầu tư góp phần phát triển kinh tế, xã hội và PCTT. Đến nay, trên phạm vi cả nước đã xây dựng được 110 hệ thống thuỷ lợi vừa và lớn; trên 10 nghìn trạm bơm, 10.000 trạm bơm điện lớn, 5.500 cống tưới, tiêu lớn, 234.000 km kênh mương. Tổng năng lực tưới hệ thống thủy lợi đạt 3,52 triệu ha đất canh tác, đảm bảo tưới cho 7,3 triệu ha diện tích gieo trồng lúa, 1,5 triệu ha rau màu, cây công nghiệp, cấp khoảng 6 tỷ m3 nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp, ngăn mặn cho 0,87 triệu ha, cải tạo chua phèn 1,6 triệu ha, tiêu cho 1,72 triệu ha đất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về cấp thoát nước phục vụ công nghiệp và dân sinh. Trong đó, vai trò của các hệ thống công trình thủy lợi lớn là rất quan trọng. Do vậy, phải xây dựng mới một số hệ thống thủy lợi lớn có vai trò chủ yếu trong việc kiểm soát, điều tiết nước. 

Trong những năm gần đây, tình trạng lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở đất đã xảy ra tại hầu hết các khu vực miền núi trong cả nước từ miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, cho tới Tây Nguyên. Lũ quét và sạt lở đất diễn ra phức tạp và nguy hiểm, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, để lại hậu quả lâu dài. Chương trình bố trí dân cư những năm qua đã di chuyển trên 34.964 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao về thiên tai (sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lũ, sụt lún đất…) và hàng nghìn hộ ở phân tán trong rừng phòng hộ, đặc dụng, từng bước giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản khi có mưa lũ, hạn chế phá rừng, di cư tự do góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và củng cố quốc phòng, an ninh.

Lĩnh vực giao thông vận tải có mối liên hệ hết sức mật thiết với công tác PCTT như đảm bảo an toàn hàng hải trong bão, vận chuyển lực lượng trang thiết bị ứng phó thiên tai, điều phối nhu yếu phẩm cứu trợ khẩn cấp.... Thời gian vừa qua, hệ thống giao thông vận tải đã được đầu tư đồng bộ, hiện đại, tăng tính kết nối, hỗ trợ đắc lực cho công tác PCTT..

Tăng cường chống chịu của cơ sở hạ tầng, thích ứng biến đổi khí hậu 

GS, TS. Trần Đình Hòa, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết, cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ về nhà ở tại khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, nhất là đối với các hộ nghèo, khó khăn nhằm nâng cao khả năng chống chịu, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân trước thiên tai.

Xây dựng, củng cố, nâng cấp các tuyến đê sông, đê biển theo quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều. Đầu tư sửa chữa dứt điểm đập, hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp; từng bước đầu tư nâng cấp, xây dựng bổ sung đập, hồ chứa và hệ thông thủy lợi để bảo đảm an ninh nguồn nước; nâng cao năng lực quản lý, theo dõi, giám sát, vận hành hồ đập, hệ thống thủy lợi lớn, hướng tới vận hành theo thời gian thực. Rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa đảm bảo phù hợp với những thay đổi về mục tiêu cắt, giảm lũ, cấp nước cho hạ du và phát điện của các hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Nâng cấp các công trình nơi neo đậu tránh, trú bão và thông tin, hậu cần nghề cá; ưu tiên đầu tư xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng tại các đảo và các khu vực trọng điểm.

Nghiên cứu các giải pháp nâng cao năng lực phòng chống lũ, ngập lụt đô thị, khu dân cư tập trung, đảm bảo an toàn hồ đập, vùng hạ lưu hồ chứa; nâng cao năng lực dự báo hạn hán, xâm nhập mặn, phòng chống xói, lở, bồi lấp cửa sông; nghiên cứu phát triển công nghệ cảnh báo, giải pháp phòng, tránh, giảm thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, vật liệu mới trong PCTT.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong PCTT, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ quan tham mưu các cấp; xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ trong PCTT, tiến tới đồng bộ, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, quy trình, công cụ tính toán dự báo, cảnh báo, giám sát thiên tai. Nghiên cứu cơ chế chia sẻ thông tin, phương thức truyền tin; ứng dụng KHCN tự động hóa trong kết nối, cập nhật, phân tích dữ liệu về thiên tai để phục vụ hỗ trợ ra quyết định ứng phó thiên tai kịp thời, hiệu quả.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 theo Quyết định số 957/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại một số khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng đến an toàn dân cư.

Đầu tư khắc phục các vị trí đường giao thông gây cản trở thoát lũ, nhất là trên các tuyến đường bộ, đường sắt tại khu vực miền Trung để đảm bảo an toàn, không làm gia tăng rủi ro thiên tai. Có biện pháp xử lý các vị trí có nguy cơ xảy ra sụt, trượt, ngập sâu khi mưa lũ nhằm đảm bảo an toàn, không làm gia tăng rủi ro thiên tai; lắp đặt thiết bị cảnh báo mức độ ngập tại các ngầm tràn thường xuyên bị ngập lụt phục vụ công tác đảm bảo an toàn giao thông.

Xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, kết hợp đa mục tiêu các trụ sở chính, công trình công cộng như y tế, giáo dục, văn hóa thể thao, du lịch, nhà sinh hoạt cộng đồng thành nơi tránh trú khi xảy ra thiên tai. Đầu tư công trình hạ tầng theo hướng đa mục tiêu như đường, đê kết hợp sơ tán dân cư khi ngập lụt. Đầu tư nâng cao khả năng chống ngập lụt cho các đô thị, nhất là ngập lụt khi mưa lớn, triều cường; xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng khoa học công nghệ cảnh báo sớm ngập lụt để người dân chủ động ứng phó, giảm rủi ro do thiên tai, thích ứng BĐKH.

NGUYỄN VĂN NGỌ
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 11+12 năm 2024

Tin tức

Hội nghị Trung ương 10: Cho ý kiến về 10 nội dung thuộc 2 nhóm vấn đề chiến lược

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 10 khoá XIII

Đảng ủy Bộ TN&MT quán triệt, triển khai Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị

Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ tổ chức Hội nghị về kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Tài nguyên

Thăm dò, quản lý trữ lượng, tài nguyên khoáng sản: Hướng đến khai thác bền vững

Sơn La: Hoàn thành điều tra, đánh giá ô nhiễm đất

Cần Thơ: Phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành

Thừa Thiên - Huế: Tập trung nguồn lực để tuyên truyền hiệu quả Luật Đất đai 2024 vào thực tiễn

Môi trường

Nguy cơ lũ lụt cao khi bão số 4 đổ bộ

Bảo vệ môi trường di sản quần thể danh thắng Tràng An

Khắc phục sự cố vỡ đập bùn thải quặng đuôi tại Bắc Kạn

Khẩn trương kiểm soát ô nhiễm môi trường sau mưa lũ

Video

Điều chỉnh bảng giá đất phải tuân thủ quy định tại Nghị định 71/2024/NĐ-CP

Kết quả bước đầu kiểm tra 2 cuộc đấu giá đất tại huyện Thanh Oai và huyện Hoài Đức

Bộ TN&MT phổ biến các Nghị định, quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024

Bộ TN&MT mong muốn được lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong triển khai Luật Đất đai 2024

Khoa học

Bài 2: Đề xuất tiêu chí ảnh Viễn thám sử dụng trích xuất thông tin vùng ảnh hưởng do thiên tai

Dữ liệu viễn thám phục vụ cảnh báo, dự báo thiên tai

Sử dụng ảnh vệ tinh radar đánh giá nhanh thiệt hại do bão và vùng lũ lụt

Cần có giải pháp đồng bộ về cảnh báo sớm nguy cơ trượt lở đất đá, lũ quét

Chính sách

CÔNG ĐIỆN: Chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới

Thanh Hóa: Khu du lịch sinh thái biển Du Xuyên chậm tiến độ kéo dài, vi phạm các quy định của luật đất đai

Các địa phương tập trung khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống sau bão

Phát triển

Bốc thăm chia bảng giải bóng đá “Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp” lần VI - năm 2024

Hàng triệu trái tim người dân Đắk Lắk hướng về đồng bào vùng lũ miền Bắc

Quản lý thị trường Lào Cai chung tay cùng người dân địa phương vượt lũ

Phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Diễn đàn

Bão số 4 gây mưa lớn: Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam đề phòng lũ quét và sạt lở đất

Tin Bão khẩn cấp - Cơn bão số 4

Thời tiết ngày 19/9: Bão số 4 khiến khu vực Trung Bộ mưa to đến rất to

Bão Yagi: Hành trình không bao giờ quên của dự báo viên khí tượng thủy văn