Xã hội hóa nguồn lực để phục hồi rừng đầu nguồn
01/04/2024TN&MTViệt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, một trong những nguyên nhân hàng đầu là do mất rừng tự nhiên.
Những năm gần đây, diện tích rừng tự nhiên ở Việt Nam ngày càng giảm nhanh, chất lượng rừng suy thoái nặng nề. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, diện tích rừng bị thiệt hại ước hơn 22.800ha, trong đó, rừng bị cháy khoảng 13.700ha, còn lại do bị chặt phá trái phép. Bình quân mỗi năm nước ta suy giảm khoảng 2.500ha rừng.
Hệ sinh thái rừng cung cấp cho con người, môi trường và nền kinh tế rất nhiều hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, diện tích rừng tự nhiên tại Việt Nam đang suy giảm nhanh chóng, để lại những hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, mất rừng tự nhiên ảnh hưởng rất lớn đến sức chống chịu của các lưu vực đầu nguồn các con sông lớn ở Việt Nam và ảnh hưởng đến cuộc sống của một cộng đồng lớn đồng bào dân tộc tại các vùng núi.
TS Ngô Văn Hồng, Phó Giám đốc VARS phát biểu
Chia sẻ với Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, TS. Ngô Văn Hồng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam (VARS) cho rằng: Muốn hồi sinh những cánh rừng, cần phải dựa vào chính người dân địa phương. Tuy nhiên, hiện còn gặp nhiều hạn chế do bà con khó khăn về kỹ thuật và nguồn tài chính ban đầu.
Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam (VARS) ra đời theo hình thức doanh nghiệp xã hội, hoạt động phi lợi nhuận, vận động các nguồn lực xã hội để trồng và phục hồi rừng đầu nguồn bằng những giống cây bản địa với chương trình “Góp một cây để có rừng”. Với tâm huyết của những con người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý rừng và phát triển xã hội, các dự án của VARS hoạt động dựa trên việc hợp tác chặt chẽ giữa VARS - Đối tác chuyên môn - Chính quyền địa phương - Chủ rừng. Trong đó, người dân được đặt ở vị trí trung tâm, trực tiếp chăm sóc cây rừng và hưởng thụ lợi ích từ việc trồng rừng.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của VARS cũng như các tổ chức, cá nhân đồng hành trong suốt hành trình trồng rừng, chương trình “Góp một cây để có rừng” đã mở rộng diện tích rừng trồng tới 17 xã thuộc 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Sơn La.
Tính đến tháng 3/2024, VARS đã hoàn thành việc trồng rừng trên hơn 521 hecta, tương đương với 617.102 cây giống bản địa như Lim, Dổi, Huỷnh, Vàng Tim, Re, Lát, Xoan.
TS. Ngô Văn Hồng chia sẻ: “Mô hình trồng và phục hồi rừng của VARS được xây dựng dựa trên nền tảng vận dụng tri thức bản địa, đặt người dân ở vị trí trung tâm, đồng thời phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương, các đối tác chuyên môn - kỹ thuật và những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có quan tâm. Để có được một mô hình bền vững, hiệu quả và phù hợp với cộng đồng bản địa là thử thách lớn, tuy nhiên, chỉ khi thực sự đi vào triển khai và rút kinh nghiệm từ những thiếu sót, từ từ hoàn thiện, chúng ta mới có thể xây dựng một mô hình hiệu quả. Đó là điều VARS đang nỗ lực thực hiện.”
Khởi động dự án tại rừng bản Kè (Tuyên Hóa, Quảng Bình) - điểm khởi đầu của Chương trình “Góp một cây để có rừng”
Quảng Bình là điểm khởi đầu của Chương trình “Góp một cây để có rừng”. Từ khu rừng đầu tiên tại bản Kè (Tuyên Hóa, Quảng Bình), chương trình đã mở rộng diện tích rừng trồng tới 21 xã thuộc 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Sơn La.
Trong năm 2023, VARS tiếp tục trồng mới thêm 52,8 hecta rừng tại Quảng Bình và 150 hecta rừng tại Quảng Trị, nâng diện tích rừng của Quảng Bình lên 233,6 hecta và Quảng Trị lên 267,9 hecta. Đồng thời, công tác chăm sóc 308,39 hecta rừng trồng năm 2021 và 2022 cũng được liên tục duy trì và đạt kết quả nghiệm thu tốt.
Ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) cho biết: Tuyên Hoá là huyện miền núi, biên giới nằm phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Bình. Với tiềm năng diện đất lâm nghiệp rộng lớn rất thuận lợi để tập trung phát triển kinh tế về lĩnh vực lâm nghiệp. Tuy nhiên, huyện cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Nguyên nhân chính do đa số người dân sống gần rừng không có công ăn việc làm ổn định cuộc sống mưu sinh chủ yếu dựa vào rừng dẫn đến phá rừng, lấn chiếm đất rừng để trồng rừng.
Ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) phát biểu
Từ năm 2021 đến nay, Công ty TNHH xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam, Trung Tâm nghiên cứu quản trị Tài nguyên vùng cao CEGONR phối hợp với UBND huyện Tuyên Hóa triển khai thực hiện Chương trình trồng phục hồi rừng đầu nguồn Sông Gianh nhằm tạo điều kiện cho các hộ dân đã vi phạm lấn, chiếm đất lâm nghiệp giảm bớt khó khăn trong việc trồng phục hồi lại rừng bằng các loại cây giống lâm nghiệp bản địa trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa chia sẻ: Qua 3 năm triển khai phối hợp thực hiện đã trồng được 233,59 ha rừng bằng các loại giống cây lâm nghiệp bản địa để phục hồi lại rừng trên diện tích đất vi phạm lấn chiếm. Trong đó năm 2021 và năm 2022 trồng được 180,79 ha; năm 2023 trồng được 52,8 ha.
Qua 3 năm hoạt động, chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình trồng rừng nhờ nguồn lực xã hội hóa, ông Nguyễn Văn Sự - Chuyên gia Tài nguyên và phát triển cộng đồng, đại diện VARS nhấn mạnh: “Thông qua các sáng kiến quốc tế, các nguồn quỹ sáng kiến Cacbon, quỹ sáng kiến xanh, các nguồn vốn viện trợ phát triển,… các phong trào phục hồi rừng có thể tìm kiếm nguồn lực tài trợ. Nhưng quan trọng nhất, các đơn vị trồng rừng cần tận dụng được tối đa nguồn tài trợ của chính phủ thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, ví dụ như Đề án Trồng một tỉ cây xanh, hoặc các cam kết quốc tế về trồng rừng và biến đổi khí hậu.”
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Sự cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa tất cả các bên liên quan, lấy cộng đồng địa phương làm trung tâm, từ đó đưa ra một số kiến nghị cho hoạt động trồng rừng toàn quốc.
Trong năm thứ 4 của Chương trình “Góp một cây để có rừng”, VARS đặt mục tiêu mở rộng thêm 200 hecta diện tích rừng, tại Quảng Bình và Quảng Trị. Ngoài ra, Chương trình cũng hướng tới triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin trong việc chăm sóc, theo dõi và quản lý rừng, nhằm tối ưu hiệu quả, tối giản chi phí, tập trung nguồn lực cho hoạt động trồng rừng. Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở hoạt động trồng rừng, VARS sẽ tiếp tục lan tỏa rộng rãi thông điệp trồng và giữ rừng bền vững, nhằm kêu gọi sự chung tay từ cả cộng đồng.
Tính tới ngày 21/3/2023, chương trình “Góp một cây để có rừng” đã nhận được hơn 17 tỷ đồng từ 3538 lượt đóng góp, là sự ủng hộ của 21 tổ chức, doanh nghiệp đồng hành. Để có thể đạt được những kết quả như trên, TS. Ngô Văn Hồng cho biết VARS đã nhận được sự hỗ trợ sát sao từ chính quyền địa phương, các hạt kiểm lâm tại những tỉnh triển khai dự án. Đồng thời, nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều đơn vị là các doanh nghiệp, đối tác địa phương, đối tác truyền thông.
Và đặc biệt, chương trình đã nhận được sự tin tưởng và ủng hộ cả từ rất nhiều cá nhân là những người dành sự quan tâm cho các vấn đề về môi trường nói chung và rừng nói riêng.
“Những sự ủng hộ đó chính là động lực và sức mạnh để VARS đi những hành trình bền bỉ hơn, không chỉ là trồng rừng mà còn bảo vệ rừng và tạo sinh kế cho người dân từ rừng”, Phó Giám đốc Công ty nhấn mạnh!.
Bảo Loan