Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương
06/04/2022TN&MTÔ nhiễm rác thải biển không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và hệ sinh thái biển mà còn tác động trực tiếp tới các hoạt động kinh tế và cộng đồng dân cư ven biển, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh lương thực, an ninh năng lượng,…Cùng với sự nỗ lực của quốc tế trong việc chung tay bảo vệ đại dương, Việt Nam cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể: Đến năm 2030, 100% các khu du lịch ven biển không sử dụng nhựa dùng một lần.
Thực tế thời gian qua, việc quản lý rác thải nhựa tại các hải đảo, các khu du lịch biển, nhất là các bãi biển còn hạn chế. Việc xả rác thải nhựa bừa bãi cùng với một lượng lớn rác thải từ đại dương dạt vào các đảo, bãi tắm, đặc biệt trong mùa du lịch đang là vấn đề đáng báo động ở vùng ven biển và các hải đảo.
Để giải quyết vấn nạn này, Kế hoạch hành động đưa ra các mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025 phải tạo được sự đột phá trong nhận thức của toàn xã hội về sử dụng các sản phẩm nhựa, thải bỏ chất thải nhựa ra môi trường và tác hại của rác thải nhựa đại dương tới tài nguyên, môi trường, các hệ sinh thái biển và sức khỏe con người.
Theo đó, sẽ phải giảm thiểu 50% rác thải nhựa đại dương; 50% ngư cụ đánh bắt cá bị mất hoặc bị vứt bỏ sẽ được thu gom; 80% các khu du lịch, dịch vụ ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu 1 năm hai lần thu gom, làm sạch rác thải nhựa tại các bãi tắm biển; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.
Năm 2030, 100% các khu du lịch ven biển không sử dụng nhựa dùng một lần
Tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 với những nội dung sau
Thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
Góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 và bảo đảm xây dựng, thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam.
Phù hợp với cách tiếp cận theo mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần thúc đẩy hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa ở Việt Nam.
Nâng cao nhận thức, ứng xử và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy của cộng đồng và xã hội.
Mục tiêu cụ thể
Đến năm 2025
Giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên toàn quốc; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.
Thực hiện việc quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông thuộc 5 lưu vực sông chính tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ và tại các đảo có tiềm năng phát triển du lịch thuộc 12 huyện đảo.
Đến năm 2030
Giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.
Mở rộng quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông thuộc 11 lưu vực sông chính và tại 12 huyện đảo.
Trách nhiệm của truyền thông tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương
Xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông về tác hại của các sản phẩm sử dụng một lần có nguồn gốc từ nhựa, túi ni lông khó phân hủy đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người; các chương trình thu gom, xử lý rác thải nhựa đại dương; cách thức, ý nghĩa của việc phân loại chất thải tại nguồn, thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.
Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tốt, các sáng kiến có giá trị, đồng thời triển khai nhân rộng mô hình tốt trong phong trào thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa ở khu vực ven biển, trên biển. Thông tin cụ thể, chính xác về những trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là các trường hợp vứt, đổ chất thải, rác thải nhựa không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường.
Đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy và hành vi xả rác thải, rác thải nhựa ra môi trường đối với cộng đồng cư dân ven biển, ngư dân, thủy thủ, khách du lịch và các tổ chức, doanh nghiệp; nâng cao năng lực, kinh nghiệm quản lý chất thải, rác thải nhựa cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp ở các địa phương có biển.
Tuyên truyền, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.
Việt Anh