Việt Nam hành động vì “Thành phố sạch, Đại dương xanh”
13/03/2022TN&MTChương trình “Thành phố Sạch, Đại dương Xanh (CCBO)” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI) phối hợp thực hiện nhằm mục đích ngăn chặn làn sóng ô nhiễm nhựa đại dương thông qua việc cải thiện quản lý chất thải rắn ở cấp quốc gia và địa phương.
Ảnh minh họa
Chung tay ngăn chặn làn sóng ô nhiễm đại dương
“Thành phố Sạch, đại dương Xanh” là chương trình của USAID nhằm chống ô nhiễm nhựa đại dương, triển khai trong 5 năm (2019 - 2024). Chương trình hoạt động trên phạm vi toàn cầu, nhằm giảm thiểu các nguồn rác thải nhựa trực tiếp đổ vào đại dương, tập trung vào các khu vực đô thị hóa nhanh chóng, ước tính khoảng 8 triệu tấn nhựa đổ vào đại dương mỗi năm. Đặc biêt, tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến rác thải nhựa đại dương tại các thành phố, đô thị có tốc độ phát triển nhanh và các thị trường mới nổi tại châu Á, châu Mỹ La tinh và vùng Ca-ri-bê.
Chương trình “Thành phố Sạch, Đại dương Xanh” đã, đang và sẽ hỗ trợ các chiến lược quốc gia nhằm giảm thiểu rác nhựa đại dương và thí điểm các giải pháp trực tiếp ở 4 thành phố tham gia dự án tại Việt Nam: Huế, Đà Nẵng, Biên Hòa và Phú Quốc. Chương trình cung cấp hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia quốc tế và trong nước, trao 600.000 đô la Mỹ (tương đương khoảng 13,6 tỷ đồng) cho các tổ chức trong nước nhằm triển khai các giải pháp bền vững và phù hợp với nhu cầu địa phương. Với 5 hoạt động chính: Hỗ trợ phát triển, điều chỉnh Kế hoạch Quản lý Chất thải rắn, bao gồm hỗ trợ đánh giá và tổ chức hội thảo liên quan đến Chất thải rắn; thúc đẩy môi trường thuận lợi cho các hoạt động 3Rs (Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế), thí điểm thông qua các đơn vị đối tác nhận tài trợ; hỗ trợ chính thống hóa cho đối tượng thu gom rác không chính thức nhằm tăng thu gom, hiệu quả và sinh kế; hỗ trợ phụ nữ trong lĩnh vực thu gom rác không chính thống, doanh nghiệp do phụ nữ quản lý và các dự án về tái chế/tái sử dụng; hỗ trợ Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Hiện ở nước ta, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, đặc biệt là trong thập kỷ qua, với dân số thành thị dự kiến sẽ vượt qua dân số nông thôn vào năm 2050. Mặc dù tỷ lệ thu gom rác thải ở các trung tâm đô thị tương đối cao, việc thu gom rác thải một cách đồng bộ đang là vấn đề thách thức do hơn 1/4 dân số đô thị sống tại các khu vực đông dân cư và có thu nhập thấp. Cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới, sự phát triển đô thị của Việt Nam kết hợp với gia tăng nhu cầu và sự phụ thuộc vào các loại nhựa sử dụng một lần đã vượt quá công suất xử lý của hệ thống xử lý rác thải, dẫn đến rò rỉ ra môi trường. Chương trình “Thành phố Sạch, Đại dương Xanh” là một chương trình toàn cầu của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế tại Việt Nam để thử nghiệm các mô hình mới nhằm tăng tỷ lệ tái chế, giảm lượng chất thải chôn lấp và rò rỉ ra nguồn nước, đồng thời cải thiện sinh kế của những người lao động trong lĩnh vực thu gom và tái chế rác thải giúp xây dựng kinh tế tuần hoàn bền vững hơn.
Chương trình “Thành phố sạch, Đại dương xanh” đã nhận được nhiều sự đồng hành, ủng hộ từ các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Hành động và Phát triển vì Môi trường (ENDA) thực hiện dự án tại TP. Biên Hòa, Hiệp hội châu Á vì sự Cải thiện Xã hội và Chuyển đổi Bền vững (ASSIST) với dự án tại TP. Đà Nẵng, Tổ chức Phát triển Quốc tế (iDE) với dự án tại TP. Huế, và Trung tâm Môi trường và Phát triển nguồn lực cộng đồng (CECAD) với dự án tại Phú Quốc.
Được biết, các dự án nhận tài trợ từ chương trình sẽ triển khai các hoạt động phù hợp với nhu cầu của từng địa phương nhằm tăng cường quản lý chất thải rắn, từ việc kết nối với của những người thu gom rác thải phi chính thức để nâng cao năng lực thu gom hiệu quả hơn, cải thiện điều kiện an toàn lao động và đẩy mạnh sinh kế của họ, từ đó cải thiện dịch vụ thu gom của thành phố; tạo ra các cơ chế hợp tác Công - Tư sáng tạo nhằm thúc đẩy thị trường cho nhựa có thể tái chế và kinh tế tuần hoàn của địa phương. Các dự án do chương trình tài trợ đều nhận được các hỗ trợ kỹ thuật từ Chương trình nhằm tăng cường các kế hoạch quản lý chất thải rắn của địa phương, nâng cao năng lực cho chính quyền địa phương và tạo ra các môi trường thuận lợi cần thiết để các hệ thống quản lý chất thải địa phương hiệu quả và bền vững hơn.
Lực lượng thanh niên tham gia "làm sạch" biển Đà Nẵng
Ghi nhận tại TP. Đà Nẵng
Thành phố Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong 4 địa phương trên cả nước triển khai chương trình “Thành phố sạch, đại dương xanh”. Trong công tác quản lý chất thải rắn, ngay từ năm 2019, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, thực hiện trong lộ trình bảy năm (2019-2025). Tiếp theo đó, để sớm triển khai các chủ trương về công tác quản lý chất thải rắn, rác thải nhựa của Thủ tướng Chính phủ, thành phố đã ban hành Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 24/6/2021 về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn thành phố, tập trung vào các ngành, lĩnh vực trọng tâm. Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để tiếp nhận sự hỗ trợ của các tổ chức, chuyên gia trong quá trình triển khai công tác này.
Theo đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, CCBO hỗ trợ TP. Đà Nẵng thực hiện các sáng kiến địa phương thúc đẩy 3R/SWM chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, thông qua các gói hỗ trợ trực tiếp về trang thiết bị, tư vấn và các gói hỗ trợ theo đề xuất. Đặc biệt, chương trình CCBO hỗ trợ thành phố triển khai dự án “Tăng cường hợp tác công - tư trong việc tái chế, phục hồi rác thải và kinh tế tuần hoàn tại Đà Nẵng” do Tổ chức ASSIST thực hiện.
Với kinh phí tài trợ 161.000 USD, mục tiêu của dự án “Tăng cường hợp tác Công - Tư trong việc tái chế, phục hồi rác thải và kinh tế tuần hoàn tại Đà Nẵng” là thiết lập cơ chế thu gom rác tái chế hiệu quả và minh bạch để Đà Nẵng hướng đến Xanh - Sạch và không còn ô nhiễm rác thải nhựa. Được thực hiện trong vòng 20 tháng, bắt đầu từ ngày 1/12/2021 đến tháng 7/2023, dự án gồm 4 hoạt động chính: Xây dựng và thí điểm hợp tác Công - Tư nhằm cải thiện việc thu hồi rác thải tái chế tại Đà Nẵng; nâng cao năng lực cho đối tượng thu gom rác và cơ sở thu gom rác phù hợp yêu cầu của thị trường; tăng cường kết nối thị trường rác tái chế thông qua nền tảng thương mại số phối hợp logistic số; tài liệu hóa và chia sẻ mô hình.
Ông Võ Nguyên Chương - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho biết: Xây dựng Đà Nẵng trở thành “thành phố môi trường”, hướng tới đô thi sinh thái là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của thành phố. Để thực hiện được mục tiêu này, tháng 4/2021, UBND thành phố đã ban hành Đề án Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường giai đoạn 2021-2030, với hơn 51 nhiệm vụ cho 4 nhóm hoạt động trọng tâm. Theo đó, giai đoạn 2021-2025 thành phố tập trung xử lý điểm nóng môi trường; quản lý chất thải rắn; đầu tư, hoàn thiện các hạ tầng kỹ thuật đô thị - môi trường; xây dựng các công cụ về chính sách, thuế về môi trường phù hợp,... Giai đoạn 2026-2030, trở thành “thành phố môi trường, hướng tới thành phố sinh thái”. Ông Võ Nguyên Chương kêu gọi các cấp chính quyền, sở, ngành, địa phương cần ưu tiên hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn phân loại rác thải nhựa trong cộng đồng; lưu ý tuyên truyền, vận động thay đổi ý thức cho đối tượng học sinh, sinh viên. Đồng thời, mong muốn các sở, ngành chủ động phối hợp, chia sẻ, trao đổi thông tin để Sở thúc đẩy, triển khai có hiệu quả, vận dụng hết nguồn hỗ trợ của chương trình CCBO.
Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% không sử dụng vật dụng/đồ nhựa sử dụng một lần như chai nước, ống hút nhựa, băng rôn, backdrop,… trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện; vận động ít nhất 80% ngư dân cam kết không thải bỏ ngư lưới cụ, rác thải nhựa xuống biển. Phấn đấu 90% hộ dân, trường học, doanh nghiệp, công sở và các đơn vị khác trên địa bàn thành phố thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, bao gồm chất thải nhựa. Đồng thời, thực hiện trường học giảm thiểu rác thải nhựa; cơ sở sản xuất thực hiện tốt giảm thiểu sử dụng vật dụng, đồ nhựa dùng một lần và phân loại rác thải tại nguồn; có ít nhất 70% điểm phục vụ ăn uống tại cơ sở lưu trú du lịch cam kết không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.
Một trong những việc làm chung mà chương trình CCBO tại TP. Đà Nẵng hoạt động để giảm ô nhiễm nhựa đại dương bằng cách: Khuyến khích tái chế nhựa thông qua các chính sách và quan hệ đối tác với khu vực tư nhân, đồng thời trao quyền cho phụ nữ và bảo vệ người lao động; nâng cao năng lực của chính quyền địa phương và quốc gia để cải thiện quản lý chất thải rắn và một nền kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy đổi mới và đầu tư vào các mô hình kinh doanh, công nghệ và cơ sở hạ tầng phù hợp với địa phương; xây dựng sự thay đổi hành vi và xã hội về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế.
PHẠM VIỆT
Ban điều phối Chương trình “Thành phố Sạch, Đại dương Xanh”