Trường Sa: Phát huy hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo
05/07/2023TN&MTNhững năm qua, quân và dân Trường Sa đã phát triển hệ thống năng lượng tái tạo, cung cấp nguồn năng lượng sạch phục vụ công tác sẵn sàng chiến đấu, sản xuất và sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường trong lành nơi đảo xa.
Hệ thống điện năng lượng gió trên đảo Trường Sa Lớn
Đầu tư điện gió và điện mặt trời
Những vị khách lần đầu đến Trường Sa rất thích thú khi nhìn thấy trên các đảo có nhiều cột năng lượng gió vươn lên như những cánh chim. Hầu như đảo nào cũng đều có hệ thống điện gió, góp phần cung cấp nguồn điện cho đảo. Gần đây, hệ thống điện năng lượng mặt trời cũng được đầu tư nhiều hơn cho các đảo. Các chỉ huy đảo cho biết, năng lượng gió, năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng chủ yếu thay thế nguồn điện bằng máy nổ trước kia. Hệ thống năng lượng tái tạo đã tạo ra nguồn năng lượng sạch, đảm bảo cơ bản nhu cầu điện dùng cho sinh hoạt, sản xuất và nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của các đảo ở Trường Sa.
Để phát triển kinh tế và nghề cá tại Trường Sa thì nhu cầu thường xuyên là điện bơm nước và bơm dầu khi tàu cá cần. Nguồn điện cũng cần để phục vụ các công đoạn, như: Sửa chữa, khoan cắt, hàn xì... trên tàu cá. Một yêu cầu khác đó là cần nguồn điện tại các bệnh xá để phục vụ cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân. Việc tận dụng nguồn điện gió, điện mặt trời trên các đảo khá hiệu quả, tuỳ theo đảo và từng thời điểm, có thể đảm bảo từ 50 đến 90% nhu cầu điện.
Hệ thống điện mặt trời tại đảo Đá Tây
Thượng úy Lê Đại Tiến - Trợ lý hậu cần đảo Song Tử Tây cho biết, năng lượng tái tạo đã thay thế năng lượng truyền thống chạy bằng máy nổ dầu diesel nhiều năm nay, đáp ứng được 70 - 80% năng lượng điện cho đảo. Đối với các khu vực ưu tiên như sở chỉ huy hay hậu cần, tỷ lệ này là 100%. Tuy nhiên, trong trường hợp thiếu hụt nguồn điện thì việc sử dụng máy phát điện dự phòng là điều cần thiết. Để việc cung cấp điện đồng bộ trên cùng hệ thống, các nguồn năng lượng tập trung về một đầu mối, tích lũy bởi hệ thống bình ắc quy mạnh, sau đó sẽ được điều tiết, phân phối ổn định cho từng khu vực, thời điểm.
Theo Trung tá Trần Văn Trình - Chính trị viên đảo Sinh Tồn, kiêm Chủ tịch HĐND xã Sinh Tồn, năng lượng tái tạo phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu. Khi trời êm, mát, hay mùa mưa ảnh hưởng đến việc tạo và tích tụ năng lượng. “Hiện nay, nếu điều kiện ngoài trời có gió tốt thì điện sẽ sử dụng 24/24 giờ, nếu không có gió thì chỉ khoảng 12 giờ sẽ hết; điện năng lượng mặt trời do bình tích điện hơi yếu so với những năm trước đây”, Trung tá Trình cho hay. Vì thế, lãnh đạo, chỉ huy đảo rất quan tâm vận động cán bộ, chiến sĩ, nhân dân sử dụng tiết kiệm điện.
Đề xuất đầu tư, thay mới
Sĩ quan phụ trách điện trên đảo Song Tử Tây cho hay, Quân chủng Hải quân, Vùng 4 Hải quân thường xuyên cho đội bảo quản, sửa chữa điện ra khắc phục hệ thống điện, thiết bị hư hỏng tại Trường Sa. Đồng thời, tổ chức bảo quản vận hành định kỳ, cử 1 người phụ trách nội dung này. Tuy nhiên, trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, gió biển, nước biển xâm hại thì các hệ thống này dễ bị hư hỏng, xuống cấp. Đảo Song Tử Tây có 40 quạt gió, nhưng số lượng bị trục trặc khá lớn nên việc cung ứng điện còn gặp nhiều khó khăn.
Thượng tá Nguyễn Văn Bách - Chính trị viên đảo Đá Tây cho biết, hệ thống điện gió sử dụng vài năm nay có biểu hiện trục trặc, phát điện hạn chế, còn điện năng lượng mặt trời đầu tư vẫn còn thiếu. Theo kế hoạch, sắp tới, đảo Đá Tây được Điện lực tỉnh Ninh Thuận đầu tư bổ sung hệ thống điện sẽ cải thiện tình trạng thiếu điện. Trung tá Trần Văn Trình kiến nghị các cấp, ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ huyện Trường Sa đầu tư đồng bộ hệ thống điện gió, điện mặt trời; thường xuyên thay mới, sửa chữa trang thiết bị để hệ thống hoạt động hiệu quả.
Mới đây, sau chuyến đưa công chức, viên chức ra Trường Sa công tác, đoàn công tác của tỉnh đã kiến nghị tỉnh quan tâm đầu tư điện năng lượng mặt trời, điện gió, hệ thống lọc nước biển để cải thiện điều kiện công tác và sinh hoạt cho quân và dân Trường Sa.
Theo baokhanhhoa.vn