Trí tuệ nhân tạo và quản trị sáng tạo nội dung trong toà soạn
18/03/2023TN&MTSáng 18/3, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2023 tại Bảo tàng Hà Nội, Hội nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức Hội thảo Trí tuệ nhân tạo AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn. Hội thảo chính là diễn đàn để các chuyên gia, nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí cùng nhận diện các xu hướng trên thế giới, thảo luận về những câu hỏi hóc búa mà trí tuệ nhân tạo đang đặt ra, từ đó có những giải pháp nhằm định hướng sáng tạo nội dung cho từng nhà báo và ở mỗi cơ quan báo chí hiện nay.
Chủ trì Hội thảo gồm có: Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; TS. Tạ Bích Loan, Trưởng Ban sản xuất các chương trình giải trí (VTV3); PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam.
Hội thảo còn có sự tham gia của một số diễn giả khác tại Hội thảo gồm: ThS Trần Lệ Thùy, học giả nghiên cứu báo chí, Đại học Oxford, Giám đốc Công ty sáng kiến truyền thông và phát triển MDI; nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam; nhà báo Ngô Trần Thịnh, đại diện nhóm nghiên cứu ứng dụng ChatGPT, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện nhóm nghiên cứu của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Theo nhà báo Lê Quốc Minh, chuyển đổi số đã, đang là xu thế tất yếu, diễn ra mạnh mẽ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội hiện nay, là lĩnh vực phản ảnh nhạy bén với mọi biến động của đời sống kinh tế - xã hội. Báo chí truyền thông cần đi đầu công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Trước bối cảnh đó, báo chí phải chủ động đổi mới phương thức truyền tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số.
Đối diện với sự bùng nổ về cả số lượng, cấp độ, và quy mô xây dựng thông tin hiện nay, các tổ chức báo chí đang dần quá tải nếu vẫn duy trì cách thức truyền thống.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để thay đổi các sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản cũng như phân phối nội dung tin tức trên các nền tảng khác nhau. Để từ đó thay đổi từng bước trải nghiệm người dùng về nội dung, hình thức theo hướng thông minh hơn. Tuy nhiên, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là chatGPT hiện nay đã, đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức, nhất là đối với các nhà báo, các nhà quản lý báo chí.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ những ý kiến cá nhân về chủ đề đang thu hút được sự quan tâm chú ý đặc biệt thời gian qua. "Những điều trí tuệ nhân tạo làm được cho chúng ta thấy chúng ta đang phí sức, lực lượng trong tác nghiệp hàng ngày như thế nào để tạo ra những thứ giống giống nhau mà nếu mình không làm sẽ có người khác làm được" - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói - "Mình phải đặt câu hỏi giá trị thật sự của việc mình đang làm - dù là làm báo hay không làm báo".
Trong chia sẻ của mình, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra ý kiến về việc con người đang bị công nghệ chi phối như thế nào cũng như việc những người làm báo ngày nay chịu sự chi phối của công nghệ nói chung và mạng xã hội nói riêng ra sao. "Mình nói về công nghệ nhưng mình không làm được công nghệ, mình chỉ ứng dụng. Hiện nay mình chỉ ở mức ứng dụng. Vậy thì ứng dụng nó là hãy làm những gì tốt nhất với nó và trước khi nói làm gì tốt nhất với nó thì hãy gạt bỏ những thứ thừa thãi, không cần thiết, không tạo ra giá trị". Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.
Quang cảnh Hội thảo
Với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo và quản trị sáng tạo nội dung trong toà soạn”, hội thảo là nơi các chuyên gia, nhà báo, nhà nghiên cứu và quản lý báo chí thảo luận những định hướng và ứng dụng trí tuệ nhân tạo hiện nay và sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng.
Hội thảo nhằm giúp các nhà báo, các cơ quan báo chí nhận diện rõ những cơ hội và thách thức của việc ứng dụng công cụ trí tuệ nhân tạo trong công việc làm báo.
Hội thảo có 2 phiên. Phiên 1 gồm 4 tham luận của 4 diễn giả là nhà báo, nhà quản lý báo chí, nhà nghiên cứu báo chí truyền thông.
Nội dung các tham luận: AI và báo chí - Xu hướng trên thế giới và định hướng ứng dụng tại Việt Nam; Hiện tượng “Chat GPT”: Cú huých chuyển đổi mô hình kinh tế báo chí số trên cơ sở giá trị cốt lõi của mình; Thử nghiệm ứng dụng trợ lý ảo AI trong sáng tạo nội dung và quản trị tòa soạn; Kết quả thử nghiệm Chat GPT trong sáng tạo nội dung tác phẩm báo chí truyền hình ở Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh (HTV) cùng những chia sẻ thảo luận về Ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng như: AI đã làm thay đổi lao động nhà báo và quy trình tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí số như thế nào? Có thể sử dụng AI vào những bước, những khâu cụ thể nào trong sáng tạo nội dung số? Ưu thế và hạn chế của AI trong sáng tạo nội dung báo chí là gì?
Phiên thứ 2 mở đầu với thuyết trình chủ đề Ứng dụng Chatbot ở Báo điện tử VietnamPlus.vn - từ góc nhìn quản trị tòa soạn. Các diễn giả, khách mời và tất cả các quý vị tham dự trực tiếp và trực tuyến cùng thảo luận về các gợi ý ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các bước, các khâu trong quản trị sáng tạo nội dung tại toà soạn, như: Làm thế nào để tăng tốc sản xuất nội dung, quản trị được các hoạt động sáng tạo nội dung trong toà soạn? Khi ứng dụng AI, quản trị toà soạn đối mặt với những vấn đề gì, từ góc nhìn pháp lý, đạo đức, văn hoá?
PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, chỉ trong thời gian ngắn, hội thảo đã nhận được 22 tham luận từ các nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà khoa học gửi về Ban Tổ chức. Điều này cho thấy Hội thảo đã đưa ra vấn đề “nóng”, thu hút sự quan tâm rất lớn của các chuyên gian, nhà khoa học và cơ quan báo chí.
Huy Thế