Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách kiểm soát môi trường
01/04/2024TN&MTMặc dù là đơn vị được sắp xếp lại, nhưng ngay từ đầu năm 2023, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã nhanh chóng thiết lập, kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự để bắt tay ngay vào công việc; từng bước điều chỉnh các hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tế. Với những kết quả quan trọng đã đạt được trong năm 2023, là cơ sở quan trọng tạo đà để Cục hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệu vụ trong năm 2024.
Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hoàng Văn Thức phát biểu tại cuộc họp giao ban về công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam
Chủ động kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường
Trong năm 2023, để nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả về kiểm soát ô nhiễm môi trường (ONMT), Cục KSONMT đã tập trung vào mười nhóm nhiệm vụ chính, cụ thể: Quản lý chất thải rắn sinh hoạt, kiểm soát hoạt động xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại; quản lý, kiểm soát về môi trường đối với việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; quản lý chất lượng môi trường không khí, đặc biệt là tại các thành phố lớn; cải thiện chất lượng môi trường lưu vực sông; quản lý, cải thiện chất lượng môi trường đất; công tác BVMT nông thôn; quản lý về BVMT đối với các chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị chứa chất ô nhiễm khó phân hủy; kiểm soát và xử lý chất ô nhiễm tác động trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường; hoạt động quan trắc, cảnh báo chất lượng môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm soát ONMT.
Cục đã tham mưu cho Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 Quyết định về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu; đang trình 2 Quyết định về Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành môi trường đến năm 2030. Trình Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành 2 Thông tư; 4 QCVN về chất lượng môi trường; đang trình ban hành 9 QCVN, trong đó có 4 QCVN về chất thải và 5 QCVN về phế liệu nhập khẩu. Bên cạnh đó, để Luật BVMT 2020 đi vào cuộc sống, Cục đã tham mưu cho Bộ ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương cũng như các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về BVMT. Đặc biệt, ban hành 2 văn bản hướng dẫn về lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt và hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Luật BVMT 2020. Cục đang tập trung, khẩn trương xây dựng hoàn thiện Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT và phối hợp xây dựng hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Quán triệt quan điểm chuyển từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa kiểm soát trong BVMT, ngay từ đầu năm, Cục đã trình Lãnh đạo Bộ ban hành quyết định thành lập 18 Tổ Giám sát đối với các cơ sở, dự án có nguy cơ gây ONMT; ban hành Quy chế hoạt động và Kế hoạch giám sát về BVMT đối với các Tổ Giám sát để triển khai. Qua đó, công tác kiểm soát, giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ONMT đã được Cục triển khai rất bài bản và hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, Cục đã nhận được sự phối hợp tích cực, sự đồng tình, ủng hộ của các địa phương và các đơn vị liên quan. Kết quả giám sát cho thấy hầu hết các cơ sở đã thực hiện đầy đủ các hồ sơ môi trường và xây dựng các công trình BVMT theo hồ sơ môi trường được cấp, phê duyệt. Tổ giám sát đã tích cực hướng dẫn hoặc yêu cầu các cơ sở thực hiện theo đúng quy định và đã được các cơ sở thực hiện nghiêm túc. Theo đó, công tác BVMT của các doanh nghiệp được giám sát có chiều hướng tốt hơn. Các nguồn có nguy cơ gây ONMT đã được kiểm soát chặt và không để xảy ra sự cố môi trường trong năm 2023.
Bên cạnh đó, đường dây nóng về ONMT đã được duy trì vận hành thường xuyên nhằm kịp thời tiếp nhận và xử lý những phản ánh về ONMT trên cả nước. Từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 18/12/2023, Cục đã tiếp nhận 663 thông tin phản ánh của Công dân về ONMT; có 274 thông tin, vụ việc đã được đường dây nóng cấp Trung ương gửi về đường dây nóng các địa phương để xác minh, xử lý theo thẩm quyền. Đối với những việc xử lý các điểm nóng, sự cố môi trường phát sinh, trong năm 2023, Cục đã tiếp nhận tổng số 20 vụ việc, sự cố môi trường phát sinh trên cả nước. Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục đã tổ chức kiểm tra, khảo sát, xác minh thông tin hoặc ban hành văn bản gửi Sở TN&MT địa phương đề nghị xác minh thông tin vụ việc, báo cáo kết quả về Cục để nắm bắt thông tin, giám sát việc xử lý và phối hợp giải quyết theo quy định. Ngoài ra, Cục cũng tăng cường kiểm soát đối với các cơ sở, khu vực sản xuất hoạt động có nguy cơ gây ONMT, gây ONMT kéo dài, có nhiều phản ánh, kiến nghị của cử tri cơ quan truyền thông và Nhân dân.
Cục đã tổ chức triển khai công tác kiểm tra đối với 244 cơ sở; trong đó, đã phát hiện một số tổ chức có vi phạm hành chính về BVMT liên quan đến xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép; vi phạm công tác báo cáo BVMT; vi phạm về giấy phép môi trường; vi phạm về chương trình quan trắc môi trường định kỳ,… Qua đó, Cục đã kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành 48 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là hơn 23 tỷ đồng. Qua đó, các dự án lớn tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm, sự cố môi trường được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động an toàn, vận hành ổn định. Trong năm 2023, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý tại khu vực đô thị ước đạt khoảng 95%; tại khu vực nông thôn ước đạt 71%; trong đó tỷ lệ chôn lấp khoảng 64% (giảm 26% so với năm 2012). Tổng lượng chất thải nhựa được thu gom, tái chế khoảng 2,4 triệu tấn.
Cục đã duy trì, vận hành hiệu quả hệ thống các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục đối với các trạm quan trắc môi trường quốc gia, kịp thời cung cấp thông tin về diễn biến hiện trạng môi trường, cảnh báo chất lượng môi trường cho cộng đồng, người dân. Năm 2023, có thêm 18 trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục được đưa vào hoạt động, nâng tổng số trạm quan trắc môi trường tự động liên tục lên thành 59 trạm. Cục cũng ban hành 24 báo cáo định kỳ về chất lượng môi trường kèm theo những cảnh báo, dự báo về vấn đề ONMT.
Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024
Trong năm 2024, với tinh thần quyết tâm của toàn thể lãnh đạo, cán bộ, Cục KSON sẽ tập trung vào các nhiệm vụ: Tiếp tục tổ chức xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT 2020 bảo đảm tiến độ, chất lượng; xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai Quy hoạch BVMT quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành; tăng cường ổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BVMT. Từng bước thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm soát ONMT nhằm phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước của Cục và của Bộ TN&MT; giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đáp ứng tiến độ. Phấn đấu không để xảy ra tình trạng chậm trả kết quả TTHC; triển khai đồng bộ các biện pháp để cải thiện chất lượng môi trường nước mặt, chất lượng môi trường không khí; triển khai các chương trình quan trắc môi trường quốc gia đối với môi trường không khí, đất và nước tại các lưu vực sông, các vùng kinh tế trọng điểm và các khu vực tập trung nhiều nguồn thải để cung cấp chuỗi dữ liệu phục vụ theo dõi, đánh giá hiện trạng và dự báo xu thế, diễn biến chất lượng môi trường; mở rộng hợp tác song phương, đa phương với các đối tác quốc tế và các Dự án hợp tác đã ký kết,...
Bên cạnh đó, Cục sẽ tiếp tục tập trung cao độ, đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BVMT, đặc biệt liên quan đến quy trình, trình tự cấp các loại giấy phép để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và phù hợp với quy định mới của Luật BVMT năm 2020; tăng cường làm việc theo nhóm sinh hoạt chuyên môn tại các đơn vị để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và đảm bảo công tác chính trị, tư tưởng, đạo đức công vụ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn, nhất là các nguồn thải có nguy cơ gây ONMT; tăng cường hơn nữa các công cụ, đặc biệt là ứng dụng khoa học kỹ thuật, các biện pháp QLNN về BVMT phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn; tăng cường năng lực quan trắc và cảnh báo môi trường vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường; đẩy nhanh việc xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức về BVMT.
Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, Cục sẽ tập trung vào một số giải pháp như: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ tại các đơn vị thuộc Cục, phát huy sự chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Cục giao phó. Bên cạnh đó, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực QLNN của Cục; trong đó, sớm hoàn thành việc kiện toàn các vị trí lãnh đạo đơn vị thuộc Cục. Đồng thời, phát huy hiệu quả nguồn lực tài chính thông qua việc triển khai các dự án, nhiệm vụ đã đăng ký thực hiện trong năm 2024. Ngoài ra, tranh thủ tối đa các kinh nghiệm, nguồn lực thông qua các mối quan hệ quốc tế nhằm hỗ trợ cho hoạt động kiểm soát ONMT tại Việt Nam.
TS. HOÀNG VĂN THỨC
Cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 1+2 năm 2024