Tiền Giang xử lý các điểm sạt lở khẩn cấp
10/06/2024TN&MTBiến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt và khó lường. Kéo theo đó, tình trạng sạt lở bờ kênh, bờ biển một nhiều hơn. Trước thực tế đó, tỉnh Tiền Giang đã tập trung các nguồn lực để đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở này nhằm giảm thiệt hại một cách thấp nhất.
Kè phòng, chống sạt lở tại cù lao Tân Long, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang)
Khoảng 10 năm gần đây, tỉnh Tiền Giang xảy ra sạt lở gần 1.200 điểm bờ sông, kênh, rạch, với chiều dài hơn 117km. Kinh phí khắc phục cho các điểm sạt lở này trên 2.400 tỷ đồng, trong đó, vốn Trung ương hỗ trợ gần 1.300 tỷ đồng.
Hằng năm, sạt lở thường xảy ra tại các tuyến sông, kênh, rạch thuộc những huyện phía tây của tỉnh Tiền Giang như: Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, Châu Thành. Việc sạt lở này đã ảnh hưởng hoặc đe dọa trực tiếp đến nhà ở, tính mạng, tài sản và hoạt động sản xuất của người dân. Trước tình trạng trên, tỉnh Tiền Giang đã tập trung nguồn lực để xử lý, đầu tư các dự án phòng chống sạt lở.
Tân Phong là một xã cù lao thuộc huyện Cai Lậy. Trong những năm gần đây, nhiều đoạn bị sạt lở rất nghiêm trọng. Do đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã đầu tư kè chống sạt lở tại một số khu vực diễn biến phức tạp. Tuy vậy, địa phương đầu tư chỗ này thì xuất hiện sạt lở chỗ khác.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, trong năm 2023, nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương, tỉnh tiếp tục đầu tư kè chống sạt lở cù lao Tân Phong đoạn 3, 4. Trong đó, Dự án xử lý sạt lở bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Phong (đoạn 3) có chiều dài 912m.
Công trình có tổng mức đầu tư hơn 118 tỷ đồng. Riêng Dự án kè chống sạt lở tại xã Tân Phong (đoạn 4) có chiều dài 350m, với tổng mức đầu tư 43,7 tỷ đồng. Sau thời gian tập trung triển khai thi công, 2 công trình kè này đã hoàn thành đúng tiến độ vào cuối năm 2023. Các công trình sau khi hoàn thành đã giúp cho người dân nơi đây vơi đi nỗi lo sạt lở, yên tâm sinh sống và sản xuất.
Cù lao Tân Long thuộc thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) cũng xảy ra nhiều đoạn sạt lở rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Nhận thấy tình hình trên, Trung ương và tỉnh Tiền Giang đã đầu tư các công trình kè chống sạt lở ở khu vực này.
Một trong những dự án mới được triển khai là Công trình kè phòng, chống sạt lở bờ sông Tiền đoạn cù lao Tân Long - tỉnh Tiền Giang thuộc Dự án Xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Công trình có chiều dài khoảng 700m, với tổng mức đầu tư khoảng 62 tỷ đồng. Hiện, tiến độ dự án đã đạt 83% và dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng vào cuối tháng 7/2024.
Tỉnh Tiền Giang có 32km bờ biển và sạt lở diễn ra ở mức đáng báo động. Hiện, 11,2km đê đã được xây dựng kè bảo vệ mái đê biển Gò Công. Từ nguồn vốn Trung ương, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư kè chống xói lở gây bồi tạo bãi bờ biển, có chiều dài 5km, với kinh phí hơn 116 tỷ đồng. Hiện, công trình phát huy hiệu quả rất tốt, gây bồi phía bên trong công trình và cây rừng đã bắt đầu tái sinh.
Mới đây, Tiền Giang cũng đã triển khai Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công giai đoạn 2. Dự án đầu tư xây dựng tuyến đê giảm sóng có chiều dài khoảng 5,4km, nhằm mục tiêu chống sạt lở bờ biển tại đoạn từ cống Rạch Bùn đến bãi rác Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang). Dự án có tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Đến cuối năm 2023, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Bước đầu, dự án đã phát huy hiệu quả bước đầu, giúp bảo vệ đê biển Gò Công.
Một đoạn kè ở xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) đã phát huy hiệu quả
Hiện nay, tỉnh Tiền Giang còn nhiều điểm xảy ra sạt lở nghiêm trọng, trong đó có tuyến kênh 28 thuộc huyện Cái Bè, với chiều dài khoảng 3.760m. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đàm Thanh Tuyến cho biết, từ nguồn ngân sách dự phòng Trung ương năm 2023, Tiền Giang được phân bổ 200 tỷ đồng. Nguồn vốn này, địa phương bố trí thực hiện đầu tư Dự án xử lý các đoạn sạt lở cấp bách tại tuyến kênh 28. Hiện nay, Ban Quản lý dự án đang hoàn thiện các thủ tục và triển khai thi công vào đầu tháng 7/2024, với 10 đoạn sạt lở cấp bách dọc theo 2 bờ kênh 28.
Sông Tiền đoạn qua xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè (Tiền Giang) cũng có nhiều điểm sạt lở rất nghiêm trọng. Trong đó, báo động nhất là khu vực bến phà Mỹ Thuận cũ (ấp Khu phố). Khu vực này có chiều dài sạt lở khoảng 4km, nguy cơ ảnh hưởng gần 580 hộ dân sinh sống phía trong đê bao. Tuy vậy, nguồn ngân sách của tỉnh Tiền Giang còn hạn chế nên không bảo đảm kinh phí đầu tư cho khu vực này.
Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ nguồn vốn để triển khai các dự án xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển đặc biệt nguy hiểm, với tổng kinh phí 1.020 tỷ đồng. Đó là các dự án: xói lở bờ biển Gò Công (đoạn từ cầu Rạch Bùn đến Đèn Đỏ thuộc huyện Gò Công Đông), với chiều dài khoảng 7km; xử lý sạt lở bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Phong thuộc huyện Cai Lậy (đoạn 5), với chiều dài 1,4km; xói lở bờ sông Tiền (đoạn đầu Vàm Kỳ Hôn, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo) - đoạn 2, chiều dài 1,3km; xử lý sạt lở bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Long thuộc thành phố Mỹ Tho (đoạn 7), với chiều dài 1,7km; xử lý sạt lở bờ sông Tiền thuộc khu vực cù lao huyện Tân Phú Đông, với chiều dài 1km...
Đây là những dự án mang tính cấp bách, cần được Trung ương hỗ trợ kinh phí để xử lý khẩn cấp nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Theo nhandan.vn