Thúc đẩy tiến trình đàm phán cho Công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa
17/10/2022TN&MTHội nghị liên Chính phủ của Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á (COBSEA) lần thứ 25, Phần 2 (IGM-25.2) do Việt Nam chủ trì tổ chức tại Hà Nội từ ngày 10 -14/10/2022 đã kết thúc thành công. Hội nghị đã được nghe rất nhiều nội dung tham luận, chia sẻ của các tổ chức trong nước và quốc tế liên quan đến tăng cường hợp tác trong khu vực và toàn cầu hướng tới xây dựng công cụ pháp lý quốc tế nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa và trách nhiệm với môi trường biển.
Tại Hội nghị, Bà Kerstin Stendhal, Trưởng Chi nhánh Hệ sinh thái tổng hợp tại Trụ sở chính Nairobi của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã chia sẻ về các đóng góp cũng như chuẩn bị cho tiến trình đàm phán của Việt Nam thời gian tới. Tạp chí TN&MT điện tử xin được giới thiệu lại nội dung cuộc trò chuyện như sau:
Bà Kerstin Stendhal, Trưởng Chi nhánh Hệ sinh thái tổng hợp tại Trụ sở chính Nairobi của Chương trình Môi trường
Liên hợp quốc (UNEP)
PV: Chúng ta đang bắt đầu tiến trình đàm phán cho Công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả trong môi trường biển, theo bà các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ có thuận lợi gì cũng như phải đối mặt với những thách thức gì? Chúng tôi cần tập trung vào những khía cạnh nào để chuẩn bị cho tiến trình đàm phán?
Bà Kerstin Stendhal: Hiện tại, việc tăng cường các nỗ lực và hành động của thế giới nhằm loại bỏ nhựa và rác biển ra khỏi đại dương và các bờ biển của chúng ta là điều cấp thiết. Các nước sẽ bắt đầu đàm phán về một công cụ ràng buộc pháp lý về ô nhiễm nhựa vào cuối năm nay (cuộc họp đầu tiên của Ủy ban đàm phán liên chính phủ sẽ được tổ chức từ ngày 28 tháng 11 đến ngày 2 tháng 12 năm 2022 tại Uruguay). Đây là một tin rất tốt và đầy hứa hẹn.
Chúng ta cũng biết rằng các quốc gia - trong đó có Việt Nam - đã nhiều năm nghiên cứu cách thức để loại bỏ ô nhiễm nhựa ra khỏi đại dương của chúng ta. Lý do tôi có mặt ở đây, tại thành phố Hà Nội xinh đẹp là để tham dự của Hội nghị Liên chính phủ của các Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á (COBSEA) do Chính phủ Việt Nam chủ trì. COBSEA là một phần của Chương trình các khu vực biển của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), bao gồm 18 công ước ràng buộc pháp lý khu vực và các kế hoạch hành động bao trùm cho 146 quốc gia.
Đã có rất nhiều hành động thiết thực, giá trị đã được thực hiện ở cấp khu vực nhằm chống lại rác thải đại dương và ô nhiễm nhựa, điều đó có nghĩa là đã có rất nhiều kinh nghiệm và thành công mà chúng ta có thể áp dụng khi bắt đầu xây dựng công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa.
PV: UNEP có chiến lược cụ thể nào trong việc hỗ trợ các nước phát triển như Việt Nam trong việc nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ cũng như hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm tăng cường năng lực quốc gia trong đàm phán và thực hiện công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế mới này không?
Bà Kerstin Stendhal: Câu trả lời là có, và UNEP phải tiếp tục các hành động này trong suốt quá trình công cụ toàn cầu được xây dựng.
Bà Kerstin Stendhal (Ngoài cùng bên phải) đồng chủ trì Cuộc họp lần thứ tư của Nhóm công tác về rác thải biển của Ban điều phối các biển Đông Á (COBSEA)
Các quốc gia thành viên của UNEP đã nhất trí về một số cách thức hỗ trợ tăng cường năng lực, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ trong chương trình làm việc của UNEP thông qua Công ước về các khu vực biển và các Kế hoạch hành động và Đối tác Toàn cầu về Rác thải đại dương trong các lĩnh vực sau:
Tăng cường cơ sở dữ liệu dựa trên bằng chứng cho các hoạt động trong suốt vòng đời: các khía cạnh khoa học-chính sách cung cấp thông tin cho hành động - bao gồm nghiên cứu khoa học về hiện trạng ô nhiễm nhựa và rác thải, xác định các khía cạnh chính và phổ quát, kế hoạch hành động hoặc “khuôn khổ hành động” bao gồm xây dựng các phương pháp tiếp cận dựa trên phân tích rủi ro và hướng dẫn hành động.
Thực thi chính sách: cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn cho các khu vực và quốc gia trong việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch hành động của khu vực và quốc gia cũng như các chính sách khác.
Tăng cường năng lực: xây dựng các tài liệu bao gồm các hướng dẫn và thực hiện các khóa đào tạo trực tuyến, các chương trình tập huấn cho giảng viên để áp dụng các hướng dẫn, các khóa đào tạo tổng thể bao gồm trực quan hóa và phân tích thông tin tích hợp thông qua các sản phẩm đồ họa sinh động, tài liệu truyền thông dành cho các đối tượng khác nhau.
Quản lý dữ liệu và tri thức, chuyển đổi số: phát triển nền tảng số về ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương - nâng cao năng lực của các quốc gia nhằm tổng hợp, truy cập, phân tích, sử dụng, truyền đạt thông tin và kiến thức, cùng nhau chia sẻ các thực tiễn về bản thể học, hài hòa dữ liệu, hài hòa phương pháp luận, kỹ thuật hướng dẫn giám sát, các chỉ số.
Tiếp cận tất cả, không để ai bị bỏ lại phía sau: tăng cường sự đa dạng của các bên tham gia, những điển hình tốt, chuyển đổi công bằng và khu vực phi chính thức (ví dụ: hợp tác với UN Habitat và ILO), đổi mới, minh bạch.
Tập hợp và kết nối các bên liên quan: thông qua Quan hệ Đối tác Toàn cầu các bên liên quan về rác thải đại dương để phối hợp hành động tốt hơn và thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan nhằm tăng cường và mở rộng ảnh hưởng của hành động. Bao gồm nâng cao nhận thức giữa các bên liên quan và thành lập các Cộng đồng Thực hành.
Với các cuộc đàm phán do các quốc gia giữ vai trò lãnh đạo sắp bắt đầu, Ủy ban đàm phán liên chính phủ sẽ cần xác định những nhu cầu bổ sung nào có thể được và đưa ra yêu cầu về các dữ liệu đầu vào và hỗ trợ phù hợp.
PV: Luật BVMT năm 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với các nội dung thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, theo bà, Chiến lược kinh tế tuần hoàn của Việt Nam có thể đóng góp gì vào mục tiêu chung phát triển bền vững của thế giới? Chúng tôi cần những cơ chế thúc đẩy như thế nào để nhân rộng mô hình này trong cuộc sống?
Bà Kerstin Stendhal: thu hẹp và đóng kín các vòng vận động của vật liệu và chuyển sang một nền kinh tế tuần hoàn là điều cần thiết nếu chúng ta muốn đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững và Chương trình nghị sự 2030. Giờ đây, chúng ta biết rằng việc áp dụng mô hình nền kinh tế tuần hoàn là có thể thực hiện được và định hướng của Việt Nam về nền kinh tế tuần hoàn là một ví dụ điển hình và tiến bộ.
Chính câu hỏi này của các bạn đã đi vào trọng tâm của vấn đề. Việc Chính phủ Việt Nam đưa ra định hướng và thông qua các luật cần thiết là điều tốt nhưng đó mới là bước đầu tiên. Chúng ta cần làm sao để người dân nhận thức được rằng họ có thể thay đổi cách thức tiêu dùng và các ngành công nghiệp, doanh nghiệp có thể thay đổi cách thức sản xuất của họ. Ngoài ra cần chia sẻ thêm nhiều thông tin và điều quan trọng nữa là chúng ta cần phải truyền thông được lý do tại sao lại cần những thay đổi trong hành vi này. Chúng ta cần một sự chuyển đổi đích đáng và không bỏ ai lại phía sau./.
Thu Loan