Thúc đẩy sự phát triển các khu công nghiệp hiệu quả và bền vững
23/05/2022TN&MTHưởng ứng Chương trình Thúc đẩy các Khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) và Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH) đã phối hợp tổ chức cuộc họp Thúc đẩy Khu công nghiệp (KCN) bền vững tại Việt Nam - Chia sẻ Kinh nghiệm thực hành tại KCN Bảo Minh, tỉnh Nam Định.
Theo đó, các đại biểu cùng nhau chia sẻ, cập nhật thêm về thực hành sản xuất bền vững tại các KCN ở Việt Nam; chia sẻ những thực hành tốt tại KCN Bảo Minh cũng như các vấn đề còn tồn tại cần sự chung tay giúp đỡ của các bên liên quan; thảo luận các phương án và kế hoạch thúc đẩy chương trình KCN bền vững đi theo đúng định hướng về chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050.
Toàn cảnh cuộc họp
Đánh giá về tầm quan trọng của hợp tác công tư trong thúc đẩy KCN bền vững tại cuộc họp, ông Phạm Hoàng Hải, đại diện VBCSD-VCCI cho biết, Chính phủ đóng vai trò "đầu tàu" kiến tạo các cơ chế, chính sách hỗ trợ thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp, các ngành nghề; trong khi đó, doanh nghiệp là động lực, chủ thể của nền kinh tế. Một cơ chế hợp tác công tư mạnh, theo định hướng phát triển bền vững cũng giống như "liều thuốc tăng lực" cho chính các KCN để có thể tận dụng hiệu quả hơn các hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước, phát huy tốt hơn các nguồn lực của chính mình, từ đó thu hút nhiều hơn các nguồn vốn đầu tư bền vững trong nước và quốc tế.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS nhận định, sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan, các tổ chức quốc tế đóng góp phần 2 quan trọng trong việc thúc đẩy thực hành tốt tại các KCN. Bảo Minh không chỉ là KCN làm tốt về mặt bảo vệ môi trường mà còn cả ở mặt xã hội với chương trình trọng tâm về nhà ở xã hội cho người lao động trong thời gian tới.
Chia sẻ về Chương trình Thúc đẩy các KCN bền vững tại Việt Nam và những hỗ trợ dành cho Việt Nam, ông Pramit Chanda, Giám đốc Chương trình Dệt may toàn cầu của Tổ chức IDH khẳng định: Với IDH, Việt Nam là một quốc gia quan trọng mà IDH ưu tiên hỗ trợ trong thời gian tới. Sự hỗ trợ của IDH sẽ ưu tiên tập trung vào các KCN cam kết phát triển theo hướng bền vững. Hôm nay chúng tôi vui mừng đã ký thoả thuận hợp tác với KCN Bảo Minh, chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ Bảo Minh toàn diện trong thời gian tới để trở thành một KCN bền vững, về cả mặt môi trường, xã hội và quản trị.
Ông Nguyễn Văn Kiểm - Tổng giám đốc, đại diện KCN Bảo Minh nhận định sử dụng năng lượng tái tạo đang trở thành xu thế tất yếu cho các ngành công nghiệp trên thế giới, khi các nguồn nguyên liệu hoá thạch như than đán, dầu mỏ ngày càng trở lên cạn kiệt và gây ô nhiễm đến môi trường nghiêm trọng. Để hướng đến sự phát triển bền vững, các doanh nghiệp trong KCN Bảo Minh đang hướng đến những hành động thiết thực để phát triển và áp dụng các nguồn năng lượng sạch vào sản xuất công nghiệp như năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Ngoài ra thực hiện theo chính sách và nguyên tắc bảo vệ môi trường trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của nhà nước trong công tác giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải để khai thác giá trị tài nguyên của chất thải. KCN Bảo Minh đã và đang đẩy mạnh quá trình tuần hoàn, tái sử dụng nước thải đồng thời mở hướng đi mới trong việc tận dụng bùn thải sau quá trình xử lý chất thải làm nguyên liệu cho công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Chương trình thúc đẩy các KCN bền vững tại Việt Nam do VBCSD-VCCI triển khai dưới sự chỉ đạo của VCCI, Bộ Công Thương, Bộ TN&MT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025. Chương trình hướng tới bốn mục tiêu chính: (i) Xây dựng Bộ chỉ số phát triển bền vững dành cho các KCN, hỗ trợ xây dựng bản đồ KCN bền vững tại Việt Nam; (ii) Đánh giá thực trạng, phát hiện những mặt tồn tại và hỗ trợ các KCN nâng cao năng lực theo hướng PTBV ở các khía cạnh quản trị, môi trường và lao động - xã hội; (iii) Thu hút sự quan tâm và đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước theo hướng bền vững; (iv) Hỗ trợ thành lập các hiệp hội các KCN bền vững ở cấp độ trung ương và địa phương. Dự án hiện đang ở giai đoạn khởi động, xây dựng các cơ sở khoa học và pháp lý để triển khai hoạt động trong những năm tiếp theo.
Các đại biểu trồng cây tại KHCN Bảo Minh
Trong khuôn khổ chương trình, Bộ chỉ số phát triển bền vững dành cho các KCN, sau khi được xây dựng và hoàn thiện, sẽ đóng vai trò sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như nhà quản lý địa phương có thể thường xuyên đánh giá, giám sát cũng như cung cấp các các giải pháp để tăng tính bền vững về mặt kinh tế, xã hội, môi trường và quản trị của KCN và các doanh nghiệp đóng ở đây, đồng thời sẽ thúc đẩy được cơ chế khuyến khích của nhà nước và các nhãn hàng đối với các doanh nghiệp tích cực đầu tư cho các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm tài nguyên, cũng như cải thiện điều kiện sống và làm việc của người lao động. Bộ chỉ 3 số này cũng sẽ giúp các nhà quản lý ở cấp quốc gia có được một bức tranh tổng thể về hiện trạng và sự phát triển ở các khu công nghiệp của Việt Nam, giúp cho việc hoạch định chính sách một cách khoa học và thúc đẩy cho các mô hình KCN bền vững hơn, liên kết giữa các ngành, hàng chặt chẽ hơn, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường và góp phần giúp Việt Nam đạt được các cam kết quốc tế liên quan. Ngoài ra, việc hỗ trợ thành lập các hiệp hội các KCN bền vững ở cấp trung ương và địa phương, như mục tiêu của chương trình đề ra, sẽ góp phần tạo cơ chế chia sẻ, học hỏi, hỗ trợ và có tiếng nói chung trên hành trình hướng tới phát triển bền vững.
Cũng trong chương trình, đại diện các bên đã ký kết Thỏa thuận hợp tác hỗ trợ thúc đẩy phát triển KCN Bảo Minh thành KCN kiểu mẫu, đi đầu về phát triển bền vững đáp ứng được các yêu cầu của quốc gia, các nhà đầu tư trong nước, quốc tế.
Phương Chi