Thúc đẩy phát triển doanh nhân nữ: Kiến tạo hệ sinh thái kinh doanh đáp ứng giới
24/07/2023TN&MTNgày 24/7/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu phối hợp với Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên hiệp quốc (UNESCAP) tổ chức Hội thảo tham vấn “Thúc đẩy phát triển doanh nhân nữ: Kiến tạo hệ sinh thái kinh doanh đáp ứng giới (CWE)” do Chính phủ Canada tài trợ.
Đây là dự án nhằm tăng cường hệ sinh thái khởi nghiệp và kinh doanh thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh, tăng cường khả năng tiếp cận vốn thông qua các cơ chế tài chính sáng tạo và tăng cường năng lực sử dụng công nghệ thông tin và viễn thông của nữ doanh nhân thông qua việc sử dụng các công cụ hỗ trợ và đào tạo trên các lĩnh vực có liên quan. Hội thảo tham vấn Thúc đẩy phát triển doanh nhân nữ, kiến tạo hệ sinh thái kinh doanh đáp ứng giới là một hoạt động thuộc dự án này.
Dự Hội thảo có Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bà Sudha Gooty, quản lý dự án CWE, Ban Phát triển xã hội, Ủy ban Kinh tế và Xã hội Khu vực châu Á Thái Bình Dương của Liên Hợp quốc; Bà Phạm Thị Thanh, UV BCH Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Phó trưởng ban hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Giám đốc WeLead và đại diện một số Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ, hiệp hội doanh nhân nữ,…
Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, bà Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kinh doanh là một trong những con đường chính giúp cho chị em phụ nữ đạt được năng lực kinh tế và giúp tiến tới bình đẳng giới. Việc này có thể tạo ra "hiệu ứng nhân đôi" cả về thu nhập, phúc lợi cho gia đình, giảm nghèo và thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững. Do đó, tạo một hệ sinh thái kinh doanh thuận lợi cho phụ nữ có thể đem lại những lợi ích to lớn cho gia đình, cộng đồng và nền kinh tế.
Tại Việt Nam, dự án đã xây dựng hệ sinh thái kinh doanh đáp ứng giới mạng lưới các bên liên quan, thu hút sự tham gia của các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, các ngân hàng và các hiệp hội doanh nhân đặc biệt là các hội, hiệp hội nữ doanh nhân. Qua đó, tạo ra một cơ chế để xác định và giải quyết nhiều thách thức chính sách liên quan đến doanh nhân nữ tại Việt Nam.
“Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án vẫn còn những khoảng trống trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nữ tại Việt Nam. Chúng ta cũng cần tăng cường sự hợp tác giữa Chính phủ, khu vực tư nhân và các bên liên quan khác để hỗ trợ doanh nghiệp nữ”, bà Hương nói!.
Hội thảo Thúc đẩy phát triển doanh nhân nữ: Kiến tạo hệ sinh thái kinh doanh đáp ứng giới
Theo bà Phạm Thị Thanh, Phó Trưởng Ban hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) 2017 đã định nghĩa về DNNVV do phụ nữ làm chủ.
Tuy nhiên, trên thực tế đến nay các quy định và chương trình cụ thể hỗ trợ cho DNNVV do phụ nữ làm chủ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp do nữ làm chủ phát triển về số lượng, quy mô và nâng cao tính cạnh tranh nêu trên có lẽ còn chưa được nhiều. Số liệu quốc gia về doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chưa được thống kê, công bố trong hệ thống thông tin về doanh nghiệp hàng năm.
Bà Phạm Thị Thanh, Phó Trưởng Ban hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam
Báo cáo Giám sát việc thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV về hỗ trợ đối với các DNNVV do phụ nữ làm chủ do Trung ương Hội LHPN Việt Nam thực hiện cuối năm 2022 đã chỉ ra một số hạn chế, tồn tại trong việc triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV tại một số địa phương được giám sát như: Năng lực kết nối thị trường cho việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, năng lực quản lý kinh doanh, phân tích thị trường; Thiếu các số liệu có phân tách giới tại các chỉ tiêu, số liệu đánh giá kết quả về tình hình triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV.
Bà Thanh đề xuất, cần xây dựng các cơ sở dữ liệu về các bên trong hệ sinh thái đang hỗ trợ các DNNVV do nữ làm chủ, giúp thiết kế các chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm phát huy tối đa nguồn lực của các bên liên quan trong hệ sinh thái.
Cần thiết phải bổ sung chỉ tiêu về phát triển DNNVV do nữ làm chủ trong chỉ tiêu chung về phát triển DNNVV trong các nghị quyết, chiến lược; chương trình hành động của tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố và của các ngành chức năng liên quan.
Tăng cường các khóa đào tạo, tập huấn riêng cho các nữ chủ doanh nghiệp về các chính sách hỗ trợ ưu tiên; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động hỗ trợ, hướng dẫn, khuyến khích để các DNNVV do nữ làm chủ cố gắng tự hoàn thiện doanh nghiệp để tiếp cận và được hưởng tối đa các chính sách ưu đãi.
Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động hỗ trợ, hướng dẫn, khuyến khích để các DNNVV do nữ làm chủ cố gắng tự hoàn thiện doanh nghiệp để tiếp cận và được hưởng tối đa các chính sách ưu đãi đã có theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV.
“Đồng thời, tăng thêm các cơ hội để các DNNVV do nữ làm chủ có điều kiện nhiều hơn nữa trong việc tiếp cận vốn vay với các ưu đãi về số vốn; thời gian vay; lãi suất vay và thủ tục đơn giản, ví dụ như: Thí điểm thành lập các quỹ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp/DNNVV do phụ nữ làm chủ,… tại các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng hay các Quỹ dưới sự tài trợ của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ khác thông qua tín chấp với Hội LHPN tỉnh, thành phố; theo đó có sự kiểm tra, giám sát của Hội Phụ nữ và các tổ chức tín dụng và cả các chuyên gia tư vấn để đảm bảo doanh nghiệp phát triển được sản xuất kinh doanh và hoàn trả vốn lãi đúng hạn; các hoạt động này thành công có thể nhân rộng trong tương lai”. Bà Thanh đề xuất!.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau bàn luận, đưa ra các đề xuất, các sáng kiến mới để nâng cao cơ hội và năng lực cạnh tranh cho phụ nữ doanh nhân trong tình hình mới, các phương pháp tốt nhất và các ý tưởng, giải pháp sáng tạo, hiệu quả tạo môi trường hỗ trợ cho doanh nghiệp nữ nhằm việc thúc đẩy phát triển nữ doanh nhân tại Việt Nam.
Hà Dung