Thừa Thiên - Huế: Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ ĐVHD
21/07/2024TN&MTNgày 19/7, tại TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã tổ chức sự kiện ‘‘Phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã cho các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã’’; nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD), đồng thời kêu gọi các cơ sở gây nuôi ĐVHD cùng chung tay hành động để bảo vệ các loài ĐVHD.
Gây nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại hay phi thương mại đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương tại Việt Nam. Theo thống kê từ Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 74 cơ sở gây nuôi các loài ĐVHD với mục đích thương mại với tổng số 1.437 cá thể các loại. Trong đó có 44 cơ sở gây nuôi các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB (cầy vòi hương và cầy vòi mốc); 13 cơ sở gây nuôi cả hai nhóm động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB và động vật rừng thông thường; 17 cơ sở chỉ nuôi động vật rừng thông thường. Các cơ sở này được phân bố nhiều ở các huyện Phú Lộc, Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Nam Đông, A Lưới và Quảng Điền. Các loài ĐVHD được nuôi phổ biến là cầy vòi hương, cầy vòi mốc, heo rừng và một số loài dúi.
Phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ ĐVHD cho các cơ sở gây nuôi ĐVHD ở Thừa Thiên – Huế
Ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, Thừa Thiên - Huế sở hữu một tài nguyên sinh vật đa dạng, được đánh giá thuộc loại cao của Việt Nam và khu vực. Trong đó, thể hiện đặc trưng nhất tại 4 khu rừng đặc dụng gồm: Vườn quốc gia Bạch Mã, Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Khu bảo tồn Sao La và khu vực rừng đặc dụng phía Tây Nam Thừa Thiên - Huế. Tuy nhiên trong nhiều thập kỷ qua, trình trạng khai thác gỗ, chuyển đổi nông nghiệp, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, đặc biệt là nạn săn, bắt, buôn bán và tiêu thụ trái phép ĐVHD được coi là những nguyên nhân chính dẫn đến việc giảm đáng kể số lượng các loài ĐVHD. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là các hộ gia đình đang có sinh kế gắn liền với ĐVHD tại địa phương.
“Sự kiện hôm nay là cơ hội để các cơ quan chức năng và các hộ kinh doanh liên quan đến hoạt động gây nuôi sinh sản ĐVHD được gặp gỡ và trao đổi với mục đích nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật về bảo vệ ĐVHD, đồng thời kêu gọi các cơ sở gây nuôi ĐVHD trên địa bàn tỉnh cùng chung tay hành động để bảo vệ các loài ĐVHD. Tôi tin rằng những trao đổi, chia sẻ tại sự kiện sẽ thật sự tác động đến suy nghĩ, nhận thức của mỗi chúng ta để từ đó tạo ra sự lan tỏa, cộng hưởng mạnh hơn trong công tác bảo vệ ĐVHD và bảo tồn đa dạng sinh học...”, ông Tuấn chia sẻ.
Các cơ sở gây nuôi ĐVHD trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế ký cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật và cùng chung tay bảo tồn các loài ĐVHD
Tại sự kiện, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận liên quan, như: Công tác quản lý ĐVHD trên địa bàn Thừa Thiên – Huế; Phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ ĐVHD cho các cơ sở gây nuôi; ĐVHD và mối liên quan về nguồn lây nhiễm dịch bệnh; Hướng dẫn quy trình về gây nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại...
Dịp này, 50 chủ cơ sở gây nuôi ĐVHD trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ký cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật và cùng chung tay bảo tồn các loài ĐVHD sau khi nhận thức được về tầm quan trọng của việc bảo vệ ĐVHD và môi trường sống của chúng.
Được biết thời gian qua, với sự hỗ trợ của USAID thông qua Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học, Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp, WWF-Việt Nam cùng với các đối tác đã và đang đồng hành triển khai các chương trình, sáng kiến về bảo tồn đa dạng sinh học, bao gồm hoàn thiện khung chính sách và thực thi chính sách liên quan, phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ở các vùng đệm của các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn, cũng như tăng cường truyền thông thay đổi hành vi, giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phầm từ động vật rừng và chim hoang dã.
Theo baotainguyenmoitruong.vn