Theo đồ án quy hoạch đến năm 2030, hệ thống trụ sở mới sẽ là nơi làm việc của 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ và 6 cơ quan trung ương của các đoàn thể.
13 bộ ngành sẽ được bố trí về khu Tây Hồ Tây, cách trung tâm Thủ đô khoảng 10 km. Khu này rộng 35 ha, gồm gần 21 ha thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ và 14 ha phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm. Các tòa nhà trụ sở cao 12-25 tầng; khối công cộng phụ trợ, dịch vụ thương mại cao 6-24 tầng.
Phương án đoạt giải A kiến trúc trụ sở các Bộ ngành tại khu vực Tây Hồ Tây
do Bộ Xây dựng thi tuyển năm 2021. Ảnh: Đoàn Loan
Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch không nêu rõ các bộ ngành nào sẽ về khu Tây Hồ Tây. Tuy nhiên, trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội tháng 10/2022, Bộ Xây dựng đề xuất di dời 13 trụ sở bộ, ngành về khu này và đã tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể trụ sở làm việc.
Trong 13 bộ ngành dự kiến di dời về Tây Hồ Tây có Bộ Giao thông Vận tải, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Lao động Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Về lộ trình, từ năm 2023 đến 2025 các cơ quan sẽ chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng, trụ sở, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; từ 2026 đến 2030 sẽ xây dựng, hoàn thành trụ sở của một số cơ quan có nhu cầu cấp thiết di dời; từ 2031 đến 2035 xây dựng trụ sở các bộ ngành còn lại và công trình công cộng.
Cách trung tâm Thủ đô gần 10 km, khu trụ sở Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) rộng 55 ha, trong đó gần 44 ha thuộc phường Mễ Trì và 11 ha phường Trung Văn. Các trụ sở tại đây sẽ được xây dựng 17-25 tầng, công trình công cộng dịch vụ 3-5 tầng. Có 2-5 tầng ngầm làm bãi đỗ xe, khu kỹ thuật, kho chứa.
Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch không liệt kê bộ ngành nào sẽ di dời về khu Mễ Trì, chỉ nêu giai đoạn 2023-2025 trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ được chuẩn bị đầu tư xây dựng. Giai đoạn sau xây dựng các trụ sở còn lại của hơn 20 bộ ngành.
Với mục tiêu cơ sở nhà đất hiện có của các bộ, ngành sau khi di dời phải được quản lý tập trung, Thủ tướng giao Bộ Tài chính và UBND TP Hà Nội xây dựng phương án khai thác từng cơ sở nhà đất phục vụ hoạt động các cơ quan trung ương và thành phố. Nếu trụ sở cơ quan nào không có nhu cầu sử dụng sẽ đấu giá để thu nguồn lực cho nhà nước.
Các trụ sở không dùng làm cơ quan hành chính nữa sẽ được sử dụng cho mục đích công cộng, làm vườn hoa, bãi đỗ xe, hạn chế chất tải thêm vào hạ tầng.
Trước đó tháng 10/2022, Bộ Xây dựng báo cáo ngoài 13 bộ ngành di dời về khu Tây Hồ Tây còn 23 bộ ngành được xây dựng trụ sở tại vị trí mới và cải tạo chỉnh trang tại chỗ. Trong đó có 8 cơ quan đã được bố trí quỹ đất, đầu tư xây mới gồm: Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Trung ương Hội Nông dân. Phần lớn cơ quan sau khi được xây mới vẫn chưa bàn giao trụ sở cũ.
15 cơ quan giữ nguyên trụ sở gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học kỹ thuật Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam.
Theo https://vnexpress.net